- Bạn đến chơi phải gửi xe nhà chủ với vé xe… không có số, không được lắp bóng đèn tiết kiệm điện trong phòng vì như vậy đồng hồ điện sẽ… không quay, bố mẹ ngủ lại qua đêm cùng con cũng phải “nộp thuế” cho chủ trọ 20 nghìn đồng/người/đêm,… là những quy định “kỳ quặc” của chủ nhiều khu trọ đang khiến không ít sinh viên phải “lao đao”
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phòng trọ thành… nhà nghỉ giá bèo?
Giá phòng đắt đỏ và nhiều nơi điều kiện vệ sinh không đảm bảo nhưng với số tiền ít ỏi bố mẹ tiết kiệm gửi cho hàng tháng, nhiều sinh viên vẫn phải cắn răng sống trong những khu trọ tồi tàn. Vậy nên, chuyện chuột đi lại trong nhà “tự nhiên như đi chợ”, nghe tiếng chuột “đánh trận ngay trên đầu” chẳng còn lạ lẫm gì với nhiều sinh viên.
Không chỉ có vậy, việc nhiều chủ trọ nghĩ ra đủ loại quy định “kỳ quặc” để bắt chẹt sinh viên cũng làm nhiều người phải thêm “lao đao” khi vừa chuyển phòng để thoát khỏi “quái chiêu” của chủ trọ ở xóm này lại gặp ngay “độc chiêu” của chủ xóm trọ khác.
"Nếu có người ngủ lại qua đêm ở phòng, dù là bố mẹ, anh, chị em ruột cũng đều phải lên báo cáo để lại chứng minh thư và quan trọng nhất là nộp cho chủ trọ 20 nghìn đồng/người/đêm" - Ảnh minh họa |
Vũ Toàn, sinh viên năm cuối Học Viện Báo Chí Tuyên Truyền, trọ tại ngõ 175 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội kể: “Vì xóm trọ thu 3,5 nghìn đồng/số điện nên mình mua bóng đèn tiết kiệm điện về lắp thay cho bóng của nhà chủ cho đỡ tốn.
Nhưng vừa biết chuyện là cô chủ trọ sang mắng mình một trận “tơi bời”, bắt thay ngay lại bóng cũ vì nếu mình dùng bóng đèn tiện kiệm điện thì đồng hồ điện sẽ…không quay. Khi mình nhùng nhằng không muốn thay lại thì cô ấy quát thẳng mặt: nếu không thay lại bóng cũ thì dọn đồ chuyển ngay chỗ khác”.
Cũng tại xóm trọ này, nếu có người ngủ lại qua đêm ở phòng, dù là bố mẹ, anh, chị em ruột cũng đều phải lên báo cáo để lại chứng minh thư và quan trọng nhất là nộp cho chủ trọ 20 nghìn đồng/người/đêm. Theo cô chủ xóm trọ này, thì giá cả như vậy còn là… quá bèo so với việc phải đi thuê phòng trong nhà nghỉ hay khách sạn.
Có lẽ độ “hot” của khu trọ là cơ sở để các chủ trọ này ra giá: ngõ 175, Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy là khu vực tập trung rất nhiều sinh viên vì ở gần các trường đại học nên chủ nhà ở đây “chém” giá 20 nghìn/người/đêm. Còn tại một xóm trọ sinh viên khác ở làng Yên Mỹ, phường Xuân Hoà, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc (khu vực gần trường Đại học sự phạm Hà Nội 2) thì có lẽ do kém độ “hot” hơn nên chủ trọ chỉ “chém” 10 nghìn/người/đêm.
Gửi xe với vé xe…không có số
Ở một khu trọ khác tại xóm 1b, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, chủ trọ cũng có những quy định khiến không ít người lần đầu nghe phải cảm thấy “choáng”.
Tại đây, nếu bất cứ ai có bạn đến chơi mà có xe máy thì chủ nhà bắt phải lấy vé xe, gửi xe ở nhà chủ với phí trông xe là 3 nghìn đồng/xe. Tuy nhiên điều “kỳ cục” là vé xe ở đây lại… không có số, nghĩa là chủ nhân chiếc xe chỉ được cầm vé xe để… “gọi là có”, chứ thực tế vé xe đó “chẳng để làm gì”. Chủ nhà không ghi số lên xe cũng chẳng ghi biển số xe như việc trông giữ xe thông thường.
Sinh viên "ngậm đắng nuốt cay" với những quy định oái ăm của chủ trọ vì thiếu chỗ ở (Ảnh minh họa) |
Xóm trọ này thu 3 nghìn đồng/số điện. Nhưng “cái lạ” nữa là dường như số điện ở đây được “mặc định” trước. M.Thu, hiện đang trọ tại đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy trước đây đã từng ở tại xóm trọ này kể lại: “Mình ở đó 3 tháng thì tháng nào số điện nhà mình cũng là 40 số, dù dùng ít hay nhiều. Tháng hè vừa rồi bạn ở cùng mình chỉ ở nửa tháng rồi về quê, mình thì đi làm cả ngày tối mới về, dùng điện được khoảng 2 tiếng thì đi ngủ mà điện vẫn là 40 số. Lạ nữa là phòng bên cạnh cũng 40 số dù họ có cả ti vi, tủ lạnh”.
Tại đây, khi có bạn hay người nhà đến ở lại qua đêm thì không cần “trả tiền thuê phòng” như xóm trọ ở trên, nhưng đều phải nộp thêm tiền nước. M.Thu kể thêm: “Lần đó, em mình lên ở cùng hai ngày mà cuối tháng chủ trọ bắt đóng thêm 20 nghìn tiền nước”.
Tại một xóm trọ khác ở xóm 16, Cổ Nhuế cũng có quy định khá “quái”. Chủ trọ ở đây không quan tâm chuyện có bao nhiêu người ở một phòng hay ai sống cùng ai, chỉ cần nộp đủ thêm 40 nghìn tiền nước nếu có thêm 1 người ở thì chủ trọ sẽ rất vui vẻ, hồ hởi. Vậy nên xóm trọ này có 10 phòng thì đến… 9 phòng là các đôi sống thử.
H.Lương, sinh viên Học viện Tài chính từng trọ tại xóm trọ này kể: “Bạn trai tớ chỉ thỉnh thoảng mới đến chơi nên tớ không đóng thêm tiền nước. Vậy nên lần nào bạn đến cũng bị chủ nhà lườm nguýt, tỏ ý khó chịu và nói bóng gió chuyện… đuổi bạn tớ về”.
Tại nhiều xóm trọ, ngoài tiền nhà, tiền nước, tiền điện, nhiều chủ trọ còn thu thêm mỗi người 10, 12 thậm chí 20 nghìn tiền vệ sinh/người/tháng. Tuy nhiên, rác mỗi phòng vẫn tự đổ, khu vệ sinh chung các phòng chia nhau dọn, nói chung là những gì liên quan đến vệ sinh, sinh viên đều “tự thân vận động”. Vậy nên không ít người phải đặt câu hỏi rằng tiền vệ sinh đó là “tiền vệ sinh gì”?
Thời điểm mới bắt đầu năm học, lượng sinh viên mới lên nhập học nhiều nên các phòng trọ luôn “cháy”. Hương Lan, trọ tại Hồ Tùng Mậu cho biết: “Ở khu trọ mình một ngày phải có đến hơn chục lượt người đến hỏi phòng để thuê”.
Vì các phòng trọ “hot” đến vậy nên các chủ trọ tha hồ tăng giá phòng, tăng giá điện nước. Một xóm trọ tại ngõ 20, Hồ Tùng Mậu thu tiền điện 5 nghìn đồng/số, tiền nước 60 nghìn/người/tháng, một xóm khác tại Đình Thôn, Mỹ Đình thu 7 nghìn đồng/số điện.
Hiện nay, tại khu Hồ Tùng Mậu, ngõ 175, hay khu HITC(gần trường Đại Học Sư Phạm 1) rất khó có thể kiếm được phòng trọ giá dưới 800 nghìn đồng/tháng.
Tiền điện, tiền nước, tiền phong cao vậy nhưng những chủ trọ này chẳng sợ chuyện không có người thuê. Sinh viên nào không kham nổi thì lại lọ mọ đi tìm phòng chuyển, còn nhiều sinh viên đã trải qua quá nhiều phen “lao đao”, sợ không may gặp cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” thì đành tặc lưỡi nhịn bớt tiền ăn để… trả tiền điện.
- Cao Thùy Thơm