Cầu Bình Triệu 2, một trong 4 công trình trọng điểm có nhiều phát sinh, sẽ đưa vào thu phí từ tháng 2 năm nay. Ảnh: Đ.V. |
Cầu đường Bình Triệu 2 và Liên tỉnh lộ 15 là 2 trong 4 công trình trọng điểm của TP đã bị kéo dài thời gian thi công và phát sinh vốn đầu tư lên hàng ngàn tỷ đồng, là 4 “sự cố” trong các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở TP.HCM. Dự án cầu Bình Triệu 2 có lý trình từ ngã tư Bình Phước theo Quốc lộ 13 vào đến Tân Cảng (đầu phía nam cầu Sài Gòn). Theo hợp đồng dự án, chủ đầu tư được tổ chức thu phí sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục: xây dựng cầu Bình Triệu 2 và đường vào ngã tư Bình Lợi, giải tỏa toàn bộ mặt bằng và xây dựng hoàn chỉnh trước trong tổng số 6 làn xe đoạn đường từ ngã 5 đài liệt sĩ đến vòng xoay chân cầu Sài Gòn. Thời gian thi công giai đoạn 1 là 24 tháng.
Tổng mức đầu tư dự án 341 tỷ, trong đó kinh phí giai đoạn 1 là 199 tỷ. Song trong quá trình thi công đã phát sinh không theo dự kiến, để hoàn thành giai đoạn 1 phải cần đến 914 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã thực hiện 197,4 tỷ, xấp xỉ số vốn ban đầu, nhưng chỉ mới xong phần cầu và đường tạm dẫn vào cầu. Tình hình này đã ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tài chính của đơn vị thi công trong việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, việc tổ chức thu phí sớm hơn dự định, ngoài việc góp phần điều tiết lưu lượng xe ra vào, giảm bớt áp lực và phòng tránh ùn tắc giao thông tại cửa ngõ đông bắc TP, mục đích để giải quyết một vấn đề quan trọng là tạo vốn cho doanh nghiệp BOT có điều kiện thực hiện tiếp hợp đồng đã ký kết và bước đầu trả lãi vay đầu tư dự án.
Tương tự cầu đường Bình Triệu 2, đoạn Liên tỉnh lộ 15 được cải tạo thuộc quận 7 và huyện Nhà Bè có chiều dài toàn tuyến 8.475m. Công trình được khởi công tháng 9/1999 và đến cuối 9/2001 được thông xe, đưa vào sử dụng.
Tổng dự toán ban đầu của dự án 99,700 tỷ đồng, sau 2 lần điều chỉnh lên 198,747 tỷ đồng. Theo báo cáo của chủ đầu tư, tổng giá trị dự án tính đến hết 31/12/2003 đã lên đến 243,461 tỷ, trong đó lãi phát sinh phải trả là 65,321 tỷ. Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần phải có phương án giải quyết hoàn vốn đầu tư, vì dự án phải chịu trả lãi dẫn đến chi phí dự án ngày càng tăng. UBND TP.HCM xét thấy việc tiếp tục hình thức đầu tư B.O.T thu phí hoàn vốn dự án liên đường tỉnh lộ 15 giai đoạn 2 đã định là cần thiết, phù hợp chủ trương xã hội hóa đầu tư, giảm nhẹ cho ngân sách, nên đề nghị cho tổ chức thu phí.
Nếu không có gì trở ngại và được thông qua tại kỳ họp HĐND, việc thu phí sẽ được thực hiện từ 1/2/2004.
· Đặng Vỹ