Dịch cúm gà ở Việt Nam: Chưa xác định được thủ phạm PGS - TS Trần Đáng, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế): Trước sự việc gà chết hàng loạt ở một số tỉnh, thành, chúng tôi luôn nhắc lại quy định của ngành thực phẩm về việc nghiêm cấm chế biến gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm. Gà chết hàng loạt cần phải được tiêu huỷ đúng quy định để tránh lây lan sang người. Việc tiêu huỷ này cũng cần tránh làm ô nhiễm môi trường. Hiện đã có những văn bản quy định chặt chẽ các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu các tập thể, cá nhân cố tình vi phạm, nhẹ thì bị xử lý theo Nghị định 46 CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Lệ Hà (ghi) |
Song song với việc kiểm soát, ngăn chặn gia cầm bị bệnh vận chuyển vào các tỉnh thành, các cơ quan chức năng ở TP.HCM tăng cường kiểm dịch gia cầm tại các chợ đầu mối và các trại. Nếu phát hiện gia cầm tại các chợ có dấu hiệu bị bệnh, sẽ đem đi thiêu hủy ngay. Riêng các trại nuôi gia cầm nếu nhiễm dịch sẽ được phong tỏa, cách ly với môi trường bên ngoài, sau đó xử lý bằng kỹ thuật và thiêu hủy tất cả.
Ông Nguyễn Phước Thảo, Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM (NN&PTNT) cho biết sẽ vận đồng, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh trên gia cầm. Đặc biệt, người dân sẽ được khuyến khích báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất nếu phát hiện việc vận chuyển gia cầm bị bệnh hay đã chết đi tiêu thụ để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gia cầm ngưng nhập giống từ các địa phương khác. Thực hiện để trống chuồng, vệ sinh tiêu độc đối với đàn gia cầm đã khai thác xong; khi phát hiện sự bất thường trên vật nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y….
- Tin, ảnh: Phan Công