(VietNamNet) -
Ngày 8/1, sau hàng loạt loay hoay và phản ứng chậm của ngành thú y Việt Nam, dịch gây chết gà hàng loạt ở một số tỉnh đã được gọi tên là dịch cúm gà trong công điện số 71/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ gởi UBND các tỉnh, thành thuộc Trung ương, nơi đang có dịch. Tuy vậy, virus gây nên dịch này đến nay vẫn chưa được xác định. Vì sao vậy?Hồi I: Giá đắt cho một hệ thống thông tin... yếu kém
Nguồn dịch: Do... gà thải loại của Trung Quốc? Đến thời điểm này, ước tính đã có 20 tỉnh, thành có dịch gây gà chết hàng loạt. Tại phía Bắc cũng đã bùng phát dịch ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Hà Tây, Hưng Yên,... nặng nhất là ở Hà Tây. Không riêng gì gà mà hàng nghìn con ngan, vịt cũng lây bệnh chết rất nhanh. Theo dư luận, “dịch gây gà chết hàng loạt” đã khởi nguồn từ cuối tháng 6/2003 tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (đóng tại xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, thuộc Viện Chăn nuôi), làm chết hàng nghìn con gà.
Vẫn theo ông Tiến, vào tháng 3/2003, một chuyên gia Đài Loan (cùng với Hồng Kông, Đài Loan đang nhập gà thịt của Việt Nam) đã cho biết họ thấy gà Trung Quốc được bày bán tại chợ Ngọc Hồi (Hà Tây) và Hà Nội. Ông chuyên gia này cảnh báo: “Nếu không có biện pháp ngăn chặn hoặc kiểm soát kịp thời, rất có thể dịch gà cũng có thể xảy ra tại Việt Nam, như từng xảy ra ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan”. Về thông tin này, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cũng khẳng định: “Vừa qua, có người rất rành về gia cầm đến báo tôi rằng họ thấy gà thải loại của Trung Quốc bán tại chợ Thường Tín (Hà Tây) và Hà Nội. Vì vậy, tôi đã cấm tất cả gà nhập chính ngạch từ Quảng Đông (Trung Quốc) vào Việt Nam, trừ gà giống loại đặc biệt...”.
|
“Hệ thống thông tin trong ngành thú y vẫn chưa tốt”.
Đó là ý kiến của giám đốc Trung tâm Thú y Vùng (TTTYV) TP.HCM Đồng Mạnh Hòa. Ông cho biết: từ ngày 26- 8-2003, Cục Thú y đã có văn bản gởi các tỉnh để cảnh báo khả năng có thể xảy ra đại dịch trên đàn gia cầm của cả nước, với cả những hướng dẫn và yêu cầu cụ thể về phòng vệ dịch bệnh. Sau đó, vào khoảng tháng 10-2003, Cục lại có văn bản cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gởi các tỉnh để nhắc nhở về cùng một vấn đề.Mặc dù vậy, phản ứng của các ngành chức năng ở Long An và Tiền Giang là quá chậm đối với dịch này. Ông Hòa kể: Từ ngày 18-12-2003, TTYTV đã nhận được mẫu bệnh do một người dân Long An gửi về TPHCM. Thế nhưng khi điện thoại hỏi Long An thì cơ quan chức năng của tỉnh trả lời rằng “chờ... họp để xác định”! Trong cùng thời điểm đó, TTTYV TP.HCM cũng không nhận được thông tin gì từ Tiền Giang. Mãi cho tới ngày 26-12 mới có thông báo chính thức từ các tỉnh xảy ra dịch. Tính đến chiều 7-1, đã có 457.000 con gà chết và bán “chạy dịch” ở Long An, cùng trên 100.000 con ở Tiền Giang (và lan cả từ gà đẻ công nghiệp sang gà tàu, gà nòi, vịt, ngỗng, le le... cũng với hiện tượng chết hàng loạt)!
Do một số trại gà và hộ nông dân bán “chạy” khi phát hiện đàn gà của mình bị nhiễm dịch, dịch bệnh đã lây lan nhanh và bùng phát với “tốc độ chóng mặt”, như cách nói của ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An. Còn bà Nguyễn Việt Nga, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, thì tâm sự: “Tình hình dịch bệnh hiện nay tại khu vực này khiến cho người dân hoang mang, khóc lóc um sùm. Trong khi đó, ngành thú y của chúng tôi suốt nửa tháng nay không ăn không ngủ; cán bộ từ tỉnh đến huyện thức suốt 24/24 giờ; 9 Trạm Thú y huyện và văn phòng Chi cục Thú y tỉnh cũng quần quật vật lộn với công việc không ngơi nghỉ, không ai được về nhà…”. Bà Nga cũng nói thêm rằng chi phí phòng chống, tiêu diệt đợt dịch bệnh này chưa thể ước tính là bao nhiêu, do chưa biết bệnh dịch sẽ còn diễn biến như thế nào.
Quả thật, đó là cái giá quá sức đắt mà chúng ta phải trả, mà người lãnh đủ trước hết chính là các hộ nông dân và các trại gà.
Hồi II: Chậm định danh dịch bệnh vì... “virus lạ”!
TP.HCM làm mọi cách để ngăn dịch cúm gà |
Sáng 8/1, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM cho biết, trong tuần qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 649 trường hợp buôn bán gà chết. Ngành thú y TP.HCM đang phối hợp cùng các ngành công an, quản lý thị trường, giao thông công chánh, y tế và UBND các quận huyện, phường xã… để tăng cường kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. |
Cho đến ngày 7/1/2003, Cục Thú y vẫn chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc và nguyên nhân của cái “thảm họa chưa bao giờ có đối với gia cầm ở Việt Nam” (theo cách nói của GS Đào Trọng Đạt, chủ tịch Hiệp hội Thú y Việt Nam).
Đặc biệt, dù dành phần lớn thời gian để tập trung bàn về cách phòng chống dịch gà ở hai tỉnh Long An và Tiền Giang, các chuyên gia tham dự buổi tổng kết hoạt động phối hợp trong công tác thú y, do TTTYV TP.HCM tổ chức tại Long An ngày 7/1, vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân của dịch này để có... “tên gọi” chính thức cũng như các biện pháp phòng chống thích hợp nhất.
Phó cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Thông nói: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa thể công bố chính xác loại bệnh gì. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất cho đây là... đợt dịch bệnh gia cầm” (!).
Trong khi đó, một vị phó cục trưởng khác của Cục Thú y là ông Phạm Chung lại kết luận đây là bệnh... "tụ huyết trùng ghép với một loại bệnh nguy hiểm khác".
Theo BS Ngô Thanh Long (TTTYV TP.HCM), kết quả xét nghiệm cả sáu mẫu bệnh phẩm thu ở hai tỉnh Long An và Tiền Giang là giống nhau, với sự hiện diện của “một loại virus có độc lực cao, khả năng gây chết phôi ở gà rất cao”. Ông cho rằng loại virus này lây lan rất nhanh theo không khí, có khả năng tập hợp, biến thể thành chủng loài khác nguy hiểm hơn và “không chỉ lây lan qua gà mà có thể lây lan qua vịt, ngan, ngỗng, chim trời mà có thể cả với heo”.
Tuy vậy, trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y Trường Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL) TP.HCM, lại cho rằng: “Ý kiến của một số Trung tâm Thú y Vùng cho rằng virus lạ của dịch bệnh trên lây lan từ gà qua những con vật nuôi khác như heo… là thiếu khoa học”.
TS Khanh đề nghị Cục Thú Y Việt Nam nên sớm công bố vì “được biết hiện nay mẫu dịch tễ đã được gởi ra nước ngoài để xét nghiệm”.
|
Hồi III: Định danh rồi, thách thức vẫn còn đó
“Khi nạn dịch xảy ra, chúng tôi đã sưu tầm một số tư liệu về những loại virus và đã có nghi vấn về loại virus cụ thể. Tuy vậy, toàn bộ nghi vấn cũng như những ý kiến đề nghị cách phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xin tạm thời chưa trả lời, dù chúng tôi đã gởi toàn bộ cho Chi cục Thú y Tiền Giang xem xét...” - TS Dương Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng ĐHNL TP.HCM, cho biết như vậy vào chiều 8/1 trong cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet.
Hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã có được trong tay công điện số 71/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ gởi UBND các tỉnh, thành thuộc Trung ương, nơi đang có dịch gà xảy ra. Trong công điện ấy, dịch gây chết gà hàng loạt chính thức được gọi tên là dịch cúm gà.
Tuy vậy, cho đến cuối ngày hôm nay 8-1, rõ ràng câu trả lời chính thức từ Cục Thú y về “thủ phạm” của dịch cúm gà ở Việt Nam vẫn còn bỏ ngõ. Gà chết bị nhiễm virus thì không có khả năng điều trị vì không thể dùng kháng sinh để trị virus. Hơn nữa, chúng ta càng chưa có cơ sở để dùng văcxin phòng bệnh vì chưa định danh được loại virus gây bệnh.
GS. Hoàng Thủy Long, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế):
Hiện nay, ở Bệnh viện Nhi trung ương, cúm dạng A không liên quan đến dịch gà chết hàng loạt. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào lây cúm từ gà sang người. Các bệnh phẩm đã gửi đi xét nghiệm nhưng không liên quan đến nguyên nhân làm cho gà chết thành dịch. Lệ Hà ghi |
Bởi vậy, trong công điện nêu trên, Chính phủ vẫn yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, kể cả các tổ chức nước ngoài, sớm xác định loại chủng gây bệnh để có biện pháp phòng, chống bệnh phù hợp, hiệu quả.
Đó cũng vừa là yêu cầu, vừa là mong mỏi của các hộ nông dân ở các địa phương xảy ra dịch này. Chẳng hạn, tuy là "tâm" của dịch bệnh ở tỉnh Tiền Giang song Tân Thuận lại là ấp có số hộ chăn nuôi quyết định giữ đàn gà lại nhiều nhất để “cầm cự”. Họ có nhiều lý do khác nhau, nhưng nổi bật vẫn là do muốn hợp tác với ngành Thú y để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị. Điển hình là trại của chị Tám Phượng hiện còn 4.500 con đang cho trứng, có khả năng thu được 80 triệu đồng nên chị kiên quyết: “Phải giữ lại để ngành Thú y có nơi mà... thí nghiệm các loại thuốc điều trị, để sau này còn hy vọng gầy lại đàn gà không chỉ cho mình mà cho cả bà con chăn nuôi khác”!
Hai ngày qua, với sự hỗ trợ của cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, sử dụng thử nghiệm hai loại thuốc chích VIME - TOBRA và VIME FLORO - I.D.P cho dãy gà 300 con thì chỉ chết có 2 con/ngày, một tín hiệu khả quan trong việc tìm kiếm loại thuốc điều trị. Quyết định như chị Tám Phượng, ở Tân Thuận này còn có các hộ như Ba Hạnh, Năm Đầy, Năm Phiên... Đây thật sự là một “canh bạc” với các hộ nông dân, nhưng cũng là biện pháp tốt để tránh sự lây lan mầm bệnh. Quyết định “canh bạc” ấy của người Tân Thuận, người Tiền Giang và các tỉnh, thành khác đang có dịch cúm gà, hoàn toàn dựa trên niềm tin vào Nhà nước và trực tiếp nhất là vào khả năng vượt thách thức lần này của Cục Thú y.
· Hà Yên - Trương Hiệu - Cam Lu - Phạm Duy