221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
186671
20 triệu thanh niên nông thôn hết "mù" Internet vào năm 2010
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
20 triệu thanh niên nông thôn hết 'mù' Internet vào năm 2010
,

(VietNamNet) - Tuyên bố mang tính đột phá này được Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đưa ra tại Hội nghị Assosio (Hội nghị thượng đỉnh CNTT châu Á - châu Đại Dương) năm 2003, diễn ra tại Việt Nam. Liên quan đến việc triển khai, thực hiện, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Phạm Tấn Công đã có cuộc trao đổi với VietNamNet.

- Thưa ông, để có thể xây dựng và triển khai đề án với mục tiêu xóa mù Internet cho 20 triệu thanh niên, ngoài Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, còn có sự tham gia của những đơn vị nào?

- Sẽ có rất nhiều đơn vị tham gia triển khai đề án này, chẳng hạn, Bộ Bưu chính Viễn thông,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học và Công nghệ... Tất nhiên, ngoài những đơn vị chủ chốt nói trên, cần phải có sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của toàn xã hội mới mong thực hiện được dự án.

- Điều gì đã thôi thúc Việt Nam đưa ra ý tưởng này?

- Có 3 nguyên nhân cơ bản để Việt Nam đưa ra sáng kiến trên: Thứ nhất, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu về ứng dụng và phát triển CNTT so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Thứ hai, trong khi thế giới coi tin học là kiến thức và kỹ năng cơ bản đối với mỗi thanh thiếu niên thì phần lớn thanh thiếu niên VN còn trong tình trạng mù tin học và xã hội lại coi kỹ năng sử dụng máy tính như một nghề bất kỳ nào khác trong xã hội. Thứ ba, mục tiêu xoá đói giảm nghèo của chúng ta sẽ khó mà trở thành hiện thực nếu thanh niên nông thôn không biết ứng dụng CNTT để tự nâng cao tri thức, nâng cao năng suất lao động tại nông thôn.

- Ông có cho rằng, thời gian 5 năm (2004 - 2009) sẽ khó mà đạt được mục tiêu quá lớn như chủ trương đã đề ra không?

- Theo tôi, đây quả thực là một thách thức lớn nhưng VN vẫn phải quyết tâm thực hiện bằng được nếu không muốn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Thời gian tới, Trung ương Đoàn đang đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm tại một số khu vực phía Bắc và phía Nam để rút kinh nghiệm...

- Theo ông, lực lượng nào sẽ đảm trách nhiệm vụ xoá mù Internet cho 20 triệu thanh niên, trong khi số nhân lực chúng ta cần không dưới 1 triệu người?

- Tất nhiên là thanh niên tình nguyện rồi. Trung ương Đoàn đã có kinh nghiệm huy động lực lượng TNTN trong nhiều năm qua để tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở những lĩnh vực khó khăn nhất, không lý gì lại bó tay trước đề án hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển, bồi dưỡng nhân lực nòng cốt lần này. Trong số 1 triệu TNTN tham gia xoá mù Internet cho 20 triệu thanh niên vùng sâu, vùng xa, nông thôn, lực lượng nòng cốt sẽ là sinh viên tình nguyện, nhưng sẽ huy động tất cả các thanh niên có trình độ về tin học cùng tham gia. Cần nói thêm rằng, mỗi một thanh niên tình nguyện xoá mù Internet sẽ đảm nhiệm từ 1 đến 2 thôn, bản vì chương trình này không chỉ dừng lại ở cấp xã, huyện.

- Được biết, để thực hiện chương trình, kinh phí bồi dưỡng nhân lực, trang bị hạ tầng cơ sở và đáp ứng những vấn đề phát sinh sẽ không dưới 30 triệu USD, theo như nhận xét của một chuyên gia ngành tin học. Chúng ta sẽ huy động nguồn kinh phí đó từ đâu và Nhà nước sẽ phải hỗ trợ bao nhiêu phần trăm?

- Để chương trình thành công, đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, chúng ta cần có 3 điều kiện: Một là đội ngũ thanh niên tình nguyện; hai là các trang thiết bị (trong đó, cần có 2 triệu máy tính giá rẻ). Ba là, phải xây dựng được các cổng thông tin có nội dung thiết thực trên Internet, giúp thanh niên nông thôn nâng cao năng suất lao động và ứng dụng khoa học công nghệ mới. Kinh phí thực hiện các nội dung trên là rất lớn nhưng chủ yếu sẽ dựa vào xã hội hóa, tức là, dựa vào kinh phí huy động từ chính người dân. Sẽ có khoảng 50.000 máy tính trợ giá từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ và tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức. Các máy tính này được cung cấp cho những vùng đặc biệt khó khăn với mức trợ giá dao động từ 30 - 90%, tùy theo mức độ khó khăn của từng vùng.

- Cá nhân ông có tin vào sự thành công của đề án không, khi trở ngại lớn nhất mà thanh niên nông thôn hiện đang gặp phải là sự yếu kém, thậm chí mù ngoại ngữ. Trong khi đó, để "xoá mù" tin học, cần phải biết sử dụng máy với các lệnh ngôn ngữ tiếng Anh?

- Sau năm 1945, cũng vì yếu tố ngoại ngữ mà rất nhiều người hoài nghi về việc đào tạo bác sĩ Việt Nam bằng tiếng Việt. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Tại các nước đã có trình độ phát triển CNTT cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta cũng không đặt nặng vấn đề ngoại ngữ trong tin học. Chúng ta đừng nhìn tin học như con "ngáo ộp" mà phải tính đến việc trang bị các phần mềm và nội dung thông tin bằng tiếng Việt hấp dẫn xoay quanh những vấn đề thanh niên nông thôn đang quan tâm như kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm nuôi trồng, gương thanh niên làm kinh tế trang trại giỏi...

- Mấu chốt thành công của đề án này, theo ông, là những vấn đề gì?

- Tôi cho rằng, mấu chốt thành công của chương trình là huy động được lực lượng thanh niên tình nguyện cũng như sự hưởng ứng của toàn xã hội. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến lực lượng thanh niên nông thôn để tiếp nhận chương trình. Muốn vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền cái đích mà chương trình hướng tới là xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong kỷ nguyên số hoá. Điều cuối cùng không kém phần quan trọng, như tôi đã đề cập ở trên, đó chính là xây dựng nội dung chương trình và hạ tầng viễn thông kết nối mạng giữa tất cả các làng bản.

- Thế còn trở ngại lớn nhất khi triển khai đề án?

- Đó là khả năng liên kết, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan bộ ngành và các địa phương. Ngoài ra, việc huy động xã hội bỏ ra nửa tỷ đô la Mỹ để mua máy tính giá rẻ cũng không phải là vấn đề đơn giản.

- Liệu tình trạng "đánh trống bỏ dùi" của các chương trình phổ cập Internet, đưa Internet về trường học... đã từng xảy ra có tái diễn ở chương trình này không?

- Chắc chắn là không. Vì sao ư?! Một khi người dân đã bỏ tiền túi để mua máy tính thì sẽ không bao giờ có chuyện lãng phí đáng tiếc tương tự.

- Xin cảm ơn ông và chúc dự án sớm thành hiện thực.

  • Nguyệt Minh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,