221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
194863
Hà Nội được gì sau nửa năm tạm dừng đăng ký xe máy?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hà Nội được gì sau nửa năm tạm dừng đăng ký xe máy?
,
Các điểm đăng ký xe máy luôn quá tải trong thời gian gần đây. Ảnh: Nguyên Vũ.

(VietNamNet) - Nửa năm qua, người dân có hộ khẩu thường trú tại 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình của thủ đô dù hội đủ các điều kiện vẫn không được đăng ký xe máy. Trước khi 5 quận còn lại của Hà Nội cũng ''chịu chung số phận'', giờ là thời điểm thích hợp nhất để nhìn lại xem thủ đô đã được gì, mất gì sau nửa năm ấy?

Liên ngành công an và giao thông công chính khẳng định lượng xe máy đăng ký đã giảm hẳn. Con số giảm mà hai ngành này đưa ra là 47,9%, đó là mới chỉ tính đến ngày 22/12/2003 (gần 4 tháng sau ngày 4 quận nội thành trên tạm dừng đăng ký xe máy). Xe máy đăng ký mới nhìn chung là giảm nhưng Hà Nội lại phải đối mặt với một ''nỗi kinh hoàng'' khác, đó là ôtô tăng 71%. Sở dĩ vậy vì trên thực tế, nhiều chiếc xe hơi mới giá không đắt hơn 1 chiếc xe máy ''xịn'' là bao, hoặc chỉ gấp đôi - khiến một số người dự tính mua xe máy chỉ cần ''cố tí nữa'' là có thể làm chủ một chiếc xe hơi, mà xe hơi đăng ký lại rẻ hơn, dễ hơn xe máy rất nhiều! Hiện tại, nếu đã có bằng lái ôtô và trình bày được rằng có chỗ để xe hơi trên ''giấy trắng mực đen'' (xác nhận của phường sở tại hoặc hợp đồng gửi ôtô với một nơi nào đó), mỗi người có thể đăng ký bao nhiêu chiếc ôtô tuỳ thích, dù người đó ở đâu, làm gì...

Việc dân tình đổ xô đi mua ôtô thời gian qua không chỉ làm giá ôtô ''được thể'' tăng cao, mà đặt các nhà chức trách trước một thực tế nan giải. Gần đây nhất trong một Tờ trình gửi UBND TP và nhiều cơ quan, đoàn thể khác tại Hà Nội, liên ngành công an - giao thông công chính đã viết: ''...năm 2003 cho thấy tốc độ tăng ôtô quá nhanh, nếu chỉ cấm xe máy mà không hạn chế ôtô cá nhân thì nguyên nhân tai nạn - ùn tắc giao thông do môtô gây nên sẽ chuyển sang ôtô, do vậy đề nghị UBND TP sớm chỉ đạo về việc phát triển ôtô cá nhân trong năm 2004''.

Trở lại vấn đề đăng ký xe máy, tuy có giảm chung nhưng nếu tính riêng trong các địa bàn còn lại (chưa tạm dừng) thì rõ ràng đã tăng đến chóng mặt! Cụ thể, mới chỉ 3 tháng cuối năm 2003 (sau khi Quyết định số 98/2003/QĐ-UB về tạm dừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành cũ có hiệu lực), số xe máy đăng ký tại Gia Lâm tăng 118,7%; Thanh Trì tăng 88,8%; Tây Hồ tăng 67,6%; Cầu Giấy tăng 66,8%... Hầu như rất ít trường hợp đã mua xe máy rồi phải ''bất lực'' tới mức bán lại, hay ''đắp chiếu'' không đăng ký được, bởi thế nào cũng tìm ra 1 người quen tại quận Thanh Xuân, hoặc huyện Từ Liêm... mà nếu không quen thì chỉ 1,5 đến 2 triệu đồng là có những nhân khẩu tại các địa bàn này sẵn sàng lo ''trọn gói'' giùm, từ khâu thi lấy bằng xe máy đến tận khâu nhận biển kiểm soát!

Chính vì sự ''thắt nơi nọ, phình nơi kia'' như vậy nên tai nạn giao thông do xe máy gây ra trên địa bàn Hà Nội chưa thực sự giảm. Cảnh sát giao thông đưa ra con số tai nạn giao thông chủ yếu do xe máy gây ra chiếm 61,6% tổng số vụ tai nạn, so với 5 tháng đầu năm 2003 chỉ số này là 58,85%.

Khi được hỏi liệu đã có thể dùng 2 tiếng thành công để nói về quá trình nửa năm tạm dừng đăng ký xe máy trên địa bàn Hà Nội, một lãnh đạo chuyên ngành trả lời rằng hiện chưa thể tổng kết được gì vì mọi cái mới chỉ là bắt đầu. Cả một lộ trình vẫn đang ở phía trước. Trong thư trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Đỗ Hoàng Ân (đề ngày 30/1/2004), Giám đốc Sở GTCC Hà Nội Phạm Quốc Trường cũng nêu rõ: ''Quyết định tạm dừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành cũ là thí điểm bước đầu đã phát huy hiệu quả cần được tổng kết đánh giá trước khi triển khai ở các quận còn lại. Đề nghị UBND TP chủ trì, để 2 ngành CAHN - GTCC báo cáo trao đổi các cơ sở pháp lý, các điều kiện cần thiết, các giải pháp đồng bộ trước khi ra quyết định tạm dừng đăng ký môtô, xe máy trên địa bàn 5 quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai và Long Biên''. Như vậy, có thể hiểu các bước tiếp theo của lộ trình sẽ dần được thực hiện: tạm dừng đăng ký xe máy ở 5 quận còn lại (dự kiến cuối tháng 2), tạm dừng ở các huyện ngoại thành Hà Nội (dự kiến trong năm 2004), thêm các điều kiện để đăng ký ôtô (trong tương lai) và có thể, cấm xe máy biển kiểm soát ngoại tỉnh tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội.

Để đổi lại phố phường quang đãng, an toàn, không thể không nói rằng cuộc sống của một bộ phận dân thủ đô đã ít nhiều ''xao động'' bởi chiếc xe máy lâu nay vẫn được coi là phương tiện chính của nhiều gia đình. Người dân cũng cần có thời gian để bỏ nếp giao thông ''từ cửa tới cửa'' của họ tồn tại từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, được biết 2 trăn trở lớn nhất của người dân thủ đô hiện nay trong vấn đề này là: Việc tạm dừng đăng ký xe máy có thực sự cải thiện tình hình giao thông tại Hà Nội? Trong các văn bản liên quan, cơ quan chuyên ngành đều sử dụng cụm từ ''tạm dừng'', vậy tạm dừng là tạm đến bao giờ?

  • Hoàng Huy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,