221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
286479
Gỗ lậu nghênh ngang trên đường Hồ Chí Minh
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Gỗ lậu nghênh ngang trên đường Hồ Chí Minh
,

(VietNamNet) - Đã có nhiều cảnh báo nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, đường Hồ Chí Minh sẽ thành tuyến đường... vận chuyển gỗ lậu. Nay thì điều cảnh báo đó đang thành sự thật trên địa phận tỉnh Quảng Nam.

Trên đường: Gỗ lậu cưỡi xe máy...
ên đường Hồ Chí Minh qua vùng giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang và Nam Giang (Quảng Nam), gỗ lậu ngang nhiên cưỡi xe máy chuẩn bị phóng về thị trấn Thạnh Mỹ.

Trở lại đường Hồ Chí Minh cách đây ít hôm, chúng tôi quả không khỏi bất ngờ khi đứng trên đỉnh dốc Ka Dang (huyện Đông Giang) ở độ cao gần 1.200m nhìn xuống: Cả cánh rừng rộng lớn đang bị tàn phá dữ dội và nhanh chóng. Chỉ cách đây một năm, cũng đứng tại chỗ này, còn thấy màu xanh ngút ngàn của những khu rừng nguyên sinh trải dài. Giờ thì màu xanh ấy đã bị xé nát loang lổ, chỗ đỏ, chỗ xám, chỗ đen!

Đến đoạn đường ngang qua vùng giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang và Nam Giang, trước mắt chúng tôi là hàng đoàn xe máy chở gỗ lậu. Mỗi xe đèo một khúc gỗ dài chừng 2 - 3m, đường kính dễ đến 50 – 60cm, còn tươm nhựa cây, ào ào phóng xuống dốc. Mới sáng nay, đoàn xe này còn tụ tập huyên náo ở ngã ba Thạnh Mỹ. Xe nào cũng chở đầy dây nhợ, đòn chống, nạng kê..., vài xe còn chở cả thực phẩm, gạo muối... Thì ra, sau khi "tập kết" ở đó, đoàn xe đã kéo lên khu vực này. Tại đây, đã có sẵn đội quân ăn, ở trong rừng, có nhiệm vụ khai thác gỗ chuyển ra bìa rừng. Chờ khi đội quân xe máy từ dưới ngã ba Thạnh Mỹ lên tiếp tế lương thực thì những súc gỗ lim, chò, chỉ, gụ đã cưa xẻ cẩn thận, vừa sức chở của xe máy, lập tức được lăn xuống đường. Đoàn xe máy chỉ việc bốc gỗ lên rồi thả sức đổ dốc hơn 30km, quay trở lại ngã ba Thạnh Mỹ.

Thấy chúng tôi giương máy ảnh, đoàn xe lập tức phanh đến cháy lốp. Kẻ tháo dây chằng hất vội các súc gỗ xuống đường rồi rồ ga phóng chạy, kẻ lại bỏ xe nhảy vào mấy lùm cây ven đường để tránh “ăn” ảnh. Các công nhân làm đường tại xã Macooih (Đông Giang) cho biết, đoàn xe máy của lâm tặc vẫn thường xuyên chạy ngang qua đây theo hướng từ Đông Giang về Nam Giang vào sáng sớm và chập tối. Trung bình mỗi xe lên, về 2 chuyến mỗi ngày. Nhân số chuyến với ít nhất 25 xe máy chở gỗ lậu đang hoạt động tại khu vực này, mỗi xe trên dưới 1 tấc gỗ/chuyến thì đủ thấy lượng gỗ quý bị khai thác trái phép ở vùng rừng này mới lớn đến dường nào. Đó là chưa kể đến lượng gỗ vận chuyển bằng ô tô đi theo đường khác!

Dưới sông A Vương, gỗ lậu cũng kết thành bè đẩy trôi xuôi. Khi bị phát hiện thì lập tức tấp vào bờ để tẩu tán!

Dưới sông: Gỗ lại kết thành bè!

Đến km 465, chúng tôi dừng lại, phán đoán gỗ lậu còn có thể được vận chuyển trên sông A Vương. Quả nhiên, chẳng phải đợi lâu, từ phía thượng nguồn, 3 chiếc bè dật dờ trôi xuống. Dưới cái nắng chang chang nhưng phải nhìn thật kỹ mới thấy bơi kèm theo bè là... mỗi cái đầu lâm tặc mọc trên mặt nước. Ngược lại, những "cái đầu" này đã sớm phát hiện chúng tôi đang ở phía trên chăm chú dõi xuống chụp ảnh, nên vội vàng đẩy bè vào sát bờ. Dây cột rút rất nhanh và chiếc bè gỗ tan ra thành... nhiều cây gỗ lậu, được họ chia nhau khiêng, cõng tẩu tán vào rừng...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, rừng nguyên sinh phòng hộ đầu nguồn thủy điện A Vương và thủy điện An Điềm (thuộc địa bàn huyện Đông Giang, giáp ranh hai huyện Nam Giang và Đại Lộc) cũng đều đang “đổ máu”. Ở khu vực rừng đầu nguồn sông A Vương đang tổ chức khai thác tận thu gỗ phục vụ thi công công trình thủy điện A Vương, nên lâm tặc cũng lợi dụng để khai thác gỗ lậu. Còn ở rừng đầu nguồn thủy điện An Điềm, dọc sông Bung và con đường mới đang mở từ Đại Lộc nối về đường Hồ Chí Minh tại thôn A Sờ, trong đợt truy quét cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 56 cây chò, cây dầu bị lâm tặc triệt hạ, nằm ngổn ngang trên rừng, dưới bến sông. Tại hiện trường chỉ còn lại 10 cây gỗ chưa kịp cưa xẻ, khối lượng hơn 23m3; còn hơn 124m3 gỗ (theo tính toán) đã "bốc hơi" theo sông Bung và con đường kia...

Trong khi đó, lượng gỗ lậu khai thác từ những khu rừng dọc đường Hồ Chí Minh, giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang và Nam Giang, sau khi được đội quân xe máy vận chuyển về ngã ba Thạnh Mỹ thì cũng có một bộ phận khác lo phân tán, đóng bè theo đường sông Cái, sông Bung về Đại Sơn, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) rồi theo sông Vu Gia để tìm đường về xuôi.

Giữa khung cảnh nóng bỏng ấy, Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc Lâm trường Macooih vẫn đang... cửa đóng then cài!

Kiểm lâm đi đâu mất?

Quả thật, có chứng kiến tận mắt mới dám tin rằng, trên một vùng giáp giới chỉ cách nhau hơn 3,5km, ở đầu huyện Nam Giang có Trạm Kiểm lâm Tà Lơ, còn Đông Giang có Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc Lâm trường MaCooih, nhưng chính đây lại là nơi lâm tặc tự do lộng hành đến vậy!

Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường Macooih đặt ngay mặt tiền đường Hồ Chí Minh đi qua thôn A Sờ nhưng lắm khi... cửa đóng then cài. Từ đầu năm 2004 đến nay, trạm này chỉ mới phát hiện 3 vụ vận chuyển, khai thác gỗ trái phép; trong đó có 1 vụ gỗ hãy còn để trong rừng vì... chưa có phương tiện chuyển ra ngoài.

Phải đi lại mấy lượt, chúng tôi mới gặp được lúc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Macooih... mở cửa! Khi được hỏi về việc cả đoàn xe máy chở gỗ lậu công khai cách trạm chỉ vài trăm mét thì Trưởng trạm Nguyễn Văn Trung lúng túng không giải thích được mà viện lý do không có người, thiếu phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc...nên rất khó đối phó với lâm tặc.

Tình trạng này cũng diễn ra tại Trạm Kiểm lâm Tà Lơ thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang đang án ngữ ngay tại đầu nam cầu sông Bung (thị trấn Thạnh Mỹ). Trong khi từng đoàn xe lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu đi qua thì suốt 4 tháng đầu năm 2004, trạm này cũng chỉ mới “bắt” được 10 vụ, thu giữ 2,5m3 gỗ (!) Khi chúng tôi tới đây, khung cảnh cũng vắng vẻ làm sao. Chỉ một cây chắn trơ trọi cao gần 2 đầu người, xe du lịch còn đi qua vô tư thì nói gì đến xe máy chở gỗ?...

Một cán bộ UBND huyện Đông Giang khi cung cấp cho chúng tôi những thông tin về nạn lâm tặc khai thác gỗ lậu trên địa bàn đã đề nghị được giấu tên, với lý do "tế nhị" là không dám "dính" vào vấn đề lớn rất nhiều liên quan ở huyện miền núi này. Theo anh, hầu như cuộc họp giao ban nào của huyện cũng có đề cập đến chuyện gỗ lậu, chuyện lâm tặc, nhưng rồi... chịu!

Anh cũng nhận định rằng, thực trạng ở vùng giáp ranh 2 huyện Đông Giang và Nam Giang rõ ràng là một hoạt động có tổ chức, có đầu nậu đứng phía sau lo khâu thuê mướn nhân công chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Hà Nam... vào và trang bị xe máy biển số giả, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đối tượng này khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Vậy mà, những trạm kiểm lâm, trạm quản lý bảo vệ rừng nằm ngay tại khu vực này lại quá vô tư, bình thản; lâu lâu mới "phát hiện" một vụ chiếu lệ để có cái mà báo cáo lên trên!

Phải chăng việc những vạt rừng trên đường Hồ Chí Minh ngang qua khu vực giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang và Nam Giang đang bị tàn phá nặng nề xuất phát từ sự bê trễ, thiếu trách nhiệm của các đơn vị này, thậm chí ngó lơ, phó mặc, đồng nghĩa với tiếp tay cho lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng và tự do vận chuyển đi các nơi hay không? Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền!

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,