221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
454159
Chạy vào trường điểm: Đến hẹn lại... đua
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Chạy vào trường điểm: Đến hẹn lại... đua
,

(VietNamNet) - Hôm nay (1/7) là ngày các trường mầm non, tiểu học và THCS nhận hồ sơ tuyển sinh và cũng là những ngày ''nóng'' nhất của cuộc đua vào trường điểm, đang diễn ra ngấm ngầm vài tháng nay.

Trên thực tế nhu cầu của phụ huynh học sinh muốn cho con em mình vào học những trường trọng điểm chất lượng cao, nhưng số trường điểm này ở TP.HCM lại có hạn. Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng trên 30 trường đạt chuẩn quốc gia (từ mầm non đến THPT) và khoảng 80 trường trọng điểm chất lượng cao. Con số này “không đủ” để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn con học trường điểm bởi tâm lý của phụ huynh thường là “nếu không được học trường điểm thì con mình sẽ không thể học tốt”.

Để phụ huynh học sinh không mất thời gian một cách vô ích khi chọn trường theo nguyện vọng, nhiều trường đã đưa ra những “ba-rem” dự tuyển vào trường, nhu quận Tân Bình quy định dự tuyển vào Trường THCS trọng điểm Nguyễn Gia Thiều: phải tốt nghiệp loại giỏi; vào Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Quang Trung… HS phải có điểm thi từ 20 điểm trở lên.

Chị N.T (Linh Trung, Thủ Đức) tâm sự: “Năm nay con trai tôi vào lớp 1, nhưng tôi đã chuẩn bị cho bé vào trường một trường đạt chuẩn quốc gia ở Thủ Đức cách đây 1 năm.  May mà nhờ người bạn dậy trong trường “giúp đỡ” nên tôi cũng chỉ mất khoảng 3 triệu tiền quà cám ơn thôi”.

Một trường hợp khác chạy trường có vẻ “siêu” hơn. Chị M.L có con học trường THCS N. T.T cho biết, để khỏi bị “tiền mất tật mang” chị đã  dùng “áp lực” bằng cách nhờ từ cán bộ phòng GD-ĐT đến cán bộ lãnh đạo của UBND quận (địa bàn trường trú đóng). Sau khi con chị vào học chị phải cám ơn “nhiều người” thành ra chi phí cũng khá tốn kém.

Chuyện phụ huynh đổ xô vào các trường “chất lượng cao” đã gây ra tình trạng rối loạn trong tuyển sinh: cả phụ huynh và nhà trường đều khổ. Mặc dù trường chuyên L.H.P đã thông báo chỉ những học sinh tốt nghiệp loại giỏi mới được thi nhưng phụ huynh học sinh kéo đến nộp đơn khá đông. Ông T.L ở Đồng Nai tâm sự: “Nhà tôi chỉ có 2 con, muốn con bằng bạn bằng bè nên cũng cố thu xếp cho con lên thành phố ăn học. Nếu cháu thi đỗ vợ chồng tôi rất mừng, nhưng cũng lo không biết kiếm tiền đâu cho con ăn học vì gia đình khá nghèo.

Theo cô N.T.H – giáo viên một trường đạt chuẩn quốc gia, để ngăn chặn tình trạng “chạy”, các trường cần công khai chỉ tiêu và công khai danh sách học sinh được tuyển (phải khớp với chỉ tiêu), số điểm của học sinh được tuyển, diện trong tuyến hay ngoài tuyến... Giải pháp xóa việc “chạy” trường điểm, là chất lượng và cơ sở vật chất phải được nâng lên đồng đều.

Trái tuyến - mỗi trường một phách

Thông báo của trường Ngô Sĩ Liên về học sinh trái tuyến.

Khoảng giữa tháng 6, hầu hết các trường phổ thông cơ sở (PTCS) tại Hà Nội đã dán thông báo tuyển sinh đầu vào lớp Sáu. Về đối tượng tuyển sinh trái tuyến năm nay, các trường khi thông báo xét tuyển đều rất "khéo" với hai chữ "trái tuyến".

Tìm hiểu, PV được biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều biện pháp "giấy" nhằm hạn chế đối tượng học sinh trái tuyến, ấy nên các trường PTCS mới có thái độ "né" hai chữ này. Thông báo của trường PTCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm) do Hiệu trưởng soạn ra ghi rõ "Theo tinh thần chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh ngoài tuyến đoạt giải Thành phố về các môn văn hoá thì nhà trường sẽ ưu tiên tiếp nhận nếu có nhu cầu". Người đọc thông báo hiểu ngay chuyện "ưu tiên học sinh đoạt giải" là việc làm đúng nhưng bên cạnh đó sẽ là vấn đề "xem xét" các đối tượng khác! Bởi vì thực ra đối tượng học sinh đoạt giải thành phố đâu có nhiều! Một cán bộ của trường này nói toạc: "Vài học sinh đoạt gải nhất, mấy chục học sinh đoạt giải nhì, ba, cứ chiểu theo yêu cầu của Sở thì các em đủ tiêu chuẩn vào trường ''Am'', trường Chu Văn An rồi, vậy còn mấy em muốn vào Ngô Sỹ Liên? Trong khi đúng tuyến chiếm khoảng 7/12 lớp, phần còn lại là cho trái tuyến, học sinh giỏi ở đâu ra mà chứa cho hết?".

Trường PTCS Nguyễn Trường Tộ rất khéo lồng "vấn đề trái tuyến" vào thông báo chung do chính tay thầy Hiệu trưởng viết: "...các học sinh khác sẽ căn cứ vào học bạ và kết quả kỳ thi TN Tiểu học". Chẳng rõ là căn cứ thế nào trong học bạ, các phụ huynh đứng xem bảng thông báo nhấm nháy: "Vào đây thì phong bao phải căng thì học bạ mới...xét! Nhưng cũng chẳng dễ đâu, trường nay hơi bị nặng đô đấy".

Đến trường PTCS Giảng Võ, PV VietNamNet đã gặp ngay anh bảo vệ cổng kiêm làm cái việc bán Đơn xin xét tuyển. Anh này nói luôn: "Nếu có giải thành phố thì khỏi phải nghĩ, còn không thì cứ mua đơn đi rồi Hiệu trưởng sẽ xét!". Nhác trông bảng thông báo tuyển sinh không thấy ghi đối tượng trái tuyến, hỏi ra thì anh bảo vệ nói: "Đấy là những lớp... chất lượng cao có gạch chân đấy, xem lại đi!". Nhưng "kín" nhất phải kể đến trường PTCS Hoàn Kiếm. Bảng thông báo tuyển sinh không hề nhắc đến đối tượng trái tuyến. Một thầy giáo đứng trực ngay cạnh cái bảng nói với các phụ huynh học sinh: "Sau khi xong cái khoản đúng tuyến, trường sẽ 'zu-zi' những em ở địa bàn khác, năm nào cũng thế, các vị đến ngày 1/7 này đến mà mua đơn rồi nộp trước đi, có gì nhà trường sẽ báo tin".

Hoá ra, chẳng có thống nhất nào ở khối PTCS trong "vấn đề" trái tuyến. Mỗi trường một phách và nơi nào cũng như đang thực hiện rất nghiêm túc yêu cầu của Sở. Còn thì ai muốn đưa con em lọt vô thì đến tận trường mà "tìm hiểu chất lượng và... giá cả". Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Thực tế có một số trường với những lợi thế về cơ sở vật chất như trường lớp khang trang, sân chơi rộng rãi thoáng mát và nằm trên vị trí địa lý thuận lợi nên nhiều bậc cha mẹ thích gửi con vào học, và thế là những trường này trở thành ''trường điểm'', từ đây dẫn đến chuyện chạy chọt, nhờ vả để cố gắng đưa con em vào học".

Không có chỗ cho con nhà "phó thường dân"!

Không có chỗ cho con nhà ''phó thường dân''.

Đối phó tình hình "nhu cầu trái tuyến nan giải", trường PTCS Trưng Vương đưa ra điều kiện xiết cứng: "Học sinh có đơn xin học phải thông qua các cơ quan chức năng, cơ quan nội chính đã được nhà trường duyệt; liên tục 5 năm là học sinh giỏi bậc Tiểu học... (và đương nhiên phải có hộ khẩu Hà Nội)". Tiếp xúc với PV VietNamNet, bà Hiệu trưởng như muốn được chia sẻ nỗi khó khi phải chấp nhận những đối tượng trái tuyến đầy "áp lực" từ các VIP... Còn trường Ngô Sỹ Liên thì công khai niêm yết tên người "bảo lãnh" cho con em, danh sách này kéo dài hàng trăm, thế là hết chỗ cho con nhà "phó thường dân".

Một chị (đi xe BKS 29R6-4239) đang đứng ngó bảng thông báo cổng trường Ngô Sỹ Liên ngán ngẩm trò chuyện với PV: "Gặp được bà Hiệu trưởng trường này trước kỳ tuyển sinh khó hơn đi lên giời. Nhà riêng của bà gắn camera "soi" khách, nhìn mặt không quen thì không được tiếp đâu! Bà lại còn mấy nhà nữa chứ, di chuyển chỗ ở liên tục, điện thoại di động thì tắt, chỉ có các VIP mới có kênh tiếp cận. Đừng nói chuyện dăm bảy "vé", không có "ông to" bảo lãnh thì vác đống tiền đến hầu cũng chẳng ăn thua gì. Con em trái tuyến trường này mấy năm nay toàn cháu ông nọ bà kia...". Thế nên có chuyện năm vừa rồi một cán bộ công an phường Hàng Bài (phụ trách địa bàn trường Ngô Sỹ Liên nhưng gia đình ở "trái tuyến") cũng phải chào thua vì bị từ chối mà đành xin cho con sang trường khác. Thư tay của các "cụ lớn" đã choán hết chỗ. Người ta gọi đây là trường học "thượng lưu"...

Một vị đứng cạnh tặc lưỡi ngậm ngùi: "Thôi, hãy cố mà thúc con em học cho giỏi để giật một giải thành phố, khi ấy vào đâu mà chả được! Giáo viên của trường này còn không có suất cho "cháu" họ thì đến lượt người khác sao được!"

"Đô" ngoài 4 "vé" việc này mới xong!

Ngay buổi sáng 24/6 khi ông Hiệu trưởng trường Nguyễn Trường Tộ viết thông báo tuyển sinh lớp sáu, PV VietNamNet đã có mặt trong vai diễn của người đi xin học cho con em trái tuyến khi biết đây là địa chỉ "điểm" và cũng khá "nặng đô". Đang mải xem thì có người quen đến vỗ vai hỏi chuyện. Hiểu ra, chị phán: "Vào đây cũng phải mất bốn, năm ''vé'' đấy, mà đây là người quen chứ đối với bên ngoài thì phải sáu, bảy vé. Suất mà em tìm cho anh là của bà giáo viên (tên L) dạy Toán rất thân với Hiệu trưởng. Con bà L đã học xong nên năm nay bà "chuyển nhượng" suất này cho người khác".

Một bà trạc 60 tuổi kéo PV ra cổng trường kể: "Năm nay xin vào đây dễ hơn là vì trường sắp chuyển đi nơi khác, họ đã xây mới rồi, nhiều người không biết nên vẫn cố lách cho con em vào. Lúc nãy mấy người hỏi chuyện chuyển trường, ông ấy vẫn lắc đầu nói không chuyển chiếc gì, đừng tin. Mà này, năm ngoái có mấy trường hợp bị trả lại tiền vì đưa ít quá so với người khác, thế là con em bị bơ vơ, lỡ dở chẳng xin về dâu được đành phải đi học trường dân lập đấy, hãy coi chừng. Bà cũng nói trước, gặp ông ấy không dễ đâu, phải có người giới thiệu an toàn thì mới ổn".

Sở GD-ĐT Hà Nội đồng phạm hay... vô can?

Sở GD-ĐT nắm rất rõ chuyện chạy vào trường điểm, nhưng lạ thay chưa bao giờ có biện pháp ngăn chặn. Bằng chứng là các trường "điểm" vẫn phải "khó tính, xem xét" và dĩ nhiên không trừ chuyện "mặc cả" với đối tượng học sinh trái tuyến. Có người cho rằng "nhu cầu xã hội" khiến thực trạng này không thể ngăn chặn và... không nên ngăn chặn! Nhưng rõ ràng đã có một hình ảnh xấu về những mái trường công lập có những thầy cô giáo ăn tiền "lót" để rồi dành chỗ cho giới thượng lưu và kẻ lắm tiền. Chuyện thành ván đề lớn vì số lượng học sinh trái tuyến hàng năm ở Hà Nội chiếm tỷ lệ khoảng 20%.

Một cán bộ Sở trao đổi với PV VietNamNet: "Nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách chạy chọt cho con em vào trường điểm. Họ nhờ mối quan hệ thân quen, cầu cứu cán bộ các cấp quản lý từ TW đến địa phương can thiệp và thậm chí nhờ người môi giới để giành lấy một chỗ ngồi cho con em trong trường. Thực trạng này dẫn đến hiện tượng có người lợi dụng tình hình đó để kiếm lời, họ "phát giá" vào trường A, B. Chúng tôi khẳng định hiện nay đội ngũ cán bộ và giáo viên đứng lớp các trường PTCS và Tiểu học ở Hà Nội đều đạt chuẩn, do vậy chất lượng dạy và học giữa các trường là tương đối đồng đều, Sở không đánh giá trường nào là trường điểm".

Nhưng nhận thức của người dân vẫn có cái lẽ "nghe lọt tai" về trường điểm: di chuyển nơi ở của gia đình; trường học ở khu vực an ninh an toàn tốt; trường ấy có truyền thống đỗ đạt cao; quản lý học sinh trường ấy nghiêm, giáo viên có danh tiếng; con cháu được học cùng con các quan... Ấy nên, cuộc đua vào trường điểm của những học sinh trái tuyến (đúng hơn phải gọi là... phụ huynh trái tuyến!) hãy còn dài dài...

Điểm và không điểm

Mỗi quận huyện và mỗi cấp học thường có 1 trường trọng điểm chất lượng cao - trường khá nhất để làm điểm các chuyên đề để các điểm khác học tập. Có thế có trường vừa đạt chuẩn quốc gia, lại vừa là trường trọng điểm chất lượng cao như trường: Mầm non BC  Rạng Đông (Q6), Mầm non Thực hành 19/5.

Ông Ngọc Điệp – phó phòng tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, trường đạt chuẩn quốc gia phải đảm bảo 5 yếu tố: chuẩn đội ngũ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đào tạo, xã hội hoá giáo dục.

Mỗi cấp học đều có quy định rõ ràng về trường đạt chuẩn quốc gia. Theo quy định của Bộ GD-ĐT về trường mầm non đạt chuẩn, có nhiều yếu tố quyết định trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có quy định: ‘”Trường lớp đặt ở nơi trung tâm dân cư, ường đi lại thuận tiện, môi trường trong sạch, cảnh quan đẹp. Diện tích mặt bằng của trường có bình quân tối thiểu 10m2/trẻ (trong đó 50% là diện tích sân vườn). Các công trình của trường xây dựng kiến cố hoặc bán kiên cố, tường sơn vôi màu sáng, có đủ ảnh sáng; sàn nhà làm bằng nguyên vật liệu tốt, đảm bảo hợp vệ sinh, cửa thông thoáng, có đủ ánh sáng, cánh cửa chắc chắn và sơn màu đẹp. Trên thực tế các trường mầm non của thành phố như MN Măng Non 1- Q10, MN Hoạ Mi 1-Q5, MN BC Bến Thành… đã đạt được những quy định đó.

Theo ông Trương Song Đức- Giám đốc sở GD-ĐT các trường  chất lượng cao đã có quy định tuyển sinh rất rõ ràng, phụ huynh đều biết nhưng vẫn cứ nộp đơn vào để sau đó... tìm đường khác. Mùa tuyển sinh năm nào cũng phát sinh chuyện chạy chọt, tạo sức ép cho hiệu trưởng. Trẻ em có sức học bình thường mà phụ huynh cứ muốn cho con em mình vào học trường chất lượng cao, tăng cường tiếng anh…

  • Nhóm phóng viên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,