(VietNamNet) - Việc Pacific Airlines thông báo dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong đang gây xôn xao dư luận miền Trung. Đây là quyết định kinh doanh bình thường của một doanh nghiệp nhưng tại sao lại nhận được nhiều phản ứng đến vậy?
Một tuần sau khi về nhận chức Giám đốc Công ty cổ phần Pacific Airlines, ông Lương Hoài Nam (nguyên Trưởng Ban Kế hoạch thị trường Vietnam Airlines) đã ký thông báo số 517/TP-PA về việc “dừng khai thác đường bay Đà Nẵng - Hong Kong và ngược lại kể từ 17/7/2004”.
Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, chính những nhân viên của Pacific Airline cũng có phản ứng khá gay gắt. Ông Phùng Thế Tám, đại diện của Pacific tại Đà Nẵng cho biết, bản thân ông cũng hết sức đột ngột trước việc cắt bỏ đường bay Đà Nẵng - Hong Kong.
Ông Tám bức xúc: ''Trước đó chẳng có ai tham khảo ý kiến của chúng tôi cả. Văn bản được ký ngày 8/7 và chúng tôi chỉ mới nhận được bản fax vào ngày 9/7. Tôi đang cố gắng tìm cách thuyết phục ban lãnh đạo công ty xem xét lại việc này!”.
Phó GĐ điều hành Pacific Airlines Vũ Duy Du: "Chúng tôi hiểu là tạm dừng, nhưng văn bản của giám đốc chỉ bảo là dừng, không biết có sự sai lệch nào không?
Còn ông Ông Vũ Duy Du, Phó Giám đốc cho rằng: “Ở trong công ty, chúng tôi hiểu là "tạm dừng" đường bay Đà Nẵng - Hong Kong và sẽ chờ Hội đồng quản trị xét, quyết định chính thức. Tuy nhiên theo thông báo do giám đốc ký thì lại bảo là "dừng", thành ra tôi cũng không biết có sự sai lệch nào hay không?”.
Tuy nhiên, ông Du cũng bày tỏ: “Từ đầu năm chúng tôi đã có kế hoạch khai thác 4 máy bay. Nhưng đến nay máy bay thứ 4 chưa đưa vào được, thành thử kế hoạch có nhiều thay đổi. Do vậy giám đốc mới phải cân nhắc làm sao để việc khai thác thị trường đối với 3 máy bay hiện nay cho có hiệu quả. Đó là một bài toán hết sức phức tạp và chúng tôi cũng rất thông cảm cho việc Giám đốc mới phải tạm đưa ra quyết định dừng đường bay”.
''Dừng đường bay để vực dậy Pacific Airlines''
Trong căn phòng làm việc cũ của mình tại Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam, ông Lương Hoài Nam, Giám đốc Pacific Airlines dành gần 2 tiếng trò chuyện với phóng viên VietNamNet.
Mở đầu câu chuyện, ông nói đến 4 khó khăn của Pacific Airlines khi ông làm giám đốc mới được 1 tuần. Thứ nhất là hậu quả khách quan: Dịch SARS, cúm gà, khủng bố, giá xăng dầu tăng. Thứ hai là hiệu quả kinh doanh từ khi thành lập (1991) đến nay rất thấp, tiêu hết vốn và thua lỗ. Thứ ba là những món nợ từ trước để lại. Những món nợ này đang đè nặng áp lực lên Ban lãnh đạo và thứ tư là năng lực bộ máy, trình độ lao động, tư tưởng cán bộ công nhân viên...
Những khó khăn trên đây là lý do để ông Nam quyết định dừng đường bay Đà Nẵng - Kong Kong bởi đường bay này chưa bao giờ có lãi, riêng 6 tháng đầu năm 2004 đã lỗ 7,5 tỷ đồng và sẽ lỗ khoản tương tự trong 6 tháng cuối năm. Hiệu suất ghế của đường bay trong 6 tháng đầu năm là 48% mặc dù trong vài tuần gần đây, tỉ lệ khai thác hành khách trên đường bay có tăng.
Cũng theo ông Nam, cơ cấu hành khách trên đường bay Đà Nẵng - Hong Kong cũng rất bất hợp lý. Lượng khách bay Đà Nẵng - Hong Kong chỉ chiếm 30%. Số còn lại bay đường Hong Kong - TP.HCM, Như vậy khách chủ yếu đi tuyến Hong Kong - TP.HCM.
Mỗi tuần Pacific bay 2 chuyến trong khi Vietnam Airlines bay 2 chuyến/ngày. Vì vậy không thể có khả năng cạnh tranh và để có khách thì cách duy nhất là bán với giá rẻ, khách mới chấp nhận và transit ở Đà Nẵng. Chính việc giảm giá để thu hút khách dẫn đến thua lỗ, nợ nần. Và gánh nặng đã đè lên vai người giám đốc trẻ tiếp quản công ty có gần 700 nhân viên và... 3 máy bay.
Vừa lên nhận chức Giám đốc Pacific Airlines 1 tuần, ông Lương Hoài Nam đã ký thông báo dừng khai thác đường bay Đà Nẵng - Hong Kong.
Song song với việc đóng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong, Pacific Airline tăng cường khai thác hiệu quả hơn các đường bay khác: Ví dụ TP.HCM - Hà Nội từ 3 chuyến tăng lên 4 - 5 chuyến/ngày từ tháng 8; TP.HCM - Cao Hùng tăng từ 4 lên 5 chuyển kể từ tháng 9; TP.HCM - Đài Bắc tăng từ 4 lên 5 chuyến; đồng thời trên toàn đường bay có phối hợp với Vietnam Airlines để cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài.
Ông Nam chốt lại: Việc dừng đường bay chỉ có lợi cho doanh nghiệp: Giảm được thua lỗ, cân bằng thanh toán. Và không thiệt hại gì vì số nhân viên sẽ chuyển sang các đường bay khác như Đà Nẵng - TP.HCM, còn đầu Hong Kong chỉ có 2 người, bây giờ đưa họ về nước. Đối với 1 hãng hàng không đường bay là kinh doanh, là sản phẩm, đóng lại là rất đau lòng nhưng cần làm để ổn định tình hình công ty, làm nhẹ những khó khăn về tài chính trong một giai đoạn nào đó.
-
Hải Châu - Công Thành