221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
461250
Dừng đường bay, địa phương chỉ kêu trời?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Dừng đường bay, địa phương chỉ kêu trời?
,

(VietNamNet) - ''Việc Pacific Airlines quyết định dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong là rất dở'', ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng buồn bã nói.

Theo ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế tại sân bay Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao bằng đường hàng không của du khách đến với Đà Nẵng và của người dân. Các tuyến bay này sẽ góp phần thúc đẩy thông thương và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng ra thế giới và đón đầu các cơ hội làm ăn trong hành lang kinh tế Đông Tây!”.

Chỉ sau hơn nửa năm phục hồi, đường bay Đà Nẵng - Hong Kong đã đạt tỉ lệ khách 66 - 83% trong vài tuần gần đây. Vậy mà nó vẫn bị Pacific Airlines quyết định dừng khai thác!

Bởi vậy, ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đã không thể không phản ứng trước quyết định dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong của Pacific Airlines mà ông cho là rất đột ngột: “Có thể nói, sau những ảnh hưởng của dịch SARS và cúm gà, đường bay Đà Nẵng - Hong Kong đã được khôi phục trở lại một cách khá ấn tượng và đây đang là lúc cao điểm để khai thác. Do vậy, tôi có thể nói việc Pacific Airlines quyết định dừng đường bay này là rất dở''.

Trong khi đó, thị trường Hong Kong đối với du lịch, đầu tư Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung đã được phát động từ 3 - 4 năm nay. Không chỉ Pacific Airlines mà các địa phương trong khu vực như Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam... cũng đổ rất nhiều công sức cho việc duy trì và phát triển đường bay này.

Ngoài việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Pacific Airlines hoạt động, các tỉnh, thành miền Trung còn phối hợp tổ chức nhiều fam-tour, fam-trip... để đưa giới doanh nghiệp, báo chí VN cũng như Hong Kong đến tham quan, tìm hiểu nhằm xúc tiến thị trường du lịch trong khu vực. Trong các hoạt động đó, chúng tôi cũng đã bỏ ra không ít công sức và kinh phí để đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp du lịch ở miền Trung cũng đã có những cam kết với Pacific Airlines trong việc đón tiếp khách du lịch Hong Kong. Điển hình như khu du lịch quốc tế Furama đang phối hợp Pacific Airlines đón khách từ Hong Kong sang nghỉ ngắn ngày và nghỉ cuối tuần. Thế nhưng khi quyết định dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong thì Pacific Airlines lại chỉ tiến hành đơn phương mà không thông tin, thông báo hoặc tham khảo ý kiến. Kế hoạch đón khách từ Hong Kong của Furama rồi sẽ ra sao?

Trong hai tháng 7 và 8 tới đây, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ liên tục tổ chức các liên hoan văn hoá du lịch trong khuôn khổ chương trình du lịch “Năm Di sản Văn hoá thế giới miền Trung”... Những hoạt động này đã xúc tiến quảng bá suốt cả năm qua. Trong đó tất nhiên có hướng tới thị trường khách du lịch Hong Kong với sự đảm bảo về đường bay Đà Nẵng - Hong Kong của Pacific Airlines. Nay Pacific Airlines đột ngột dừng đường bay thì việc đảm bảo tour, tuyến của các doanh nghiệp du lịch đối với lượng khách từ Hong Kong (từ nhiều nguồn về đây) sẽ thế nào?

Sân bay Đà Nẵng mang tiếng là sân bay quốc tế nhưng đến nay Vietnam Airlines chưa hề mở đường bay quốc tế nào qua sân bay này mà chỉ mới có các hãng của nước ngoài như Thai Airways, PB Air, FAT Air... Do vậy, chúng tôi rất trân trọng khi Công ty cổ phần Pacific Airlines mở đường bay Đà Nẵng - Hong Kong và đã thể hiện sự trân trọng đó bằng cách đóng góp công sức của mình.

Nay Pacific Airlines cũng tiếp tục huỷ đường bay này thì coi như không còn một hãng hàng không nào của VN có đường bay quốc tế qua sân bay này. Trong khi đó, mở đường bay quốc tế qua sân bay Đà Nẵng không chỉ bay cho Đà Nẵng mà là bay cho cả “Con đường Di sản Văn hoá thế giới miền Trung”, cho Khu kinh tế mở Chu Lai, KCN lọc hoá dầu Dung Quất, cho Hành lang kinh tế Đông - Tây...''.

Miền Trung - thị trường hàng không của tương lai?

Trong dịp Tết Giáp Thân vừa rồi, VietNam Airlines đang khai thác nhiều nhất các đường bay nội địa đến Đà Nẵng đã khẳng định sự chủ động đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong bất cứ thời điểm nào. Hãng đã cho tăng tải lên khoảng 83% so với bình thường và tăng so với năm ngoái khoảng 28,3% mới đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của khách.

Trên các đường bay quốc tế thường xuyên qua Sân bay Đà Nẵng, không khí cũng diễn ra không kém sôi nổi. Tính từ 22/1 (mồng 1 Tết Giáp Thân) đến 28/1, PB Air và Siem Reap Airways đều đã thực hiện 3 chuyến bay với tổng số hơn 240 khách đi và đến. Pacific Airlines thực hiện 2 chuyến với tổng lượng khách gần 300 người. Đặc biệt, FAT Airlines đã đạt hơn 520 hành khách sau 2 chuyến đi và đến Sân bay Đà Nẵng.

Sự gia tăng có phần đột biến lượng khách trong và ngoài nước qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng trong dịp Tết có phải là dấu hiệu khả quan về sự phát triển của ngành hàng không ở miền Trung trong tương lai gần? Câu hỏi này xuất phát từ những mối quan ngại lâu nay về thị trường khách hàng không ở khu vực này vốn không phong phú như ở hai đầu đất nước. Chẳng thế mà tại cuộc gặp hồi cuối năm 2003 với lãnh đạo Cụm cảng hàng không sân bay miền Trung và các Sở Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa thiên - Huế, hầu hết các hãng hàng không quốc tế đang có đường bay đến Đà Nẵng và miền Trung đều báo lỗ!

Thế nhưng, cũng chính trong thời điểm đó, FAT Airlines đã mở đường bay thẳng Đà Nẵng - Đài Bắc để đưa khách từ các nước khu vực Bắc Mỹ quá cảnh tại Đài Loan trước khi đến Đà Nẵng và ngược lại. Ngoài ra, Japan Airlines cũng tiến hành các bước xúc tiến nhắm đến đường bay trực tiếp từ Nhật qua Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần; Silk Air thì đang đặt vấn đề mở tuyến bay thẳng Siagapore - Đà Nẵng với số chuyến bay hàng tuần tương tự. Khi 2 đường bay này thiết lập, hằng tuần sẽ có 6 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với trên 32 chuyến đi/đến...

Rõ ràng các hãng bay ấy phải nhìn thấy một tương lai nào đó đối với việc mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, trong khi chính các hãng hàng không của VN lại tỏ ra không mấy mặn mà?

Cách đây vài năm, lãnh đạo Thai Airways đã nhận xét, khi mở đường bay trực tiếp Bangkok - Đà Nẵng họ chấp nhận bị lỗ vài năm đầu do thị trường khách ở Đà Nẵng còn rất hạn chế. Nhưng đây là sự “hy sinh” cần thiết để Thai Airways đón đầu cơ hội khi Hành lang kinh tế Đông - Tây chính thức vận hành mà Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ ra Biển Đông của cả một vùng rộng lớn từ Trung - Hạ Lào lên Đông Bắc Thái Lan, Vân Nam Trung Quốc và mở rộng ra cả Myanmar, Ấn Độ...

Trong khi đó, SiemReap Airways nhằm tới việc nối tour các Di sản văn hoá thế giới ở Siem Reap (Campuchia), Luang Prabang (Lào), Bangkok (Thái Lan) và miền Trung VN. Với Japan Airlines, việc xúc tiến mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng chính là do lượng khách từ Nhật đến du lịch, tham quan các Di sản văn hoá thế giới ở miền Trung đang tăng mạnh sau khi Chính phủ VN đơn phương bãi bỏ thị thực nhập cảnh cho khách Nhật!...

Cơ chế nào ''mở cừa bầu trời'' miền Trung?

Các đường bay quốc tế đến miền Trung qua sân bay Đà Nẵng không chỉ là những “chiếc máy xay tiền” gây lỗ triền miên cho các hãng hàng không. Trên thực tế, khu vực này vẫn chứa đựng những tiềm năng đáng kể cho sự phát triển của ngành hàng không. Vấn đề là các hãng phải có tầm nhìn chiến lược trong công tác đầu tư, chấp nhận những rủi ro trước mắt nhằm hướng đến những mục tiêu lâu dài chứ không thể chỉ “ăn xổi ở thì”.

Do vậy,  việc Pacific Airlines kêu lỗ lã để quyết định dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong, mặc dù chỉ sau hơn nửa năm khôi phục (từ 29/11/2003) đã có những tuần đạt tỉ lệ khách đến 80%, đã gây nên phản ứng từ nhiều phía cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, Sân bay Đà Nẵng tuy được xác định là cửa ngõ hàng không quốc tế thứ 3 của cả nước và là cửa ngõ đón khách của khu vực miền Trung song chỉ mới có 3 đường bay quốc tế đang hoạt động.

Cùng với việc Pacific Airlines dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong thì chỉ còn hai đường bay Đà Nẵng - Siem Reap (của Seam Reap Airwways) và Đà Nẵng - Đài Bắc (của FAT Air). Điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, du lịch... của một khu vực vốn đang còn gặp nhiều khó khăn này!

Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy một khía cạnh khác của vấn đề như ông Vũ Duy Du đã nêu ra một cách sòng phẳng: “Rõ ràng khi Nhà nước giao cho doanh nghiệp thực hiện một nhiệm vụ chính trị thì kèm theo đó phải là các công cụ hữu hiệu về nhân tài, vật lực, tài chính... Cụ thể như đường bay Đà Nẵng - Hong Kong, địa phương muốn doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình; doanh nghiệp cũng rất muốn làm tốt điều đó nhưng lại không được ở trên tạo điều kiện, nên buộc lòng doanh nghiệp phải rút lại để bảo đảm quyền lợi tối thiểu, bảo đảm sự tồn tại của mình cái đã. Nói thật, hiện nay chúng tôi không có lấy một tấc đất cắm dùi, không có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật nào cả. Chúng tôi muốn xin mượn một miếng đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kho tàng cho máy bay hoạt động, rồi xây dựng cơ quan... nhưng rất khó khăn, rất mệt!”.

Rõ ràng, để phát triển thị trường hàng không ở miền Trung mà trước hết là xây dựng và duy trì từng đường bay thì ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự ủng hộ của các địa phương, còn cần có những cơ chế, chính sách thật sự tạo điều kiện từ cấp quản lý vĩ mô. Không thể buộc các doanh nghiệp phải gồng mình làm “nhiệm vụ chính trị” để rồi nếu phải phá sản vì điều ấy thì cũng chẳng được ai cứu. Cũng như không thể đòi hỏi các địa phương ban hành các chính sách giảm giá vé, cước phí cất hạ cánh, chi phí kho bãi, thủ tục... vì sân bay vốn ngoài tầm quản lý của họ.

Đã đến lúc Chính phủ cần ban hành các cơ chế, chính sách thật sự khuyến khích phát triển ngành hàng không miền Trung, xem đó như một điểm tựa để góp phần làm bật dậy miền Trung. Đó mới là vấn đề vỡ vạc ra từ việc dừng đường bay Đà Nẵng - Hong Kong của Paccific Airlines.

  • Hải Châu - Công Thành

Bài 1: Cắt một đường bay, người trong cuộc đau đớn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,