(VietNamNet) - Ngắm kỹ mới thấy, cô bé mới chỉ 14-15. Bởi vẻ mặt u uẩn, ánh mắt sẫm tối, đôi lúc nhớn nhác lo âu - dấu ấn đoạn đời đắng cay, ô nhục nơi xứ người che khuất nét tươi sáng tuổi trăng tròn. Em trở về từ một nhà hàng có bán dâm ở Campuchia.
''Cho chúng em nói!'' (Diễn đàn Chúng em nói về Phòng chống buôn bán và lao động trẻ em). |
Sáng hôm sau, tỉnh dậy cô bé thấy mình trong một tiệm ăn toàn người nước ngoài; em thành nhân viên phục vụ theo lệnh của chủ kể từ đó. Không giấy tờ, không tiền bạc, cũng không biết ngoại ngữ, gần 3 năm sau cô bé mới tìm nổi một Việt kiều để kêu cứu và được giới thiệu theo một đoàn người buôn lậu vượt sông về nước, tìm quê.
Nhiều trong số 156 cháu tham gia Diễn đàn Chúng em nói về Phòng chống buôn bán và lao động trẻ em (Hà Nội, 25/8) cũng trải qua những ngày không buồn tủi vì nghèo đói thì cũng kinh hoàng vì bị xâm hại như vậy. V.T.D (Bắc Giang) cũng từng bị bà chủ lò bánh tên H. nơi cháu làm thuê nhận làm con nuôi rồi đưa sang Trung Quốc, bán cho nhà hàng với giá 6.000 NDT (sau khi mặc cả với nhiều nơi trước đó). Đến tháng thứ 7, D. bị nhà hàng này buộc phải đi ''bao đêm''. Chạy trốn khỏi chốn kinh hoàng này, cháu lại lạc vào rừng, rơi vào tay 4 thanh niên, bị chúng làm nhục suốt 2 ngày. Không quần áo, D. không dám chạy tới Công an cửa khẩu kêu cứu, chỉ còn cách lao vào một ngôi đền gần đó rồi may mắn được đưa về với gia đình.
Một số phận khác ngay giữa Thủ đô Hà Nội, L.T.H. (15 tuổi), con cả một gia đình mất mẹ (khi em mới 12; 2 em, một 10 tuổi, một tròn năm). Chị em H. đi nhặt rác từ khi bệnh tình mẹ trở nên nặng, bố không lo nổi thuốc men. Hàng ngày, H. vào bãi từ 2h - 7h sáng (cậu em kế nhỏ quá chỉ nhặt loanh quanh phía ngoài). Việc giặt rác, phân loại và cân rác để bán kéo dài đến tận trưa. Khi công việc xong xuôi, có 15.000 - 17.000 bỏ túi, H. về nhà lo cơm nước, giặt giũ, lợn gà cho cả gia đình. Trả lời câu hỏi ''Mong muốn của em?'', H. bảo: ''Cháu chỉ cần các em cháu không phải bỏ học''. Và cười: ''Thế là quá đủ!''.
Không riêng gì những em gái phóng viên VietNamNet được may mắn trò chuỵện bên lề Diễn đàn, hầu hết 156 thành viên (tuổi từ 12 - 17, từ các tỉnh, thành trên cả nước) vì số phận xô đẩy, cuộc sống khó khăn, đều thành nạn nhân các vụ bắt cóc, buôn bán qua biên giới (Trung Quốc hoặc Campuchia) trở về, hoặc từng bị ép kết hôn với người nước ngoài, buộc làm ăn xin, gái mại dâm, giúp việc gia đình. Những cháu còn bố hoặc mẹ hay ông, bà thì may mắn hơn, chỉ phải làm thuê, hoặc buôn bán nhỏ gần nhà.
Chúng cháu kêu, ai cứu? Cứu cách nào?
Trả lời câu hỏi của một cháu đến từ tỉnh Lạng Sơn: ''Khi có tin báo trẻ em bị bắt cóc, cơ quan công an có lập chuyên án sang nước ngoài điều tra không?'', Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) Nguyễn Mạnh Tề cho biết sẽ lập tức xác minh, lập án đấu tranh ngay khi phát hiện dấu hiệu tội phạm. Việc điều tra tại nơi trẻ bị lừa gạt và địa phương các cháu có khả năng bị đưa đến sẽ được Cơ quan Công an tiến hành ngay. Do Việt Nam là thành viên Cảnh sát Interpol Quốc tế, những trường hợp trẻ bị bán sang nước ngoài cũng sẽ được phối hợp tìm kiếm, tiếp nhận theo quy định pháp luật hai nước.
Ông Tề cho biết thêm, Việt Nam đang đẩy mạnh đấu tranh phòng chống buôn bán trẻ em, phụ nữ (trong đó nhấn mạnh công tác phòng ngừa). Song song với việc thực hiện khung hình phạt cao dành cho tội lừa gạt buôn bán trẻ em (được xác định trong Bộ luật Hình sự 1999), ngày 14/7 Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 - 2010. Theo đó, các cơ quan liên quan sẽ triển khai 4 đề án: Điều tra (Bộ Công an kết hợp Bộ đội biên phòng thực hiện), Tiếp nhận nạn nhân, giúp hoà nhập cộng đồng (Bộ Tư pháp, GD-ĐT), Tạo công ăn việc làm (Lao Động - Thương binh & Xã hội) và Truyền thông (các ban ngành liên quan). Để tạo điều kiện cho lực lượng điều tra, phòng chống tội phạm buôn bán trẻ em hoạt động thuận lợi, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng vừa thông qua Pháp lệnh Điều tra; Cảnh sát Hình sự sẽ trở thành cơ quan độc lập mang tên Cảnh sát Điều tra, chịu trách nhiệm phát hiên, xử lý mọi vụ buôn bán trẻ em.
Giải đáp băn khoăn ''hậu'' các vụ buôn bán trẻ em của các thành viên nhỏ tuổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đình Thiết - Phó Chủ nhiệm UB Dân số - Gia đình - Trẻ em VN khẳng định, địa phương nơi trẻ cư trú có trách nhiệm phục hồi chức năng, ổn định tinh thần, tạo việc làm và điều kiện học tập cho các cháu bị bắt, bán trở về. Ông Thiết đề nghị mọi người dân nâng cao trách nhiệm trước số phận của các cháu, báo cho UB Dân số - Gia đình - Trẻ em địa phương ngay khi phát hiện các trường hợp trẻ từ bên kia biên giới trở về để kịp thời hỗ trợ các cháu về vật chất và tinh thần.
Với các gia đình có trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn phải làm thuê, đi ở, đại diện UB Dân số - Gia đình - Trẻ em VN lưu ý ký hợp đồng lao động với chủ; nội dung hợp đồng sẽ được tư vấn miễn phí tại các trung tâm tư vấn, dịch vụ dân số - dia đình - trẻ em (hoặc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội) các tỉnh, thành phố. Các cháu khi thấy có nguy cơ bị bóc lột, xâm hại cần liên hệ (trực tiếp, gửi thư hoặc điện thoại) đến cơ quan UB Dân số - Gia đình - Trẻ em địa phương để được tư vấn, hỗ trợ hoặc giải cứu ngay.
Về vấn đề học hành cho các cháu bị bán, bị lạm dụng sức lao động hay có hoàn cảnh khó khăn, phải lao động sớm giúp đỡ gia đình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết, từ năm học này Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh Giáo dục Hoà nhập nhằm mở của đón mọi cháu từ các Mái ấm, miễn học phí và cho mượn sách giáo khoa theo Chương trình Bộ sách Dùng chung. Ở cấp tiểu học, các cháu khó khăn không phải đến trường thường xuyên hay dự thi, chỉ cần đậu kiểm tra 2 môn cơ bản (Toán, Tiếng Việt) là được nhận vào lớp. Song song đó, Sở GD-ĐT các địa phương và các ban ngành liên quan, các nhà hảo tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quỹ học bổng cho học sinh vượt khó nhằm tạo điều kiện cho tất cả trẻ em đến trường.
Tránh xa cạm bẫy, cảnh giác hố sâu!
Trên tường hội trường Diễn đàn Chúng em nói về Phòng chống buôn bán và lao động trẻ em treo nhiều lá thư nguyệch ngoạc, đẫm nước mắt, kể về hoàn cảnh các cháu đã, đang trải qua. Những tờ báo tường đầy tranh chì màu phơi bày thủ đoạn của những kẻ vô lương tâm buôn bán, bóc lột lao động trẻ em, do chính những cháu từng một thời lao đao vì sương gió số phận vẽ.
Một nhóm trẻ tên là Quang Lang còn soạn thảo cả một tập các điều ước (kèm theo giải pháp), như: Không có trẻ lang thang kiếm sống đường phố (giải pháp: đưa các cháu về quê, hỗ trợ tiền, tạo việc làm ổn định), Tất cả trẻ em đề có nhà (xây nhà tình thuơng cho trẻ mồ côi, không nơi nương tựa), Không có trẻ bị bóc lột sức lao động, bóc lột về thân thể (bằng cách trừng trị nặng kẻ vi phạm), Không phân biệt đối xử với trẻ bị buôn bán trở về (lkhông xa lánh, lạ lẫm; lôi kéo các cháu vào các hoạt động có ích,dạy nghề, tạo việc làm, cấp giấy khai sinh, hộ khẩu để được đi học, làm việc tại địa phương)...
Những câu chuyện mộc mạc của các cháu đều rung lên lời kêu gọi: ''Hãy lắng nghe chúng cháu! Hãy bảo vệ, đừng để chúng cháu bị buôn bán, bóc lột lao động và thân thể! Hãy cho chúng cháu gia đình, trường học và giúp chúng cháu thoát đói nghèo!''
Một bản thông điệp chính thức gồm 15 điều với nội dung Chúng ta phải bảo vệ chính mình và mọi người phải bảo vệ chúng ta tốt hơn cũng được 156 trẻ tham gia diễn đàn này xây dựng, gửi lên Chính phủ. 5 trong số những thành viên nhỏ tuổi này vừa được chọn tham dự Diễn đàn Trẻ em tiểu vùng sông Mê Kông (Bangkok, 10 - 16/10/2004). Các cháu sẽ góp tiếng nói, giúp chính phủ 5 nước trong khu vực xây dựng Chương trình Hành động phòng chống buôn bán người, trình Chính phủ các nước này xem xét trong Hội nghị phối hợp Bộ trưởng tiểu vùng về vấn đề này (COMMIT). Trên cơ sở đó, tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ và thông qua Chương trình Hành động cấp tiểu vùng về phòng chống buôn bán người trong khu vực.
Thông điệp của trẻ em Việt Nam gửi Chính phủ |
1. Hãy cho chúng em nói, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của chúng em. |
-
Quảng Hạnh