(VietNamNet) - Năm trước, qua Chương trình “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin”, e-CHÍP đã tôn vinh 30 người Việt miệt mài trong thầm lặng hỗ trợ đồng bào tiếp cận CNTT. Năm nay, chương trình bắt đầu khởi động.
Năm nay, e-CHÍP vẫn tiếp tục làm công việc này vì nhiệt tâm, lối ứng xử hào hiệp, vô vị lợi như thế đang trở thành quý, hiếm cần được hun, ủ và thổi bùng lên, giúp lan toả rộng hơn để cộng đồng CNTT Việt Nam nói riêng và xã hội chúng ta nói chung ngày càng có nhiều hơn những “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” - đem cả trí lực lẫn sức lực phục vụ lợi ích của xứ sở. Nếu không có gì thay đổi, Chương trình trao tặng biểu tượng “Hiệp sĩ CNTT” 2004 sẽ được tổ chức vào ngày 25/9, tại Nhà hát Hoà Bình.
Xin giới thiệu với bạn đọc những nhân vật mà Hội đồng biên tập e-CHÍP vừa quyết định trao tặng biểu tượng “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin” 2004. Hi vọng chính các bạn - những bạn đọc VietNamNet ở khắp mọi miền đất nước - sẽ phát hiện và thông tin nhiều hơn về những “Hiệp sĩ” mà chúng tôi chưa biết để số biểu tượng được trao đi và số người nhận biểu tượng này ngày một nhiều hơn. Hãy gửi "hiệp sĩ'' của bạn về cho chúng tôi qua địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn
Danh sách “Hiệp sĩ CNTT 2004” do Hội đồng biên tập của e-CHÍP bình chọn (xếp theo alphabet):
1/ Soeur Mai Anh và Soeur Ngọc Lan – Nhóm nữ tu mở lớp dạy tin học cho trẻ khiếm thính ở Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An, Bình Dương.
2/ Lê Hồng Đức – Long Khánh, Đồng Nai. Tác giả phần mềm Quản trị bán hàng. Bên cạnh việc bán với giá 50.000 đồng/bản, còn tặng phần mềm này cho nhiều địa phương và cá nhân.
3/ Nhà sư Chau Hắc – trụ trì chùa Tức Phô, Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang. Dạy tin học cho trẻ em địa phương. Khai thác Internet để cung cấp các thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt cho nông dân trong vùng.
4/ Trần Song Khoa và Nhóm Niềm tin – TP.HCM. Cùng thực hiện website www.heroinaids.com, vừa tuyên truyền phòng chống ma tuý và AIDS, vừa tư vấn cho những người nghiện ma túy, người nhiễm HIV
5/ Nguyễn Trần Huy Phong – mở lớp dạy tin học cho trẻ em người dân tộc tại làng Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
6/ Đặng Hoài Phúc và Trần Bá Thiện – Trung tâm Tin học Sao Mai, TP.HCM. Cả hai anh cùng là người khiếm thị. Trong đó, Đặng Hoài Phúc là tác giả dự án: "Phát triển mạng lưới tin học đào tạo từ xa cho người khiếm thị”, được Ban Tổ chức Chương trình Samsung Digital Hope chọn tài trợ. Trần Bá Thiện là người tham gia vào nhiều dự án thực hiện các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính, khai thác Internet.
7/ Phạm Thanh Sơn – Bà Rịa, Vũng Tàu. Người bị liệt tứ chi, tự học để trở thành một lập trình viên, tác giả phần mềm “Hệ thống quản lý kế toán Access”, hỗ trợ một số người đồng cảnh ngộ cả về vật chất lẫn tinh thần vươn lên, vượt qua khó khăn.
8/ Đại đức Thích Quảng Tâm – trụ trì chùa Long Thạnh, Tân An, Long An. Tự học và tổ chức nuôi, dạy, phổ cập tin học cho trẻ mồ côi, con em các gia đình nghèo.
9/ Trịnh Minh Thanh – Bác sĩ Bệnh viện Bach Mai, Hà Nội. Người vận động thành lập “Nhóm người dùng Linux Hà Nội” (HanoiLUG) để phát triển phần mềm nguồn mở.
10/ Nguyễn Duy Thơ – TP.HCM. Người tình nguyện dạy đồ họa cho trẻ khiếm thính.
11/ Trương Đình Tú – Tuy Hoà, Phú Yên. Tác giả phần mềm “Bộ gõ tiếng dân tộc thiểu số” (Ê đê, Ba na, Ja rai, Mnông, Chăm), được chọn vào chung khảo cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam 2003.
12/ Phạm Minh Tuân - TP.HCM. Người mở nhiều lớp phổ cập tin học miễn phí cho trẻ em nghèo, công nhân Khu Công nghiệp.
13/ Phạm Anh Tuấn – TP.HCM. Người bại liệt. Tình nguyện ở chăm sóc, dạy tin học miễn phí cho trẻ nhiễm HIV đang sống tại nhà Hy Vọng của Chương trình thiện nguyện Thảo Đàn.
Chi tiết về các nhân vật được chọn.
-
VietNamNet