221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
505976
Đường Hồ Chí Minh đã hết sụt trượt?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Đường Hồ Chí Minh đã hết sụt trượt?
,

(VietNamNet) - Giai đoạn I tuyến đường Hồ Chí Minh cơ bản đã hoàn thành, điều băn khoăn nhất hiện nay của BQL dự án đường Hồ Chí Minh là vấn đề sụt trượt...

Tường rọ đá neo chống sụt trượt trên đường Hồ Chí Minh- Ảnh: LTVinh

Đối với một tuyến đường mang nhiều ý nghĩa như đường Hồ Chí Minh, vấn đề bền vững hoá sau khi đưa vào sử dụng luôn được chú trọng trong quá trình thi công giai đoạn I. Theo nhận định của BQL dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến đường Hồ Chí Minh trải dài trên nhiều địa hình phức tạp, nhất là các vùng núi có khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, khu vực từ Quảng Bình trở vào, tuyến đường luôn chịu ảnh hưởng của 2 vùng khí hậu Đông và Tây Trường Sơn. Nhiều đoạn đi qua các vùng dốc nguy hiểm như đèo Đá Đẽo, U Bò, B2, Sa Mù, đoạn A Đớt- A Tép, đèo Lò Xo. Những vùng này, trong kháng chiến chống Mỹ đã bị hàng triệu tấn bom đạn cày nát. Qua khảo sát của các đơn vị thi công tuyến đường cho thấy, đến thời điểm này, địa chất yếu và chưa ổn định. Đây là nguy cơ luôn rình rập gây sụt lở dọc tuyến và là mối trăn trở đối với các đơn vị tham gia thi công.

Một số biện pháp chống sụt trượt chủ yếu:

- Hệ thống rãnh thoát nước mặt: Hệ thống rãnh đinh, rãnh cơ, rãnh đứng và rãnh dọc chân ta luy đào chống xói lở do tác động của nước mặt.

- Cắt cơ bạt mái: Bạt trung bình 1/1,5 những đoạn ta luy đào cao, đất đá bị phong hoá nặng nề để giảm nhẹ trọng lượng mái dốc. Cắt cơ rộng từ 2-3m, mặt cơ bê tông xi măng M150, dày 10 cm, nghiêng 20% về phía núi kết hợp làm rãnh thoát nước mặt chữ V trên mặt cơ

- Gia cố mái ta luy: trồng cỏ bản địa hoặc cỏ vectiver, lát mặt bằng bê tông xi măng hoặc ốp đá, khung bê tông xi măng kết hợp trồng cỏ, lưới bê tông xi măng kết hợp neo...

- Tường trọng lực chắn ta luy dương: làm tường bê tông cốt thép những nơi địa chất yếu, tường rọ đá neo (terramesh, maccaferi công nghệ nước ngoài), bọc đá nhựa PVC của Việt Nam.

- Tường chờ tạo lưu không để chờ sụt trượt- áp dụng tại các vị trí có đá mồ côi, đá nứt nẻ hoặc đất- đá phong hoá dễ trôi trượt.

(Nguồn: BQL dự án đường Hồ Chí Minh)

BQL dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, việc thiết kế và thi công chống sụt trượt là mối quan tâm lớn nhất trong kế hoạch kiên cố hoá. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban tập trung các tư vấn thiết kế kiểm tra kỹ hiện trường, tổ chức khoan thăm dò khảo sát địa chất, đề xuất ra các biện pháp xử lý chống sụt trượt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã được khảo sát, Ban gửi tư vấn thẩm định tại những điểm đặc biệt khó khăn. Bộ GTVT cũng tổ chức cho các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực địa chất, thuỷ văn, thuỷ lực vào cuộc chống sụt trượt. Tại các điểm sụt trượt khó xử lý, các tư vấn giám sát Cu Ba trong quá trình kiểm tra thực tế hiện trường cũng đã đề xuất ra những phương án xử lý chống sụt trượt tại chỗ.

Kiên cố hoá là một trong những tiêu chí của tuyến đường Hồ Chí Minh- Ảnh: Thế Vinh

Mùa mưa năm 2003, trên toàn đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh xuất hiện thêm 122 vị trí sụt trượt. Sau cơn bão số 2 năm 2004, chỉ xuất hiện 9 điểm sụt trượt có khối lượng tương đối lớn. Qua 4 năm thiết kế và thi công chống sụt trượt để bền vững hoá đường Hồ Chí Minh, các đơn vị đã xử lý 1.685 điểm trên 147 km đường, thi công hoàn chỉnh được 1.507 điểm trên 142km đường. Hiện nay, 68 điểm trên 5km đang được tiếp tục thi công. Đây là những điểm khó khăn, phức tạp với 9 điểm phát sinh sau bão số 2. 

Theo kế hoạch, đến hết năm 2005, các đơn vị sẽ nghiên cứu, khảo sát thiết kế và thi công những điểm khó khăn mà giai đoạn trước không thể giải quyết được ngay và những điểm phát sinh thêm trong các mùa mưa 2004-2005 để không xảy ra ách tắc giao thông trong quá trình khai thác. Với những đoạn quá khó khăn về địa hình (ta luy dương cao từ khoảng trên 30m), chắc chắn sẽ còn sụt trượt (trượt bề mặt, trượt sườn) lâu dài, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xác định, nếu xử lý triệt để ngay bằng các giải pháp công nghệ cao chi phí sẽ rất lớn nên trước mắt sẽ hót sụt, đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão. Trong quá trình khai thác, khi sự tái tạo cân bằng đạt đến độ chín, các đơn vị sẽ đầu tư xử lý tiếp. 

''Chống sụt trượt là vấn đề lâu dài trên mọi tuyến đường đi qua các vùng địa chất phức tạp hay những vùng có nhiều thiên tai, mưa bão. Cho nên, việc nghiên cứu xử lý để đưa ra mọi biện pháp bảo vệ công trình là điều tất yếu, nhất là đối với con đường Hồ Chí Minh'' - Bà Lê Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc BQL dự án đường Hồ Chí Minh nói.

  • Thế Lê Vinh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,