(VietNamNet) - Buổi họp báo chiều nay (1/9) Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh) cho biết, virus cúm gà vẫn đang tồn tại ở Việt Nam. Dù bệnh dịch không bùng phát ồ ạt như hồi đầu năm, nhưng vẫn có thể xảy ra rải rác với quy mô nhỏ, trong phạm vi hộ chăn nuôi gia đình.
Trước thông tin Trung Quốc phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trên lợn, ông Bùi Quang Anh nói, việc này đã được WHO cảnh báo từ nhiều tháng trước. Tại Việt Nam, các địa phương và lực lượng thú y đã nhanh chóng thông báo đến người chăn nuôi, kết hợp tiến hành vệ sinh tiêu độc, tuyệt đối cách ly việc nuôi gia cầm với lợn để tránh nguy cơ lây bệnh. Việt Nam cũng đã gửi 188 mẫu sang xét nghiệm tại Hongkong, kết quả cho thấy chưa có hiện tượng lợn nhiễm virus này. Hiện công việc lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn vẫn đang được tiến hành.
Theo Cục Thú y, trong thời gian từ 16/8 đến 31/8, bệnh cúm gia cầm chỉ còn xuất hiện tại một số địa phương tại 2 tỉnh là Hải Dương và Quảng Trị. Ngày 20/8, có 200 trong tổng số 2.500 con chim cút nuôi tại thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) bị chết. Trước đó, ngày 19/8, dịch bệnh đã phát ra trên đàn gà 100 con ở xã Hải Quy, Hải Lăng (Quảng Trị). Số chim cút, gà này ngay lập tức đã được tiêu huỷ; đồng thời, các địa phương đã triển khai vệ sinh, tiêu độc chuồng trại tất cả các đàn gia cầm khác trong bán kính 1km. Một số địa phương khác vẫn có hiện tượng gia cầm chết, và số này nhanh chóng được tiêu huỷ, nhưng xét nghiệm cho thấy không phải do virus cúm gây nên. |
Khó nhất vẫn là kiểm soát việc vận chuyển
Đến nay, 12 đoàn công tác đặc biệt của Cục Thú y đã kết thúc việc triển khai phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh trọng yếu trên toàn quốc. Trong một tuần qua, các đoàn công tác đã phối hợp với chính quyền sở tại khống chế hiệu quả các ổ dịch cũ, đồng thời không cho các ổ dịch mới phát sinh.
Tính từ ngày xuất hiện ổ dịch gần đây nhất (2/8), đến nay đã là 28 ngày liên tiếp trên toàn quốc không có nơi nào phát sinh ổ dịch mới. Việc triển khai chống nhập lậu gia cầm tại các "điểm nóng" ở biên giới phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn cũng có những chuyển biến rõ rệt. Trong tháng 8, tại Lạng Sơn đã tiêu huỷ 400 kg gà, 1.000 con vịt thịt nhập lậu, trên 30.000 trứng, nâng tổng số gia cầm nhập lậu bị tiêu huỷ tại tỉnh này lên khoảng 1,5 tấn - giảm 50% so với tháng 7. Tại Lào Cai, từ đầu tháng 8 đến nay, đã tiêu huỷ trên 20.000 quả trứng gia cầm và hầu như không còn hiện tượng gia cầm nhập lậu.
Tuy nhiên, tính từ khi dịch quay trở lại Việt Nam, khoảng giữa tháng 4, đến thời điếm này, đã có khoảng 44.000-50.000 con gia cầm bị tiêu huỷ; trong đó có 42.000 con gà, 3.200 con vịt và 15.000 chim cút. Hiện cả nước còn trên 220 triệu gia cầm, giảm 10% so với trước khi có dịch.
Ông Bùi Quang Anh thừa nhận, một trong những nguy cơ lây bệnh là do chúng ta chưa kiểm soát tốt khâu vận chuyển. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Một số địa phương đã không làm quyết liệt. Nhiều nơi còn không nắm được số gia cầm xuất, nhập, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng vẫn đưa vào địa phương (như Nghệ An, Thanh Hoá). Việc kiểm soát tại các trạm kiểm dịch chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường. Do vậy, không kiểm soát được gia cầm số lượng nhỏ, vận chuyển lẻ tẻ bằng xe máy, đi theo những con đường nhỏ.
Bên cạnh đó, mặc dù công tác vệ sinh tiêu độc đã được triển khai tại các ổ dịch cũ, mỗi tuần hai lần, song, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi chưa thực hiện tốt công việc này. Các biện pháp an toàn sinh học, đặc biệt là hàng rào bao quanh, hố sát trùng ngoài cổng, chưa có. Phần lớn các tỉnh chưa quy hoạch lại khu vực chăn nuôi gia cầm; các trại chăn nuôi vừa và nhỏ, trại chăn nuôi gia công chưa đầu tư cho các biện pháp này, nhất là đối với một số địa phương nghèo tại ĐBSCL.
5 năm tới, cố gắng thanh toán dịch cúm gia cầm
Trả lời các nhà báo, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh nói rằng, sau 2 tuần đầu triển khai Tháng trọng điểm Phòng chống dịch cúm gia cầm toàn quốc, với sự đôn đốc Ban chỉ đạo, lực lượng thú y đã thu được kết quả là khá tốt. Cục Thú y đã lập kế hoạch kiểm tra việc kiểm soát dịch bệnh tại 22 tỉnh, thành phố, thành lập nhiều đoàn công tác tại 6 vùng trong thời gian từ 23 đến 26/8. Công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Do vậy, hiện dịch chỉ trở thành dịch bệnh địa phương. Đến nay, khả năng tái phát ở các tỉnh chưa xuất hiện. Còn gia cầm chết lẻ tẻ vừa qua là tại những vùng dịch cũ, do vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi chưa tốt trước khi nuôi trở lại, hoặc do không kiểm soát được việc vận chuyển gia cầm trong nước và chưa ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Sau khi triển khai Tháng hành động Phòng chống dịch cúm gia cầm, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và lên kế hoạch cho việc kiểm soát dịch cúm thời gian tới, dự kiến vào khoảng 15 đến 20/9.
Theo ông Bùi Quang Anh, hiện Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao xây dựng chương trình kiểm soát và thanh toán dịch cúm gia cầm. Kết hợp với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB), chương trình sẽ chia làm hai giai đoạn: trung hạn (2005-2006) và dài hạn (2005-2010) với mục đích thanh toán được dịch cúm gia cầm ở Việt Nam trong 5 năm tới. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu này sẽ rất khó do mầm bệnh tồn tại trong chim di cư, và Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước xung quanh.
Về việc Việt Nam có nên công bố hết dịch như đã làm trong đợt dịch vừa qua, ông Bùi Quang Anh cho rằng, trước đó chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, và việc công bố hết dịch chỉ mang tính chất lâm sàng, cần phải chiến đấu lâu dài với cúm gia cầm.
-
Hà Yên