(VietNamNet) - Vốn là thợ điện tử nghiệp dư ở Bắc Ninh, vì mê tin học nên cách nay bốn năm, Phạm Minh Tuân tìm vào Nam “tầm sư” học tin học. Sau đó, Tuân đề nghị vợ thế chấp nhà để đeo đuổi việc học lâu hơn…
Phạm Minh Tuân. |
Vào mùa hè này, căn phòng mà Tuân mướn ở địa chỉ 22/7 Đặng Lộ, phường 7, quận Tân Bình như chật hơn khi học sinh ùn ùn kéo đến để học tin học miễn phí... Ngoài chuyện dạy tin học miễn phí cho trẻ con, Tuân đang cùng các đồng sự chuẩn bị tranh thầu đề án "Nghiên cứu các giải pháp phổ cập tin học cho thanh thiếu niên nông thôn TP.HCM từ nay đến năm 2010". Đây là một đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường TP.HCM (Sở KHCNMT)...
Năm 1999, Tuân bắt đầu quan tâm tới tin học sau khi thằng con trai tám tuổi nêu nhiều thắc mắc về máy tính, về tin học. Cho rằng tin học gần gũi với điện tử nên một mặt, Tuân đi tìm trường cho con, mặt khác mua sách về tự tìm hiểu để có thể dạy con. Rồi vì càng đọc, càng thấy cần phải học thật nhiều nếu muốn hiểu sâu hơn, Tuân tìm vào TP.HCM trọ học. Lúc đầu, Tuân tính khi nào lấy được chứng chỉ B tin học thì về quê nhưng càng học càng say, Tuân đã thuyết phục vợ thế chấp nhà, lấy tiền theo học tiếp chương trình đào tạo chuyên viên phần cứng và mạng tại Trung tâm Phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) - Đại học Quốc gia TP.HCM để vừa có thể kiếm sống, vừa có thể phổ cập tin học cho những đứa trẻ ở quê mình.
Tại đây, ý định nghiên cứu kế hoạch phổ cập tin học cho trẻ em nghèo của Tuân được một giáo viên - anh Lâm Vi Quốc Hưng giúp đỡ rất nhiệt tình. Cuối cùng, họ trở thành đồng sự của nhau. Sau đó, ngẫu nhiên mà ý tưởng của họ trùng hợp với đề án phổ cập tin học cho thanh thiếu niên nông thôn TP.HCM của Sở KHCNMT. Khi đăng ký, họ đề nghị sẽ khảo sát mức độ tiếp thu và điều kiện học tập chung của đối tượng học nhằm xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn về tin học cơ bản và ứng dụng. Việc tuyên truyền - mở cuộc vận động dạy và học tin học sẽ tiến hành theo mô hình... bình dân học vụ: người biết dạy cho người chưa biết, thử nghiệm mô hình câu lạc bộ tin học, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho việc thành lập các trung tâm tin học tư nhân... Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy: Ngay tại TP.HCM, sự phát triển cũng hoàn toàn không đồng đều giữa các khu vực. Phần lớn thanh thiếu niên ở các vùng nông thôn vẫn chưa có điều kiện để học và làm việc trong môi trường tin học.
Tuân cho biết, nhóm của anh đã thực hiện đề tài này cách nay hơn một năm nay, trước khi Sở KHCNMT đưa ra “đơn đặt hàng” trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2004. Anh cho tôi xem danh sách gần 100 học viên (đa số là thanh thiếu niên từ các tỉnh về TP.HCM làm công nhân, buôn bán kiếm sống) đã học rồi ở lại dạy tin học miễn phí cho người khác. Theo anh, đây sẽ là cơ sở để thống kê, khảo sát, làm cơ sở cho việc biên soạn bộ giáo trình "phổ cập" theo từng độ tuổi, có phân loại theo thành phần, đánh giá mức độ tiếp thu.
Thật ra, Tuân đã thực hiện công việc phổ cập tin học ngay từ lúc đang học chương trình thi lấy chứng chỉ A tin học. Không có máy, Tuân dạy "chay" trên giấy cho hơn chục công nhân gần khu vực mình ở trọ (quận 12). Học xong, cả thầy lẫn trò dắt nhau đi thuê máy để thực hành. Cũng từ đó, ở trọ chỗ nào Tuân cũng tranh thủ dạy thử, rút kinh nghiệm. Có dạo, để phục vụ kế hoạch khảo sát, thu thập số liệu thống kê, nhóm của Tuân kéo nhau đi dạy miễn phí ở Trung tâm Tin học Hiệp Thành, quận 12.
Ý tưởng của Tuân đang được khá nhiều người ủng hộ và chia sẻ. Ngô Thị Vy Tâm - một thành viên tham gia thực hiện đề tài vừa kể, nguyên là học trò của Tuân cho biết: “Nhà tôi ở Tân Hưng, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Lúc đầu, tôi tính tìm về TP.HCM học đánh máy để xin làm văn thư cho UBND huyện... Sau đó, thấy tin học hay hay, tôi ghi danh theo lớp tin học miễn phí do thầy Tuân tổ chức...”. Bây giờ, sau khi đã có chứng chỉ A, Tâm tiếp tục theo học đồ họa và tự học lập trình. Tâm kể: “Hồi xưa, mình xem tin học như một nghề để sinh nhai nhưng ngẫm nghĩ thấy kế hoạch của thầy Tuân hết sức hấp dẫn nên tôi cũng muốn làm cái gì đó, để còn có thể đem về quê mình ứng dụng...”.
Theo Tuân, bộ giáo trình mà nhóm của anh đang soạn thảo sẽ được phân loại theo độ tuổi. Ở nhóm tuổi từ sáu đến mười, giáo trình là một CD phim hoạt hình và chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các tính năng, lợi ích của máy tính, một số thao tác đơn giản. Nhóm đã làm xong bản demo. Giáo trình dành cho nhóm tuổi từ 10 đến 16 cũng là một CD, tập trung giới thiệu các khái niệm cơ bản về tin học, bao gồm một chương trình hoàn chỉnh ở mức độ A, kèm sách, các phần mềm hỗ trợ.
Tuân bảo: “Khi bắt tay nghiên cứu đề tài này, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc phổ biến chúng trong một phạm vi nhất định. Thế nhưng đến khi nhận được thông báo mời tham gia đề tài, được thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường ở Viện Nghiên cứu Giáo dục nhận lời làm cố vấn khoa học, chúng tôi hy vọng "đứa con tinh thần" của mình sẽ được đưa đi xa hơn”.
Đối với đề án “Nghiên cứu các giải pháp phổ cập tin học cho thanh thiếu niên nông thôn TP.HCM từ nay đến năm 2010” của Sở KHCNMT, các thành viên trong nhóm của Tuân tuy mong được Nhà nước hỗ trợ kinh phí song họ cũng “sẵn sàng bỏ thời gian và tiền túi để thực hiện đề tài”, chỉ xin có đủ tư cách pháp lý để thuận lợi hơn khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu. Thậm chí, “nếu có cơ quan hay cá nhân nào đó được giao thực hiện đề tài này, chúng tôi mong được hợp tác, đóng góp công sức”. Tuân nói: “Có tham gia hay không thì chúng tôi cũng vẫn đeo đuổi công việc nghiên cứu phổ cập tin học cho trẻ em nghèo ở nông thôn. Ở nông thôn, không phải ai cũng có điều kiện tìm về các thành phố lớn, tiếp cận với tin học. Ai trong chúng tôi cũng nôn nóng được "phổ cập" tin học trên quê mình, dù chỉ là cho những đứa trẻ trong xóm”.
-
Mỹ Lệ