(VietNamNet) - Đang có một người đàn ông sống trong ngôi nhà hy vọng của chương trình thiện nguyện thảo đàn (TP.HCM) với năm đứa trẻ đường phố tuổi từ 6 đến 19. Cả năm đều đã nhiễm HIV/AIDS. Đây là người lo cho bọn trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện dạy sử dụng máy tính, học tiếng anh, đàn hát, vẽ tranh...
Năm 1961, khi mới hai tuổi, Phạm Anh Tuấn bị bại liệt sau một cơn sốt. Anh được gia đình đưa vào viện phục hồi trẻ em khuyết tật tại TP.HCM. Tuy tật nguyền, nhưng nhờ được lớn lên trong môi trường sống lạc quan, cởi mở nên Tuấn dễ dàng cảm và sống đúng với châm ngôn: “Quên đi nghịch cảnh để nghĩ tới những điều tốt đẹp”.
Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1978, Tuấn dự thi và được nhận vào học khoa sơn dầu của trường cao đẳng mỹ thuật TP.HCM, nhưng chỉ theo học được hai năm rồi phải nghỉ do sức khỏe suy sụp. Đến năm 1983, nghe theo lời khuyên của một lương y, Tuấn đăng ký học châm cứu và bấm huyệt trong một năm rồi vào làm việc tại hội y học cổ truyền thành phố biên hòa, đồng nai. Vài năm sau, Tuấn được cử đi học về chăm sóc sức khoẻ ban đầu và chăm sóc nhi tại Trường Trung học Y tế Đồng Nai. Tốt nghiệp y sĩ, Tuấn được trung tâm nhi đồng nai nhận vào làm việc không hưởng lương cho đến năm 1992 thì xin nghỉ vào lúc đang được nhiều người bệnh tín nhiệm. Quyết định này khiến cha mẹ anh rất buồn. Gia đình anh không túng thiếu và cha mẹ anh chỉ mong thằng con trai thứ tư vốn tật nguyền có việc làm ổn định...
Y sĩ Tuấn cởi áo khoác trắng để vẽ áo và mở lớp dạy vẽ áo rồi mở một tiệm bán sách và cầm bút viết truyện. Khá nhiều truyện ngắn với bút danh Hoàng Lan Duy Linh đã được một số tờ báo, tạp chí như: Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Áo Trắng,... chọn đăng. Một vài truyện được chọn đưa vào tuyển tập truyện ngắn Bông hồng cho tình đầu, (nxb Đồng Nai -1986), Nỗi buồn nhan sắc (nxb Thanh Niên - 1987), truyện dài Cây thông xanh được nxb Kim Đồng chọn để xuất bản năm 2002. Ngoài viết văn, Tuấn còn tự học nhạc để sáng tác ca khúc, tự học nhiếp ảnh và dạy chụp ảnh.
Tới năm 1998, Tuấn nghỉ bán sách để mở lớp dạy kèm cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 9. Phần lớn học sinh được kèm miễn phí vì gia cảnh nghèo khó. Số còn lại anh thu học phí 50.000đồng/học sinh/tháng và dùng số tiền này để động viên học sinh giỏi vào cuối mỗi tháng, tổ chức du ngoạn dã ngoại hoặc cắm trại mỗi năm ba lần. Tuấn còn tổ chức dạy tin học văn phòng với mức học phí 200.000 đồng/người/khóa 3 tháng cho những người đang đi làm và dạy photoshop với mức học phí 400.000 đồng/người/khóa 8 tháng rồi lấy khoản thu này để tổ chức cho học sinh thăm viếng, giúp đỡ các cơ sở bảo trợ người già cô đơn. Anh còn bỏ tiền túi để hỗ trợ một số sinh viên hiếu học mà gia đình quá nghèo hoặc cha mẹ mất sớm.
Dù tự cho rằng “chỉ còn mỗi cái đầu là lành lặn” song Tuấn vẫn hết sức tự tin đeo đuổi con đường mà mình đã chọn: giúp đỡ những người đang gặp khó khăn hoặc có hoàn cảnh bất hạnh. Tháng 6/2003, Tuấn xin phép cha mẹ, tạm biệt người thân vào sống trong ngôi nhà hy vọng của chương trình thiện nguyện thảo đàn.
Chương trình thiện nguyện này hình thành từ mong ước giúp đỡ những đứa trẻ sống lang thang ở vỉa hè, công viên, gầm cầu... Của ba người tình nguyện. Họ tập hợp chúng để sinh hoạt, dạy chữ tại thảo cầm viên, rồi tại công viên Tao Đàn. Đến năm 1992, khi chương trình thiện nguyện thảo đàn đã quy tụ được khá nhiều thành viên, họ bắt đầu thuê nhà, tìm và đưa trẻ đường phố về nuôi dưỡng, cho đi học. Chương trình thiện nguyện thảo đàn hiện có ba cơ sở, một dành cho những đứa trẻ bơ vơ tạm trú, một dành cho những trẻ không có nơi trở về nhưng quyết tâm chấm dứt cuộc sống lang thang, muốn học chữ, học nghề để trở thành người có ích cho xã hội. Cơ sở thứ ba là nhà hy vọng - nơi quy tụ những thân phận trôi dạt giữa phố phường và đã nhiễm HIV - được thành lập từ tháng 9/2001.
Nhà hy vọng đang được một ân nhân ẩn danh cho mượn căn nhà số 55/7 đường Bình Long - Tân Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM làm mái ấm. Toàn bộ chi phí cho sinh hoạt của nhà hy vọng đều do các nhà hảo tâm đóng góp. Tại ngôi nhà hy vọng, Tuấn có cơ hội đem sở học của mình khơi dậy sự lạc quan, hiếu học của những đứa trẻ đang bế tắc về lối vào đời. Trẻ hàng xóm sống quanh cũng được Tuấn hỗ trợ để hòa nhập với đám trẻ của nhà hy vọng. Có lẽ đến giờ, gia đình và bạn bè mới hiểu được tại sao Tuấn lại học đủ thứ như thế.
Người đàn ông 43 tuổi, làm quen với tin học từ năm 1988, mê vẽ tranh và ghiền sáng tác bằng photoshop đang có hơn chục tấm tranh khổ 60x80cm. Tuấn tâm sự: “Tôi có ba điều ước. Thứ nhất là có đủ sức khỏe để tiếp tục sống ở đây - ngôi nhà hy vọng - chăm sóc các bạn nhỏ nhiễm HIV/AIDS. Thứ hai là có cơ hội giới thiệu tranh của mình trên mạng Internet để bán, có đủ tiền giúp những đứa trẻ hiếu học nhưng gia cảnh đặc biệt khó khăn có thể được học hành đến nơi đến chốn. Cuối cùng, tôi mong mọi người đồng cảm và không phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS”.
Trong cả ba điều ước ấy, không có điều nào cho chính bản thân anh. Tuy nhiên tôi tin Tuấn hạnh phúc khi luôn nỗ lực sẻ chia bất hạnh của người khác.
-
Mai lĩnh