221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
517726
''Rủi ro đạo đức'' đang rình rập các ngân hàng
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
''Rủi ro đạo đức'' đang rình rập các ngân hàng
,

(VietNamNet) - Một người vay tiền ngân hàng mua ôtô, lấy luôn xe này để thế chấp, bán bừa rồi cao chạy xa bay. Cả chủ mới của xe lẫn ngân hàng đều có quyền sở hữu. Do ngân hàng không giám sát tài sản thế chấp hay tại rủi ro trong hoạt động tín dụng?

Thẩm định hồ sơ chặt chẽ, vẫn không thoát rủi ro!

Soạn: AM 152351 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Trụ sở Ngân hàng Cổ phần Quốc tế.

Để đưa ra được quyết định hỗ trợ vốn cho DN thì cán bộ tín dụng phải trải qua một quá trình thẩm định hồ sơ có thể nói là rất chặt chẽ. Thế nhưng như vậy không có nghĩa là không thể có rủi ro (đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng). Có những trường hợp rủi ro còn liên quan đến cả người thứ 3.

Trường hợp mà chúng tôi đề cập tới ở đây là một rủi ro của Ngân hàng Cổ phần Quốc tế (trụ sở số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội).

Tháng 9/2003 Ngân hàng Cổ phần Quốc Tế sau khi tiến hành thẩm định hồ sơ đã quyết định cho anh Nguyễn Quốc Khánh (188 Phó Đức Chính, Hà Nội) vay số tiền 280 triệu đồng và biện pháp bảo đảm chính là tài sản hình thành từ vốn vay: chiếc xe ôtô Ford 16 chỗ. Theo như hợp đồng tín dụng này thì anh Khánh phải trả một số tiền gốc và tiền lãi cố định hàng tháng cho tới khi hoàn tất số nợ cho Ngân hàng Cổ phần Quốc Tế. Và khi ấy, hợp đồng tín dụng sẽ được thanh lý (hay nói cách khác, lúc đó anh Khánh mới có toàn quyền sở hữu chiếc xe).

Nếu như cả hai bên vay và cho vay cùng thực thi đúng những điều khoản trong hợp đồng thì đó đã có thể được coi là một hợp đồng tín dụng thành công, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Thế nhưng bên vay đã vi phạm hợp đồng để giờ đây không chỉ bên cho vay mới gặp rủi ro mà còn liên đới tới người thứ 3.

Xe có đăng kí bản gốc, chính chủ và được chính quyền địa phương xác nhận

Tháng 12/2003, khi anh Khánh chưa hoàn tất số nợ gốc cũng như lãi cho Ngân hàng Cổ phần Quốc tế (có nghĩa là chiếc xe nói trên chưa thuộc quyền sở hữu của anh mà vẫn thuộc quyền sở hữu của ngân hàng này), anh Khánh đã bán chiếc xe đó cho chị Nguyễn Thị Đức Huyền (43 Lê Quý Đôn, Hà Nội) với giá thoả thuận là 24.800 USD (tương đương 400 triệu đồng Việt Nam).

Sau khi trả đủ tiền cho anh Khánh, chị Huyền đã được anh này giao xe cùng bản gốc đăng ký xe. Thận trọng hơn, chị Huyền đã yêu cầu anh Khánh cùng ra chính quyền xin xác nhận theo bản mẫu của phòng CSGT.

Chị Huyền đã sử dụng chiếc xe vào việc kinh doanh của gia đình trong suốt 8 tháng tiếp theo. Cho tới ngày 21/8/2004, chồng chị Huyền bị Cảnh sát 113 giữ lại trên đường khi đang điều khiển chiếc xe với lý do tài sản này là của ngân hàng.

Ai được quyền sở hữu hợp pháp chiếc xe?

Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp ngân hàng và người mua phải tài sản thế chấp mắc phải. Vụ việc được giải quyết ra sao còn phải chờ phán quyết của tòa. Theo quý độc giả, làm thế nào để người mua và ngân hàng tránh được những rủi ro tương tự? Hãy gửi ý kiến về địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn.

Đến trụ sở công an, chị Huyền được cơ quan này cho biết chiếc xe mà vợ chồng chị đang sở hữu nằm trong hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng cổ phần Quốc tế và anh Nguyễn Quốc Khánh. Hợp đồng tín dụng đó cho đến nay vẫn chưa thanh lý.

Điều làm chị Huyền băn khoăn là không hiểu tại sao Ngân hàng cho vay như vậy mà lại để cho bên vay cầm bản gốc đăng ký xe? Tìm hiểu kỹ, chị Huyền được biết thường khi tài sản mang đi thế chấp ngân hàng thì bao giờ cũng bị ngân hàng giữ hồ sơ gốc. Hơn nữa, bất cứ người dân nào khi mua xe cũng đều khó có thể nghi ngờ quyền sở hữu của người bán nếu được nhìn tận mắt đăng ký gốc do người này đứng tên chính chủ (hơn nữa lại còn có xác nhận của chính quyền)!

Đã hơn một tháng trôi qua, chiếc xe là công cụ nuôi sống gia đình chị Huyền nằm gí một chỗ. Cơ quan có thẩm quyền hiện nay vẫn yêu cầu gia đình chị chờ đợi... Theo chị Huyền, chị mua xe có đầy đủ giấy tờ, lại có xác nhận của chính quyền địa phương thì đương nhiên chiếc xe phải thuộc quyền sở hữu của chị.

Phía Ngân hàng Cổ phần Quốc tế lại cho rằng chiếc xe là tài sản của mình (và điều này cũng không sai). Sự "sai" duy nhất ở đây là cán bộ tín dụng của ngân hàng này thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp sau khi cho vay, dẫn đến bên vay đã mang tài sản đi bán 8 tháng ngân hàng mới biết (hơn nữa lại để cho bên vay cầm giấy tờ gốc của tài sản thế chấp).

Thực tế sau khi bên vay nhận tiền từ ngân hàng để mua xe, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Cổ phần Quốc tế đã cùng bên vay đến Phòng CSGT làm thủ tục đăng ký cho chiếc xe đó và giữ giấy hẹn trả đăng ký xe của Phòng CSGT. Nhưng bên vay đã tự ý đến phòng CSGT để lấy đăng ký (không hiểu vì sao lại lấy được mà không cần có giấy hẹn). Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Ngân hàng Cổ phần Quốc tế biết chuyện nhưng không làm gì để lấy lại đăng ký từ tay bên vay?

Rủi ro mang tính đạo đức!

Đây là rủi ro mang tính đạo đức bởi khi quyết định cho vay, làm sao Ngân hàng Cổ phần Quốc tế có thể biết người đi vay có thực hiện đúng những cam kết, nghĩa vụ pháp lý hay không? Đây là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.

Hơn nữa, thông thường một cán bộ tín dụng không chỉ chịu trách nhiệm quản lý một đối tượng được hỗ trợ vốn trong quá trình cho vay. Chính vì vậy việc kiểm soát mọi hoạt động của bên vay trong quá trình sử dụng vốn từ ngân hàng là rất khó khăn. Nhất là đối với những khoản vay mà tài sản thế chấp là những tài sản pháp luật không bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, hoặc các phương tiện giao thông vận tải. Một cán bộ tín dụng làm sao có thể suốt ngày sờ tay, tóm lấy tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng?

Trong trường hợp bên vay được phép giữ những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của tài sản thế chấp thì rủi ro đối với ngân hàng là rất lớn, bên vay có thể bán tài sản thế chấp. Trường hợp ngân hàng giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhưng khi DN cố tình vi phạm hợp đồng, bên cho vay cũng không thể kiểm soát được. Bởi cho dù không có bản gốc đăng ký xe, chỉ cần mua một tờ đơn báo mất đăng ký và xin cấp lại lần hai thì việc mua bán đó hoàn toàn vẫn có thể thực hiện!

Giờ đây bên vay trong hợp đồng tín dụng của Ngân hàng Cổ phần Quốc tế đã "cao chạy xa bay". Tài sản đảm bảo trong hợp đồng tín dụng đang bị niêm phong. Thế nhưng về lý thì tài sản đó cũng thuộc quyền sở hữu của người liên đới thứ 3, người đã mua lại có thể nói là hợp pháp chiếc xe từ bên vay của ngân hàng. Rồi sự việc này sẽ đi đến đâu?

Ngân hàng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các DN (DN Nhà nước cũng như DN tư nhân). Ngân hàng luôn đứng phía sau những dự án khả thi, hỗ trợ DN về vốn để những dự án đó trở thành hiện thực.

Thực ra ngân hàng là trung gian để huy động vốn và cho vay. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng cũng như khoản tiền cho vay thì trong quá trình hỗ trợ vốn cho DN, ngân hàng luôn phải theo sát các DN để giám sát việc sử dụng vốn vay.

Để nhận được sự hỗ trợ về vốn của ngân hàng, DN phải có đầy đủ năng lực pháp lý, có năng lực về tài chính, có phương án kinh doanh hiệu quả và dự án đầu tư khả thi. Bên cạnh đó DN phải đủ khả năng đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay.

  • Vân Giang

Bài 2: Người trong cuộc nói gì?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,