(VietNamNet) - Đến thời điểm này, tình hình hạn hán ở Đăk Lăk - tỉnh có diện tích cây trồng lớn nhất Tây Nguyên - đã đến mức khốc liệt.
Hạn hán năm nào cũng đe dọa miền Trung và Tây Nguyên. |
Dự kiến Đăk Lăk sẽ bị mất trắng khoảng 19.000ha ngô, trên 10.000ha đậu, lạc, bông vải với tổng thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Lăk, chỉ có khoảng 50% cây trồng vụ Thu-Đông gieo trồng sớm còn có thể cho thu hoạch, nhưng năng suất cũng chỉ đạt khoảng 50-60%.
Năm nay, khu vực Tây Nguyên bị hạn sớm do mùa mưa kết thúc quá sớm. Tổng lượng mưa trung bình từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 61% tổng lượng mưa trung bình của nhiều năm trước (1.100/1.800mm).
Các hồ chứa nước chỉ tích được 65% lượng nước. Hệ thống nước ngầm và nước mặt ở các sông lớn đã thấp hơn trung bình nhiều năm.
Sự bất thường của thời tiết đang tác động đến toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên và mức độ trầm trọng hơn thuộc về các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc.
Theo quy luật canh tác, tầm này ở Tây Nguyên (TN) các cây trồng ngắn ngày đang độ sung mãn, chuẩn bị "đơm hoa, kết trái" nhưng đến thời điểm này, hàng nghìn ha lúa cạn vừa trổ bông đã bị bạc trắng vì hạn, khoai lang đã khô quắt, không cho củ, càng không thể cho rau. Cả lúa nước cũng bị hạn tấn công.
Cây bông vải - thế mạnh mới của Tây Nguyên trong vài năm lại đây - cũng là đối tượng chịu khổ nạn khốc liệt. Vụ này, công ty bông VN tại Gia Lai đầu tư cho nông dân Gia Lai và Đăk Lăk trồng mới trên 5.800ha bông vải. Tổng tiền đầu tư không dưới 15 tỉ đồng. Hạn sớm đã đưa toàn bộ diện tích bông vào tình trạng ngắc ngoải.
Thời tiết khắc nghiệt đã xoá sạch hy vọng về một vụ bội thu, thay vào đó là "nỗi lo sốt vó" của ngành nông nghiệp và hàng vạn nông dân ở Buôn Đôn, Buôn Ma Thuột, Krông Pách, Ea Kar...với nhiều biện pháp chống hạn đang được khẩn trương triển khai.
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn Tây Nguyên, suốt từ 21/9, trừ một vài trận mưa rải rác và "không đáng kể" ở nam TN, còn toàn bộ bắc Tây Nguyên hầu như không mưa. Trời chuyển lạnh, "nhiệt kế thời tiết"- hoa cúc quỳ nở sớm cũng báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên đã kết thúc, sớm một tháng rưỡi so với quy luật.
Đặc điểm thời tiết này diễn ra tại Đăk Lăk có phần muộn hơn. Theo Đài Khí tượng thủy văn, thì sự bất thường của thời tiết đang tác động lên toàn bộ Tây Nguyên. Nguyên nhân là do khí đoàn đông bắc hoạt động sớm hơn nhiều so với quy luật, trời trở lạnh đột ngột làm giảm đáng kể thời gian mưa (kết thúc từ tháng 9 thay vì tháng 11), dù tổng lượng mưa đo được vẫn ngang với trung bình nhiều năm.
Tại Kon Tum, dù chưa thực sự nghiêm trọng, ngành thuỷ lợi cũng đang ra sức cảnh báo nguy cơ hạn hán và khuyến cáo tiết kiệm nước ở các công trình thuỷ lợi; vì hiện tại, dung tích nước ở các hồ lớn cũng mới đạt được chừng 60%...
Không chỉ có cả trăm ngàn hécta cây ngắn ngày vụ thu đông ở Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum có nguy cơ mất trắng rất cao, mà việc thiếu hụt nước tưới ở các sông, hồ, công trình thuỷ lợi... trầm trọng hơn mọi năm đang đe doạ nặng nề cả vụ đông xuân tới. Chuyện trắng tay của hàng vạn hộ nông dân và cả doanh nghiệp, đã và tiếp tục nặng nề hơn.
-
P.V