221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
541156
Hạn hán có nguy cơ lan rộng
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hạn hán có nguy cơ lan rộng
,

Có những hồ ở Tây nguyên, Nam Trung bộ, miền núi trung du phía Bắc và đồng bằng sông Hồng dung lượng chứa chỉ còn 10 - 60%. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội cũng tụt xuống thấp nhất trong gần 50 năm qua…

Soạn: AM 188110 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Kênh dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ tại cống Liên Mạc (Từ Liêm, Hà Nội) đã cạn, suốt 15 ngày qua Công ty Khai thác và quản lý công trình thủy lợi sông Nhuệ phải nạo vét, khơi dòng

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phạm Hồng Giang, hạn hán đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và nguy cơ lan rộng cả nước. Diễn biến thời tiết, thủy văn bất lợi. Nước các dòng chảy sông, suối, mương máng đều giảm. Nước các hồ chứa cũng tụt thấp đến 50% so với mức trung bình nhiều năm. Nguồn nước ngầm cũng suy cạn… Năm nay thời tiết bất thường, tháng sáu, bảy thì nắng nóng làm tăng khả năng bốc hơi nước, trong khi mưa bão lại không đến theo qui luật. Mực nước tất cả sông, hồ đều ở mức thấp, lượng dòng chảy cũng ở mức nhỏ.

Nước ở hệ thống các hồ chứa, đập dâng cũng cạn kiệt, có những hồ ở Tây nguyên, Nam Trung bộ, miền núi trung du phía Bắc và đồng bằng sông Hồng dung lượng chứa chỉ còn 10 - 60%. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng tụt xuống thấp nhất trong vòng gần 50 năm qua (từ năm 1956)…

Thứ trưởng Phạm Hồng Giang dự đoán, đợt hạn hán này sẽ vô cùng gay gắt và mức độ sẽ hơn hẳn đợt hạn năm 1998 và năm 1961 trên mọi phương diện.

Dưới đây là trao đổi của ông về các biện pháp chống hạn.

- Bộ NN&PTNT đã chủ động đối phó với hạn như thế nào?

- Chúng tôi đã triển khai các biện pháp từ hơn một tháng nay. Bộ đã chỉ đạo các sở NN&PTNT phải coi chống hạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Toàn ngành nông nghiệp phải trực tiếp bắt tay vào việc chống hạn.

Cụ thể: chúng tôi chỉ đạo các sở, ngành của mình phải rà soát, nắm tình hình nguồn nước và có biện pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất với khả năng cấp nước ở mỗi vùng, mỗi công trình thủy lợi.

Nơi nào không có khả năng về nguồn nước phải vận động nhân dân nhanh chóng chuyển đổi cây trồng, bỏ trồng lúa sang trồng các cây chịu hạn; đồng thời phải điều chỉnh lượng nước hiện có, ưu tiên những vùng, những cây thật sự có nhu cầu. Các địa phương phải điều tiết lượng nước hiện có để phục vụ tưới đến tháng 3-2005. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng tổ chức nạo vét lại kênh, mương.

Hiện nguồn nước còn lại ở các hệ thống chỉ có thể đảm bảo được 50% diện tích canh tác. Vì thế ngay trong năm nay, 50% diện tích thiếu nước, tương đương khoảng 4 triệu ha đất canh tác phải tiến hành chuyển đổi.

- Bộ đã có chính sách gì để hỗ trợ việc chuyển đổi này?

- Các địa phương phải tích cực tuyên truyền cho việc chuyển đổi này. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương hỗ trợ cây giống cho dân thực hiện việc chuyển đổi. Còn những nơi được khuyến cáo không trồng lúa vì có khả năng thiếu nước, nếu dân vẫn trồng thì sẽ không được hỗ trợ gì.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hạn hán gay gắt diễn ra trên diện rộng trải dài từ miền núi, trung du Bắc bộ đến miền Trung, Tây nguyên và một số tỉnh phía Nam, nghiêm trọng nhất là Tây nguyên. Mùa mưa ở Tây nguyên năm nay có lượng mưa thấp, chỉ đạt 60-70% mức trung bình nhiều năm và mùa mưa lại “tắt sớm” hơn mọi năm (từ tháng chín) nên mực nước các sông, hồ chứa đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,8m-1,5m. Hai tháng không mưa đã khiến trên 60.000ha lúa, hoa màu của các tỉnh Tây nguyên bị thiếu nước, nguy cơ giảm năng suất, mất trắng là rất cao.

Ông Phạm Xuân Sử, Cục trưởng Cục Quản lý nước và công trình thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết không chỉ khu vực Tây nguyên, hạn hán còn diễn ra ở khắp cả nước và mức độ cũng rất nghiêm trọng. Báo cáo từ 40 trạm thủy văn toàn quốc cho thấy hai tháng chín và mười vừa qua lượng mưa ở miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên rất thấp, thậm chí nhiều nơi hai tháng qua không có giọt mưa nào.

Lượng mưa trung bình từ tháng 5-10 ít hơn trung bình các năm tương đối nhiều, từ 30-50%. Cùng với Tây nguyên, khu vực Nam Trung bộ cũng đang hứng chịu đợt hạn hán. Một số hồ chứa lớn ở Ninh Thuận, Bình Thuận mực nước đã xuống dưới cả “mực nước chết”. Hồ Tây Giang (Ninh Thuận) chỉ còn chứa khoảng 300.000m3/13 triệu m3 theo thiết kế, hồ Cà Giây (Bình Thuận) cũng chỉ còn chưa đến 8 triệu m3/37 triệu m3 so với thiết kế. Khu vực Bắc bộ, tình hình hạn hán cũng đã đến mức báo động. Các hồ chứa nước ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Tây, Bắc Giang... cũng xuống rất thấp, mực nước chỉ còn 30-50% so với thiết kế.

Ông Sử nhận định đợt hạn hán này sẽ rất gay gắt (vì đã hết mùa mưa, bước vào mùa khô), khả năng lan rộng toàn quốc và không thể tính hết mức độ thiệt hại. Nếu so với đợt hạn hán trên diện rộng năm 1998 (thiệt hại khoảng 8.000 tỉ đồng), đợt hạn hán này sẽ nghiêm trọng và mức độ thiệt hại ít nhất là bằng hoặc cao hơn năm 1998.

(TT)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,