221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
541538
Đã có thất thoát khi làm đường Hồ Chí Minh!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Đã có thất thoát khi làm đường Hồ Chí Minh!
,

(VietNamNet) - ''Đã có vi phạm khai khống khối lượng, làm ít nói nhiều! Cơ quan công an đã truy cứu trách nhiệm của một số nhà thầu có biểu hiện gian dối! Tôi không nhớ cụ thể nhưng đã có trường hợp như thế!''.

Bộ trưởng Đào Đình Bình trả lời phỏng vấn báo chí.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đào Đình Bình đã khẳng định như vậy bên lề cuộc thảo luận tại tổ về dự án đường Hồ Chí Minh, chiều 5/11.

- Cơ quan thẩm tra của Quốc hội lo ngại đường Hồ Chí Minh với nhiều đoạn cua gấp, nhiều điểm dân cư sinh sống, nhiều đường giao cắt khó có điều kiện nâng cấp thành đường cao tốc. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

- Đường cao tốc sẽ không thể triển khai trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, mà chỉ triển khai ở một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn. Với những đoạn này, chúng tôi đã tính toán, chuẩn bị về mặt cắt, độ dốc, bán kính…, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của đường cao tốc. Thứ hai là sẽ dành trước diện tích đất để làm đường, bởi lẽ đường cao tốc phải có nhiều làn, từ 4 - 8 làn. Nhờ sự chuẩn bị như vậy, sau này khi có điều kiện về vốn, nhân lực, chắc chắn ta sẽ triển khai được các đoạn đường cao tốc trên đường Hồ Chí Minh.

- Nhưng nhiều hộ dân đã lấn chiếm ra bên lề đường Hồ Chí Minh, cách xử lý như thế nào?

- Không phải trên đường Hồ Chí Minh mà tất cả các lấn chiếm trên đường quốc lộ đều vi phạm các quy định của Chính phủ. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải quyết sự lấn chiếm này. Còn bây giờ Quốc hội mới họp để phê duyệt quy hoạch tổng thể, là cơ sở pháp lý để chúng tôi cắm mốc lộ giới, bàn giao cho các địa phương. Các địa phương phải có trách nhiệm quản lý các mốc giới Bộ Giao thông bàn giao cụ thể, không để cho dân lấn chiếm vào mốc lộ giới này, đảm bảo cho an toán giao thông hiện tại cũng như phát triển nâng cấp đường về sau.

- Chúng ta đã có chủ trương quy hoạch khu dân cư dọc theo tuyến đường?

- Khi làm tuyến đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch khu dân cư dọc theo tuyến. Đấy là điều chúng ta nhìn thấy trước! Làm sao cho dân cư đảm bảo sản xuất, sinh hoạt bình thường, nhưng lại không vi phạm an toàn về tuyến đường.

Việc dân, các khu vực kinh tế dựa theo các tuyến đường là quy luật! Nhưng vấn đề ở chỗ, thay vì các địa phương làm trực tiếp, nối ra đường bộ thì hãy làm hệ thống đường gom, hệ thống đường nội bộ để phát triển khu dân cư, phát triển công nghiệp đi sâu vào phía trong chứ không biến quốc lộ thành ''mặt tiền''. Một khi mình làm được hệ thống đường gom, đường ngang ''xương cá'', thì vừa đảm bảo phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo đời sống của dân cư hai bên, vừa đảm bảo quản lý an toàn giao thông trên quốc lộ. Đó là đích chúng ta cần hướng tới!

- Một lo ngại khác cho những người đi trên đường Hồ Chí Minh là sụt trượt! Có giải pháp nào khắc phục dứt điểm được vấn đề này không, thưa Bộ trưởng?

- Ở bất kỳ tuyến đường giao thông nào, khi đi qua những vùng địa chất phức tạp, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt thì sụt trượt là điều không tránh khỏi, không chỉ trong thi công mà cả trong khai thác. Chẳng hạn Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân sau hơn 100 năm mà vẫn còn bị sạt lở. Đối với đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đã áp dụng đến 11 giải pháp để chống sụt trượt, góp phần bền vững hoá công trình. Thực tế ở giai đoạn 1 cho thấy, vấn đề sụt trượt đã ngày càng giảm đi!

- Công trình đường Hồ Chí Minh vốn lớn như vậy (hơn 33.000 tỷ đồng), Bộ có chủ trương nào để giảm lãng phí, thất thoát?

- Thứ nhất, tuyến đường Hồ Chí Minh làm gấp như thế nhưng đều tuân thủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng, từ khâu thiết kế, lập dự toán cho đến khâu tổ chức thi công, thanh toán, quyết toán, nghiệm thu công trình. Thứ hai, công trình đã được Chính phủ cho phép mời tư vấn giám sát Cuba và họ giám sát rất là kỹ, cả về chất lượng và khối lượng công việc đã làm. Đấy cũng là điều kiện để việc thất thoát của công trình ít đi! Thứ ba nữa là công trình được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu cho nên là tất cả đều đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Thanh tra Tài chính, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành.

Các DN thi công nói rằng, việc chỉ định thầu họ yên tâm có việc làm thôi chứ thực ra lợi nhuận không nhiều lắm vì đã bớt 5% dự toán ủng hộ ngân sách. Lại thêm thanh tra vào, đo cự ly quyết toán từ đấy đến đây là 3km, nhưng lúc trước chưa có đường phải đi vòng vèo 4 cây. Chúng tôi chưa kiểm tra, nhưng giảm 5% và thanh tra như thế thì hầu như nhà thầu không có lợi nhuận.

- Xin Bộ trưởng cho biết, đã xảy ra thất thoát, lãng phí từ khi xây dựng đường Hồ Chí Minh?

- Có chứ! Đã có vi phạm khai khống khối lượng, làm ít nói nhiều! Cơ quan công an đã truy cứu trách nhiệm của một số DN cũng như nhà thầu có sự gian dối! Tôi không nhớ cụ thể nhưng đã có trường hợp như thế rồi!

  • Văn Tiến (thực hiện) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,