221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
543698
Ghi từ tâm điểm hạn hán Gia Lai
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Ghi từ tâm điểm hạn hán Gia Lai
,
Chính quyền huy động 100% dân ra nạo vét kênh mương nhưng vét hoài cũng chắng thấy nước,

(VietNamNet) - Đến Gia Lai những ngày này, chỉ thấy những vườn cây, khoảng ruộng khô cháy đỏ quạch bụi đất. Dân đứng lặng nhìn, lòng trĩu nặng xót xa trước cảnh tiêu điều trời đất tạo ra.

Hai tháng nay các huyện phía Tây của tỉnh Gia Lai không mưa. 7.000 ha cây trồng có nguy cơ mất trắng, hàng ngàn ha rừng phòng hộ, rừng tái sinh, rừng đầu nguồn; đặc biệt là rừng trồng thông, bạch đàn, các vườn cây công nghiệp (cao su, điều, cà phê...) đang ngày đêm bị giặc lửa đe doạ. 
 
Chư Sê những ngày này khác với cùng kỳ các năm trước; đường sá, trời đất mù mịt bụi, ruộng vườn tả tơi, cây lá teo gầy và phủ đầy đất đỏ. Khoảng 371 ha cây trồng các loại của địa phương (gồm 132ha bông vải, hơn 100 ha lúa nước; đậu đỗ và bắp lai) thiếu nước trầm trọng và có nguy cơ mất trắng. Bà con nông dân Chư Sê đang nỗ lực nạo vét kênh mương thuỷ lợi để đưa nước về với hy vọng cứu sống những ha chưa gục hẳn dưới nắng hạn.

Ông Ngô Chí Bình - Phó GĐ Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Tây nguyên cho biết, thời tiết năm nay ở Gia lai có những diễn biến không theo qui luật. Đến cuối tháng 10 lượng mưa đo được chỉ khoảng 1.600mm, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm… là nguyên nhân khiến lượng mưa tháng 9 -10 và đầu tháng 11 giảm đi rõ rệt.

Đến Nhơn Hoà, xã được coi là thiệt hại lớn nhất của huyện Chư Sê, thấy những cánh đồng bạt ngàn, xao xác thân gầy khô, úa vàng của những cây bắp lai sắp gãy đổ. Những vườn, ruộng bông vải rộng lớn với những tàu lá sụp xuống trông không khác những cánh đồng cỏ dại khát nước chờ chết, bị phủ một lớp đất dày đỏ quạch. Người qua lại đều đứng lặng nhìn, trong lòng trĩu nặng nỗi xót xa trước cảnh tiêu điều trời đất tạo ra. 
 
Các cánh đồng huyện Đăk Đoa cũng đầy bụi đỏ. Chánh văn phòng xã Trang Lê Văn Bảy buồn rầu cho biết: “Toàn xã có khoảng 235 ha lúa rẫy thì tất cả đều bị hạn nặng, mất trắng tới 90% rồi. Hơn 160 ha khoai lang cũng đã khô nước héo quắt, rau chẳng được mà củ cũng không. Hiện nông dân trong xã vẫn còn hy vọng vào 43 ha đậu đỗ đang kỳ ra hoa, nhưng cũng quá mong manh vì nắng quá". 

Một số diện tích lúa chưa gục hẳn nhưng đất ruộng đã "nứt chân chim".

Ông Bảy nói, năm nay hạn sớm nên ngoài các loại cây trồng cạn đã chết, 2,1ha lúa nước đang héo quắt đi mỗi ngày. Bà con xã Trang đứng nhìn đồng ruộng tiêu tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc nhưng không có khả năng thu hoạch mà xót xa. Cả xã hiện có khoảng 250ha lúa nước một vụ mùa, có 3 công trình thuỷ lợi nhưng đảm đương chưa được 1/3 diện tích.

Phong trào kênh mương hoá ở huyện Đăc Đoa nói chung, xã Trang nói riêng thời gian qua có bước phát triển. Ở xã Trang hầu như làng nào cũng đều có thuỷ lợi nhỏ nhưng chưa phát huy hết tác dụng vì dòng nước, nguồn nước quá ít, không đủ tưới cho ruộng lúa ở gần.

Những ngày qua lãnh đạo xã huy động 100% dân làng ra nạo vét kênh mương cứu lúa, cứu khoai. Nhưng khổ nổi trời cứ hạn, ngày ngày từ tờ mờ sáng cho tới tối nắng nóng khốc liệt, nên nạo vét hoài cũng chắng có nước, đành lòng đứng nhìn mà nuối tiếc.

Ruộng vườn, đường sá bụi mù đất đỏ vì nắng hạn.

Anh Hà Đắc Thành ở thôn Sơn Trang (Đăk Đoa) nói: “Chúng tôi làm nông, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mong sao cho tới vụ mùa thu hoạch, cái thì bán trả nợ cho nhà nước, cái thì bán cho con ăn học, rồi chăn nuôi, trồng trọt… đủ thứ đều nhờ hạt lúa, củ khoai. Nhưng trời thế này thì năm nay chắc trắng tay". Anh Thành kể, nhà anh có 1,6 ha lúa nước, hơn 1ha lang đỏ đều đã cháy hết vì hạn.

Còn chị Sửu ở Sơn Giang thì đứng nhìn 2 ha rau lang đang héo teo lại mà không nỡ nhổ để chăn nuôi. Chị nói như khóc giữa vườn cây khô hạn: "Còn nước còn tát; vợ chồng tôi sáng tưới, chiều tưới may ra cứu được một ít, bán lấy vốn, chứ mình nhà nông ở nhà mần chi!". 7 ha lúa nước và đậu, bắp của nhà chị đã cháy trụi từ tuần trước; hơn hai chục triệu đồng đầu tư không cánh mà bay.

Doanh nghiệp lao đao

Từ đầu tháng 9 tới nay, Đài Khí tượng thuỷ văn Tây nguyên liên tục khyến cáo các địa phuơng, đơn vị tiết kiệm nước, vì như dự báo thì lượng nước sẽ không còn đủ để tưới cho cây trồng trong vụ mùa khô. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện.

Ông Trương Công Duyệt (Chi nhánh Công ty Bông tại Gia lai) không giấu nổi nỗi lo âu: "100% diện tích bông vụ này của công ty chúng tôi đang rũ lá, rụng quả vì quá thiếu nước". Ông Duyệt cho biết, vụ này công ty đầu tư cho nông dân Gia lai và Đăk Lăk gieo trồng 5.800 ha, riêng Gia Lai chiếm hơn 5.000 ha với tổng số tiền bỏ ra trên 15 tỷ đồng. Nếu trời không mưa sau 10 ngày tới, 50% diện tích chắc chắn mất trắng, số còn lại năng suất dự kiến chỉ còn một nửa.

Ông Duyệt ước tính, nếu trời không mưa, Chi nhánh Công ty Bông và nông dân các huyện Đăc Đoa, Chư Prông, Chư sê, kông Chro… sẽ thiệt hại tiền tỷ. Để có nguyên liệu cho nhà máy hoạt động vào giữa tháng 12 năm nay; Công ty Bông đã bơm nước tưới bông (dù giá nhiên liệu ngày một cao); tuy nhiên chỉ tưới được vài trăm ha vì không có nguồn nước.

Ruộng ngô khô cháy, thân gục ngã tả tơi.

Không chỉ Công ty Bông, tất cả các xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đang đứng trước nguy cơ thất thu lớn vì mất nguồn nguyên liệu. Hàng ngàn ha rừng phòng hộ, rừng tái sinh, rừng đầu nguồn ở Chư Phah, Mang Dang, Krông pa, Đức Cơ… cùng hàng ngàn ha cây trồng công nghiệp như cao su, điều, cà phê của nhân dân và nhiều xí nghiệp đang đứng trước nguy cơ cháy lớn…

Trước tình hình hạn hán đến sớm trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gây bao thiệt hại to lớn về tài sản cho nhân dân địa phương và các DN trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các cơ quan ban ngành động viên nhân dân nạo vét kênh mương thuỷ lợi, đưa nước về tưới cho cây trồng, cứu những nơi bị hạn cháy và cố gắng giữ lại những diện tích còn có thể cứu. Các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi cũng đang hoạt động hết năng suất, mở nước cung cấp đến hết khả năng có thể cho đồng ruộng. Việc cấp vốn cho nhân dân vay để mua giống cây trồng ngắn ngày, hướng dẫn họ tiếp tục trồng cấy, chăm sóc cũng được nhanh chóng triển khai nhằm phần nào cải thiện đời sống của bà con. Tất cả vì mục đích: quyết không để dân đói và thiếu lương thực.

Để đối phó với tình hình hạn hán đang diễn ra và có khả năng kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2004-2005, vụ Hè Thu 2005 và đời sống nhân dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện 8 biện pháp cấp bách đẩy mạnh công tác phòng chống hạn.

  • Lê Quang Hồi - BCHQS tỉnh Gia lai

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,