221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
564068
TP.HCM: Hàng chục ngàn hộ ăn Tết... không nhà sau giải tỏa
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
TP.HCM: Hàng chục ngàn hộ ăn Tết... không nhà sau giải tỏa
,

TP.HCM đang triển khai hàng trăm dự án đầu tư với hàng chục ngàn hộ phải di dời, nhưng đa số chưa biết sẽ được tái định cư ở nơi nào khi Tết đến.

Mòn mỏi chờ nhà tái định cư

Soạn: AM 241627 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Người bị giải tỏa không an tâm khi phải sống trong những căn nhà tạm bợ ở trong khu tạm cư (ảnh chụp tại khu tạm cư P.13, Q.Bình Thạnh)

Năm 2002, khi dự án đại lộ đông tây triển khai giải tỏa rầm rộ, gia đình ông Vũ Tả Sáu thường trú căn nhà mặt tiền đường Mễ Cốc (P.15, Q.8) không thể nấn ná thêm mà buộc phải khăn gói ra đi với 280 triệu đồng tiền đền bù.

Căn nhà bị giải tỏa dù chỉ rộng 38,5m2 nhưng cũng là nơi sinh sống ổn định của gia đình ông Sáu gồm tám con người trong nhiều năm. Tiền đền bù không đủ để mua căn nhà khác ở Q.8, gia đình ông Sáu đành phải dời tới Q.12, ở P.Tân Thới Nhất để mua một căn nhà xây sẵn rộng 50m2.

Ông Sáu từ người có hộ khẩu (Q.8) thành người diện tạm trú (Q.12), từ được ở nhà mặt tiền  nay phải lui vô hẻm. Nhưng họa vô đơn chí: đầu năm 2004 ông nhận được thông báo căn nhà gia đình ông đang tạm trú nằm trong khu vực 600 căn nhà xây dựng trái phép ở Q.12 và nằm trong số 39 căn phải đập bỏ (hơn 500 căn khác được giữ lại chỉnh trang). Hiện nay gia đình ông Sáu (đã tăng số nhân khẩu thành 10 người) đang thấp thỏm không biết phải ra khỏi nhà lúc nào, nếu bị giải tỏa sẽ thuê nhà ở đâu trong thời gian chờ được nhận nhà tái định cư ở khu dân cư 38ha (cũng thuộc P.Tân Thới Nhất, Q.12).

Năm 1993, anh Nguyễn Văn Hùng từ Long An lên TP.HCM lập nghiệp và xây dựng nhà, ở ổn định tại khu phố 4, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân. Sáu năm sau, anh Hùng được thông báo khu vực này nằm trong vùng qui hoạch là khu dân cư chỉnh trang nên phải di dời, chờ đến khi Nhà nước hoàn thành khu dân cư sẽ được quay về nhận nền.

Tháng 5/2004, sau khi bàn giao mặt bằng, ngoài số tiền 56 triệu đồng được đền bù vật kiến trúc, anh Hùng còn được đăng ký tái định cư và nhận 500.000 đồng/tháng để thuê nhà ở. Vốn sinh sống bằng nghề bán nước giải khát, gia đình anh Hùng thuê một mặt bằng trên đường Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình để buôn bán và thuê một căn phòng chật hẹp vỏn vẹn 14m2 để “có chỗ cho hai đứa nhỏ học bài và nghỉ ngơi” như lời anh nói.

Anh Hùng kể: “Mỗi tháng gia đình tôi phải trả 3,5 triệu đồng tiền thuê mặt bằng buôn bán và 800.000 đồng thuê phòng. Có khi bán rồi ngủ tại quán luôn vì nhà quá chật chội. Chúng tôi đã sống tạm bợ thế này hơn nửa năm rồi, chỉ mong sớm có được cuộc sống ổn định”.

Khi tôi đang viết bài này, anh Hùng điện thoại cho biết anh vừa được bốc thăm nhận nền nhà tái định cư, còn khi nào nhận được nền thì... chưa biết. Anh nói: “Tôi lo lắm, vì những người giao mặt bằng từ năm 2000/2001, hồi tháng 11/2004 mới được... chỉ cho thấy cái nền, còn tôi mới bốc thăm thì chưa chắc tết sang năm đã có nhà để ở”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải: “Ngưng công tác di dời vào dịp Tết”

“Tôi chỉ đạo các quận huyện không được giải tỏa, cưỡng chế nhà dân trong dịp Tết Nguyên đán. Trường hợp rất cấp bách phải di dời người dân vào thời điểm giáp tết (như dự án cầu Thủ Thiêm), các cấp chính quyền cũng phải làm mọi cách để người dân hưởng được cái tết đầm ấm, dứt khoát không được để xảy ra bất cứ trường hợp nào người dân không có nhà ăn tết.

Những người đã có chỗ tái định cư thì phải được bố trí ngay trước tết. Những công trình đang giải tỏa dang dở sẽ ngưng công tác di dời vào dịp tết để bà con an tâm đón tết vui vẻ.

Đối với người đã bàn giao mặt bằng đang ở, TP cũng chỉ đạo nâng giá hỗ trợ thuê nhà, song thật sự mà nói người dân phải đi thuê nhà là biện pháp tình thế mà cả Nhà nước lẫn người dân đều không muốn”.

Vì thời gian chờ đợi nhà tái định cư kéo dài quá lâu như vậy, không ít người đã buộc phải bán phiếu bốc thăm. Một trong những người lâm vào tình cảnh này là anh Tâm. Gia đình anh Tâm đang ở nhà thuê tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, đã phải bán phiếu bốc thăm được hơn 200 triệu đồng tìm mua một miếng đất khác. Anh Tâm còn cho biết hầu hết những người hàng xóm cũ của anh cũng đã phải bán phiếu đi tìm nơi ở khác vì quá mòn mỏi chờ nhận nền.

Không giải tỏa trước tết 15 ngày, sau tết 15 ngày

Theo lãnh đạo UBND TP, trong năm 2005 TP chắc chắn sẽ có thêm 10.000 căn hộ dành để tái định cư. Song nhu cầu cần mặt bằng trống để thi công lại rất bức bách. Không ít gia đình trong những ngày này đang rất phập phồng, hồi hộp không biết ăn tết ở đâu nếu buộc phải giao nhà lúc này.

Một tin vui cho gần 3.000 người dân bị ảnh hưởng bởi dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên: ban bồi thường giải phóng mặt bằng tám quận huyện có liên quan đang kiến nghị xem xét lại giá đền bù thay vì áp giá đã được phê duyệt theo bảng giá đất cũ.

Ông Vương Tấn Độ, trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Q.Bình Tân (quận có gần 2.000 hộ phải giải tỏa), thông tin với chúng tôi như vậy. Ngoài ra, từ nay đến qua rằm tháng giêng, bộ phận chức năng chỉ làm việc trên hồ sơ và tổ chức hiệp thương, phần giải tỏa nhà sẽ thực hiện sau đó. Có nghĩa người dân khu vực này sẽ an tâm ăn tết mà không sợ phải di dời trong dịp tết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh cũng cho biết, việc giải tỏa các hộ dân khu vực chân cầu Thủ Thiêm (khoảng 200 căn) vẫn phải thực hiện khi có yêu cầu, nhưng đảm bảo nguyên tắc không giải tỏa trước tết 15 ngày, sau tết 15 ngày. Ông Hùng cũng đã thống nhất trong giai đoạn từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu buộc phải di dời người dân khu vực chân cầu Thủ Thiêm, chủ đầu tư phải báo trước 10 ngày để quận sắp xếp chỗ ở cho người bị giải tỏa.

Trong thời điểm này, bốn chung cư tái định cư cho các hộ dân thuộc phạm vi chân cầu Thủ Thiêm đã có sẵn: chung cư Phạm Viết Chánh (Q.2), Bình Trưng (Q.2), Bến Vân Đồn (Q.4), An Sương (Q.12).

Đoan Trang (Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,