(VietNamNet) - Chỉ vỏn vẹn một ngày, Mẫu Sơn đóng băng trên đỉnh, nhưng cũng đủ hút hồn những du khách may mắn.
Thượng sơn ngắm hoa tuyết
Những người Dao ở vùng núi cao này là những người đầu tiên may mắn đón hoa tuyết rơi trước cửa nhà. Cùng với họ, là những người đang làm du lịch ở đỉnh núi cao 1.541m so với mực nước biển này.
Phạm Tuấn Đạt, một nhân viên lễ tân khách sạn ở Mẫu Sơn kể: "Cả ngày hôm trước, sương mù dày đặc, không khí lạnh hơn bình thường. Đêm xuống, trời càng rét. Sáng hôm sau, tuyết rơi trắng xoá cả đường lên đỉnh".
Những du khách đi nghỉ cuối tuần đã là những người may mắn được chứng kiến cảnh này. Rồi hàng trăm du khách từ chân núi, từ thành phố nhận được điện thoại của người nhà, đã lần lượt kéo lên thăm đỉnh. Con đường nhỏ trải nhựa phẳng lỳ từ men theo vách núi đá dẫn lên đỉnh hôm đó len chặt người, xe. Từ TP. Lạng Sơn lên đến Mẫu Sơn chỉ vẻn vẹn 30km, trong đó 15 km đường dốc trèo lên núi cao vời vợi.
"Sáng 13, tuyết vẫn rơi. Sương mù mịt. Gió rét căm căm. Nhưng khách lên rất đông", một du khách còn nán lại đỉnh đến ngày 14/1 kể lại. Cỏ gồng mình cõng tuyết, đỡ chân đỡ khách. Băng rạn vỡ dưới chân người trèo lên đỉnh ngắm tuyết lạo xạo. Căn chòi sắt nhỏ, mái lợp tôn bốn bề thông thống gió, được dựng trên đỉnh núi Mẫu cho du khách đứng ngắm cảnh tuyết trùm trắng mái.
Cảnh tượng nguy nga đó kéo dài từ 7h sáng, khi trời sáng mờ mặt người, cho đến 10h. Nhiều, rất nhiều khách, đa phần là thanh niên trẻ, đã kịp tìm lên núi Mẫu. Sang chiều, băng dần tan. Gió thốc lên khiến sương mù cũng vãn dần. Đến 18h cùng ngày, thì những lớp cỏ đã lộ mình, vàng úa, hanh khô vì giá lạnh cùng gió núi quất.
Có lẽ vì niềm tin rằng đó là điềm may, cũng như sự hấp dẫn vì hiện tượng tuyết rơi ở một nước ở miền nhiệt đới, nên cái tin Mẫu Sơn có tuyết hấp dẫn khách phương xa đến vậy. Nhiều khách từ Hà Nội nghe tin đã vội vàng "rồng rắn" cùng bạn bè, gia đình tìm về Mẫu Sơn trong ngày. Nhiều khách còn nán lại, vì không kịp đến đúng ngày tuyết đổ.
Rất nhiều Khách Hà Nội cùng nhiều người xứ Lạng đang nán lại đỉnh Mẫu Sơn đến hết ngày 14/1, sau khi tuyết đã tan. Nhiều người trong số họ nói rằng, họ chờ xem tuyết rơi thêm một lần nữa. Nhiều nhóm chậm chân thì tiếc nuối, nên quyết chí chờ đợi, vì tin rằng "dự báo thời tiết là Mẫu Sơn sẽ còn giá rét thêm vài hôm nữa". Nhiều trong số họ tin vào điềm may mắn được lưu truyền đó, ngoài sự háo hức được ngắm tuyết về.
Huyền tích núi Mẫu
Nếu người H'mông, người Dao... ở Lào Cai tự hào có Sa Pa, thì người Dao, người Tày... ở xứ Lạng có thể mỉm cười tự hào khi nhắc đến Mẫu Sơn.
Những năm đầu thế kỷ trước, cư dân quanh vùng Mẫu Sơn truyền tụng một huyền tích kể rằng: Trong một chuyến đi săn, một người đàn ông Dao ở thôn Lặp Pịa (huyện Lộc Bình) mang về nhà một phiến đá kỳ lạ từ đỉnh núi Mẫu Sơn để dùng vào... việc bếp núc. Sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, người đàn ông đã hoảng hồn khi nhìn thấy phiến đá mình mang về đang rỉ máu loang đỏ nền nhà. Sợ hãi, ông cùng gia đình vội vã cõng phiến đá lên đỉnh Mẫu Sơn trả lại, cầu xin thần linh tha thứ.
Câu chuyện ấy lưu truyền trong ký ức người Dao, cùng các tộc người khác trong vùng nhiều đời nay. Nơi có phiến đá thiêng và cả vùng phụ cận nhờ đó trở thành "vùng lãnh địa linh thiêng".
Các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Vị thần được thờ trên khu linh địa là thần Núi.
Câu chuyện bắt đầu khi giới khảo cổ hết sức ngỡ ngàng lúc bắt gặp hai loại hình kiến trúc đá lớn (cự thạch) là kiến trúc mộ đá và kiến trúc đền thở bằng đá trên đỉnh Mẫu Sơn. Cuộc khai quật khảo cổ học 2003 - 2004 trên diện tích gần 1.000m2 ở khu linh địa Mẫu Sơn lần đầu tiên đã phát lộ hàng nghìn di vật di tích có giá trị, trong đó có khu đền cổ và hầm mộ Cự Thạch.
Kiến trúc khu đền cổ gồm ba phần: Phần thứ nhất là nền sân để bước lên nơi thờ tự. Phần thứ hai là bậc lên xuống với năm bậc đá được kè vững chắc. Phần thứ ba là tòa Chính điện, được phân thành hai khu khác nhau: khu Tiền tế bên dưới và khu Chính điện bên trên.
Tuy nhiên, đặc sắc nhất phải kể đến những mộ đá Cự Thạch. Các hầm mộ này được xây theo lối rất độc đáo. Người thợ lợi dụng khối đá tự nhiên (có gia cố thêm) để tạo một vách mộ phía tây một cách chắc chắn và kiên cố. Mặt phía bắc, phía đông thì được ghép với hai phiến đá đã gia cố bằng kỹ thuật đục, đẽo tỉ mỉ. Phiến đá vách bắc và vách đông tạo thành một góc vuông.
Sau khi tạo được ba vách bắc, đông, tây, phần trần mộ được đậy bằng một phiến đá vuông có kích cỡ nhỏ hơn. Khối đá trần chỉ đậy khít các phiến đá 3 mặt bắc, tây, đông. Riêng vách phía nam khối đá gốc chạy tiếp ra phía sau và phía trước hầm mộ nên tạo thành lối vào dài 2m.
Nền kiến trúc cổ trên đỉnh Mẫu Sơn, nơi được người dân bản địa xem là vùng đất linh thiêng. |
Vấn đề khiến giới khảo cổ học Việt Nam khó hiểu là bằng cách nào mà người xưa có thể chuyển những khối đá lớn hàng nửa tấn để xây dựng những đền tháp và nền nhà ở độ cao đến thế giữa đỉnh núi cheo leo?
TS. Vũ Thế Long, đã phát hiện ra đáp án của bài toán này. Một lần, ông len lỏi vào khu rừng phía tây ngay sát khu kiến trúc của linh địa và vô cùng sửng sốt vì phát hiện được một số phiến đá lớn đẽo gọt dang dở.
Tìm kiếm kỹ hơn, ông phát hiện những tảng đá gốc bị nước chảy mạnh xẻ ra thành những tấm đá dày từ 20-30cm có dạng như những tấm phản dựng dọc. Trên một số phiến đá còn dấu vết đục đẽo. Vậy là đã rõ. Những người thợ xây dựng ở đây đã lợi dụng hình dạng và cấu trúc tự nhiên của những khối đá này, đẽo gọt chúng ngay tại chỗ rồi chuyển nó ra địa điểm xây dựng gần đó.
Các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, kiểu kiến trúc mộ đá này thuộc dạng Dolmen đã được phát hiện nhiều nơi ở Việt Nam: Cự Thạch (Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang), sườn núi Lạn Kha (xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh)...
Xét tổng thể thì di tích Dolmen ở Tiên Sơn rất gần với dạng Dolmen đã khai quật tại Mẫu Sơn. Rất có thể, Dolmen ở Mẫu Sơn đã có từ sơ kỳ thời đại sắt, cũng là vùng phân bố của văn minh sông Hồng - mở đầu cho kỷ nguyên dựng nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam (?).
Trong những ngày này, những di tích linh thiêng trên cũng chìm sâu trong sương mù và băng tuyết, đầy bí ẩn.
Nỗi niềm người xứ Lạng
Nằm cách TP. Lạng Sơn 30km về phía Đông, trên độ cao 1.541m so với mặt biển, núi Mẫu Sơn được bao bọc bởi hàng trăm quả núi nhỏ quanh mình. Đông về, mây mù phủ kín đỉnh Mẫu Sơn suốt mùa. Hè đến, nắng vàng rực rỡ. Vào xuân, khắp vùng Mẫu Sơn rực sắc hoa đào thắm. Đào trái Mẫu Sơn vừa to, rất ngọt. Khí hậu Mẫu Sơn đã ấp ủ cho vùng đất này loại chè tuyết đượm nước, ngon nổi tiếng xưa nay.
Nhưng một người bạn ở Lạng Sơn tỏ ra ấm ức với chúng tôi: "Mẫu Sơn có tuyết đã nhiều năm rồi. Nhưng chỉ 2-3 năm nay mới được báo chí quan tâm". Câu nói đầy "dỗi hờn" buột ra khi chúng tôi cùng nhau ngồi nhấc chén rượu Mẫu Sơn ấm nồng nổi tiếng xứ Lạng, xua đi giá lạnh vùng cao núi đá.
Khí hậu vùng đất này ôn hòa, rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Vì vậy mà trước đây, Mẫu Sơn vốn là khu nghỉ mát với nhiều biệt thự khang trang chẳng "chịu thua" Sa Pa, Tam Đảo. Nhưng rồi chiến tranh, thiên nhiên cùng yếu tố thời gian kéo dài, nhiều nhà cửa đã bị phá hủy.
Bây giờ, Mẫu Sơn đang được xây dựng lại thành khu nghỉ dưỡng và phát triển ngành du lịch leo núi, sẽ phát triển trong tương lai gần.
Một trong nhiều những khách sạn nằm treo mình trong sương ở đỉnh Mẫu Sơn do một ông chủ khá trẻ từ TP. Lạng Sơn tìm lên đầu tư. Anh kể, mùa hè, khi Hà Nội nóng hơn 40 độ C thì ở Mẫu Sơn ngủ trưa cũng phải đắp chăn. Có lẽ vì vậy mà Mẫu Sơn đang được đầu tư để thay da đổi thịt từng ngày. Hàng chục khách sạn đã mọc lên ven đường dẫn lên đỉnh núi.
Đêm lạnh, gió núi quất thẳng vào bờ đá, lúc ào ạt, lúc nghe rầm rập như đoàn xe lửa chạy qua. Bên bếp than bập bùng, trong không gian âm u tiếng gió, nhiều người xứ Lạng tìm lên ngồi chia sẻ với nhau chén rượu Mẫu Sơn ngọt dịu, thơm lừng hương gạo vùng cao ngâm men lá cùng hương vị rễ cây thuốc miền núi Lạng Sơn.
Khí hậu ôn hoà, phong cảnh đẹp. Vùng đất trầm đầy huyền tích. Mẫu Sơn đang dần lộ mình với du khách. Tuyết năm nay lại về trên đỉnh Mẫu Sơn!
-
Trường Giang