(VietNamNet) - Từ cuối tháng 11 Âm, hoa trong Nam, ngoài Bắc đã theo cả chục ôtô lớn đổ về thành phố mỗi ngày, chất lên xe bán dạo hoặc chen vào các chợ hoa nhỏ mọc vội trên vỉa hè nhiều trục đường chính.
Tại nhiều điểm bán cây cảnh, nhất là trên đường Núi Thành, người mua kẻ bán đã nhộn nhịp. Chủ cơ sở bán cây cảnh tại số 1A Núi Thành cho hay: “Dịp này năm ngoái còn ế ẩm lắm, nhưng năm nay thì khác hẳn! Khách có nhu cầu mua cây cảnh sớm và nhiều hơn mọi năm. Mới đầu tháng Chạp đã bán được kha khá, ngày nào cũng có khách mua cây cảnh với số lượng lớn".
Còn nửa tháng nữa mới đến Tết Ất Dậu nhưng tại điểm bán hoa, cây cảnh trên đường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) đã rộn ràng người mua kẻ bán. |
Anh Lý Xuân Thời ở Tam Kỳ (Quảng Nam), có "thâm niên" 12 năm buôn bán hoa Tết cho biết, sở dĩ anh phải đi “tiếp thị” sớm là vì muốn tránh không khí xô bồ ở các chợ hoa cận Tết. Và quan trọng hơn là ở thời điểm này, người mua thường "rộng rãi" hơn do gánh nặng chi tiêu cho dịp Tết chưa thật sự gây áp lực cho họ... Anh Thời cho biết, chỉ hơn nửa giờ ngồi ở góc đường Hùng Vương (Tam Kỳ), đã có hơn 10 vị khách ghé vào xem hàng anh; hầu hết bỏ tiền ra mua chỉ sau vài lượt mặc cả.
Với anh Nguyễn Ngọc Lượng, quê ở Tam Xuân 1 (Núi Thành, Quảng Nam) thì lý do "đem của nhà đi bán sớm" lại là vì đông con, nếu để cận Tết mới đem bán thì không kịp mua sắm các thứ cần thiết cho gia đình (Tết nhà anh trông cả vào vườn hoa non 1 sào). Anh cũng cho biết: “Năm nay, tôi chỉ đưa đi bán sớm nửa vườn thôi vì Tết năm ngoái bán hết cả vườn sớm, cận Tết giá cả tăng vùn vụt nên tiếc hùi hụi!".
Những người bán hoa, cây cảnh dạo sớm nhập cuộc thị trường Tết Ất Dậu ở miền Trung. |
Còn chị Lê Thị Tám (ở Cẩm Hà, Hội An) thì lý giải: “Gần đây, các loại hoa kiểng từ phía Bắc đưa vào nhiều, bày bán khắp nơi với giá tương đối rẻ. Không bao lâu nữa, nhu cầu tiêu thụ sẽ bão hoà. Hàng mình đưa ra lúc cận Tết sẽ ít người mua. Nhưng dù phải cạnh tranh với hoa Tết từ nơi khác tới thì tôi vẫn bán hoa nhà với giá cao hơn. Hoa, cây cảnh của mình đã có "thương hiệu" rồi, việc gì phải hạ giá chứ?"
Khách mua hoa, cây cảnh sớm chuẩn bị cho Tết cũng có lý do riêng. Như lời anh Trần Văn Tuấn đang làm việc tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ): “Đi mua hoa, cây cảnh lúc này là hợp lý vì tương đối rảnh rỗi, có thể lựa chọn thoải mái. Vả lại, tôi vừa được công ty thưởng Tết dương lịch một món tiền kha khá nên trích một ít để mua hoa”.
Có cầu, ắt có cung; giới kinh doanh hoa ở Đà Nẵng ra sức tập trung cho Tết. Trong số này, không ít người chỉ “tay ngang”, ngày thường bán, bánh xèo, bún thịt nướng... ở ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Phú (gần khu vực chuyên buôn bán hoa ở chợ Hàn) nay "chuyển" sang bán hoa Tết. Những người này bỏ vốn khoảng 5 - 7 triệu, chỉ lõm bõm vài kinh nghiệm giữ hoa cho khỏi trầy xước, hư hỏng, chủ yếu nhập hoa lay-ơn Đà Lạt để bán. Mua đó, bán đó, lãi ít vẫn phải cố bán nhanh vì hoa không dễ đem về nhà khi chưa bán hết như hàng thực phẩm.
Bách kim lan Trung Quốc về sớm cũng đã tràn ra đường Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng). |
Không chỉ các chợ hoa, nhiều shop hoa nghệ thuật cũng đang nở rộ ở Đà Nẵng với sự chuẩn bị hết sức chu đáo. Chị Văn, một trong những người kinh doanh hoa nghệ thuật đầu tiên ở TP cho biết: "Từ 4 cái Tết nay, khoảng 25 - 30 Tết là các shop hoa luôn tấp nập đến 10 - 11 giờ đêm. Một nhành lyly loại A giá lên đến vài chục nghìn đồng cũng không có để bán. Nhưng năm nay, e là lượng khách sẽ ít hơn vì Đà Nẵng đã xuất hiện trên dưới 15 shop hoa nghệ thuật được đầu tư rất lớn; chỉ riêng ở khu vực gần chợ Hàn đã có 3 shop, cạnh tranh thu hút khách rất dữ!".
Với sự tinh tường của một người trồng hoa ở làng hoa Cẩm Hà nổi tiếng ở Hội An, chị Lê Thị Tám phân tích: “Chợ hoa Tết sớm có đặc điểm khác so với các chợ hoa Tết thông thường. Thay vì bán các sản phẩm đã khai hoa, nở nhuỵ, đã... "Tết" từ lúc nào rồi thì các "chợ" sớm này chỉ bán những loại cây "bốn mùa đều xuân", hay hoa mới chớm nụ. Các loại hoa, cây cảnh này chủ yếu bán cho những người tinh mắt, biết nuôi dưỡng thú vui. Dù không phải tự tay mình trồng nhưng khi hoa nở, họ vẫn thấy vui, mãn nguyện vì chí ít họ cũng bỏ công chăm sóc mấy tuần!".
Tại thời điểm này, giá các loại hoa, cây cảnh trên thị trường Đà Nẵng rẻ hơn năm ngoái từ 3 - 5%: trúc Hawai 35.000 đồng/cây; vạn tuế (loại 16 lá) 70.000 đồng/ cây; trà mi 140.000 đồng/cặp (không kể chậu); tùng (0,8m) 25.000 đồng/cây; cau samphanh (lùn) 40.000 đồng/cây; hồng ghép 60.000 đồng/cặp (nhỏ); mẫu đơn lai 80.000 đồng/cặp... Anh Nguyễn Quang Việt ở tổ 73 Bình An (phường Hoà Cường) lý giải: "Giá rẻ không phải do ít người mua mà do cây cảnh năm nay rất phong phú. Tôi ước tính ít nhất doanh thu mùa Tết năm nay tôi cũng phải đạt dăm bảy chục triệu đồng!”.
Thiếu vắng hoa, cây cảnh địa phương
Theo nhận định của giới trồng và kinh doanh mặt hàng này thì chiếm phần lớn tại các chợ hoa Tết năm nay ở các đô thị kể trên sẽ là hoa, cây cảnh từ... nơi khác đến!
Do quá trình đô thị hoá, diện tích trồng hoa, cây cảnh ở Đà Nẵng ngày càng bị thu hẹp. |
Tại các điểm bán cây cảnh tập trung trên đường 2/9 (Đà Nẵng) chủ yếu lại là hàng lấy từ nơi khác. Hoa, cây cảnh trồng ở Đà Nẵng chỉ có mấy cây bát tiên đã nở bông màu đỏ tía và mấy chậu bon sai. Chỉ riêng xương rồng cảnh được bán tại đây đã có hàng chục loại và đều có nguồn gốc từ... Trung Quốc, được Chi hội Làm vườn phường Hoà Cường nhập về, ươm toạ, đưa vào chậu, chăm sóc rồi đem bán. Anh Việt tâm sự: “Trước đây, phần đông nông dân Hoà Cường chuyên trồng hoa, cây cảnh, nhưng từ khi cây cảnh từ các nơi đổ về nhiều, giá lại rẻ nên họ mua về bán lại là chính. Với cách này, vừa có số lượng lớn, nhanh thu hoạch và lợi nhuận cũng cao hơn do mình trồng. Hơn nữa, cây cảnh nơi khác đưa về chủng loại rất đa dạng, mới lạ nên khách hàng rất ưa chuộng!".
Một trong những nguyên nhân khiến hoa, cây cảnh từ nơi khác dễ dàng chiếm lĩnh thị trường các đô thị lớn ở miền Trung lại xuất phát từ chính các làng hoa trong vùng. Quảng Nam có các làng hoa ở Hội An vốn nổi tiếng từ lâu, là nguồn cung cấp chủ yếu cho thị trường hoa, cây cảnh Tết ở Đà Nẵng, Tam Kỳ. Năm nay, lượng hoa, cây cảnh Hội An được trồng tăng 20% so với các năm nhưng các làng hoa đang lao đao vì sâu bệnh lạ phát sinh gây hại.
Hoa tươi được trồng ngay tại Đà Nẵng lại càng khan hiến hơn. Do quá trình đô thị hoá mạnh mẽ, những vùng trồng hoa từ hàng chục năm nay như Bình An, Phước Mỹ đang lùi dần vào quá khứ. Nhiều hộ dân đã có hướng "tản cư" vào Hoà Tiến (Hoà Vang) lập làng hoa mới, nhưng đất Hoà Tiến nặng cát, cố công lắm người dân cũng chỉ trồng đuợc những loại hoa cũ. Các loại hoa đuợc tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như lay-ơn, cẩm chướng, hồng... rất ít đuợc trồng ở đây; có chăng chỉ là một ít hoa cúc trồng chậu của các hộ dân ở Bình An (Hoà Cường) tranh thủ làm thêm vụ cuối trước khi giải toả.
Người tiêu dùng Đà Nẵng ngày càng ưa chuộng các loại hoa cao cấp. |
Nhưng cũng có những người trồng hoa, cây cảnh ở Đà Nẵng không "cam chịu" mất chỗ đứng trên thị trường một cách dễ dàng như vậy. Anh Nguyễn Văn Trọng, "người sót lại" của làng hoa Bình An là một ví dụ. Đảo quanh vườn hoa rộng hơn 10 sào ở thôn Phong Bắc 3 (xã Hoà Thọ), anh Trọng cho biết, sau khi làng Bình An giải toả, đây là chỗ thứ 3 anh tới thuê đất để trồng hoa, nhưng ở đây rồi cũng sắp giải toả.
Mặc dù vậy, mùa Tết này ở Đà Nẵng, chỉ duy nhất vườn hoa của anh có thể tung ra thị trường những loại hoa có thể chen chân cùng hoa Đà Lạt, Hà Nội. Anh Trọng vừa mời một kỹ sư tận Đà Lạt ra cùng bám trụ trong 2 tháng để truyền kinh nghiệm trồng các loại hoa mới. Đặc biệt là cúc, cẩm chướng... đủ chủng loại với một mầm cấy mô đã được đặt mua với giá 2.500 - 3.500 đồng. Hiện anh đã chi cả trăm triệu đồng mua chậu sành từ Hà Nội để cho hoa vào chậu.
Anh Nguyễn Văn Trọng tự tin nói: "Đất Đà Nẵng nếu biết cải tạo, sẽ có nhiều vùng trồng được hoa cao cấp, chứ không chỉ trồng các loại hoa thờ cúng!".
-
Hải Châu