(VietNamNet) - Khăn đóng, áo the đen, những ông đồ ở TP.HCM cũng bày mực tàu, giấy vẽ bên lề đường giữa bộn bề phố xá, thảo lên những bức thư pháp đầy ngẫu hứng, đầy sắc xuân.
Ngay từ ngày rằm tháng chạp, những ai có dịp đi qua góc ngã tư Nguyễn Văn Giai - Nguyễn Huy Tự (P Đa Kao, Q.1, TP.HCM) không khỏi ngoái nhìn cảnh ông đồ Lê Hải múa bút “cho chữ”. Ông đồ mới 31 tuổi này cũng khăn đóng, áo the đen, cũng mực tàu, giấy vẽ thảo lên những câu chúc phúc, an lành cho những ngày xuân giữa bộn bề phố sá.
Nét văn hoá truyền thống hiển hiện giữa lòng thành phố hiện đại không khỏi khiến lòng người có cảm giác hoài cổ, nao nao. Hải thổ lộ: “Lúc còn nhỏ, cứ mỗi độ xuân về, nhìn cảnh cha và ông nội ngồi viết thư pháp bỗng thấy dâng trào một nỗi đam mê”. Và mặc dù nghề chính của Hải là trang trí nội thất, hội họa nhưng cứ đến những ngày xuân, anh lại xách đồ nghề “ra đường” viết thư pháp. Ấy thế mà cũng đã được 7 năm.
“Viết cho thỏa nỗi đam mê cũng là dịp để kiếm chút ít tiền tiêu vặt” - Hải cười. Công việc hàng ngày của Hải bắt đầu từ 7 giờ sáng kéo dài đến 19 giờ khi thành phố đã lên đèn, mọi người đã tề tựu bên những bữa cơm gia đình.
Anh Hải cho biết, ngày nào cao lắm viết được trên chục bức thư pháp, trung bình chỉ được 2, 3 bức/ngày. Đối tượng mua thư pháp của Hải khá phong phú, từ ông lão mê chữ Nho đến những thanh niên hiện đại, cho khách ta và cho cả khách tây với giá 30.000 đồng/bức. Nhưng tiền thuê chỗ ngồi viết đã ngốn hết 50.000 đồng/ngày. Địa điểm khá chật hẹp, chỉ đủ kê một cái bàn nhỏ, dăm ba cái ghế nhựa, lại nằm sát bên cạnh tiệm sửa xe gắn máy nhưng không thể ngăn cản “ngẫu hứng’” của ông đồ Hải.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phố của những ông đồ viết thư pháp nằm trên đường Trương Định (Q.3, TP.HCM). Phố thư pháp này nhóm họp từ ngày 22 tháng chạp (31/1/2005) cho đến hêt ngày 30 Tết. Tại đây, thường xuyên có 10 ông đồ chuyên viết thư pháp cho khách có nhu cầu. Ngoài những người viết thư pháp chuyên nghiệp và lão luyện như: hoạ sĩ Bùi Hiến, còn có những SV, những tay viết nghiệp dư. Chiếm phân nửa trong số đó là các bạn trẻ là SV của các trường mỹ thuật ở khoảng độ tuổi từ 22-24.
Mỗi ông đồ trải một đôi chiếu manh, sát cạnh hàng rào của trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai rồi cứ thế khom lưng hí hoáy viết cho khách. Những câu thơ, danh ngôn, ca dao nói về mùa xuân, cha mẹ, tình yêu đôi lứa… viết theo lối thư pháp cứ thế tuôn trào: “Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan/ Trông bước gần xa pháo nổ ran/ Dũ áo phong sương trên gác trọ/ Lắng nhìn thiên hạ đón xuân sang”, “Con của mẹ đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”, “Cha là bầu trời con là hạt bụi/ Con lẫn vào cha từ đó đến muôn đời”. Sản phẩm ngay sau đó được treo lên các bức tường rào vừa để cho khô mực và cũng là để tiếp thị với khách.
Đa phần thư pháp đều được viết bằng chữ Việt. Do đó, ý nghĩa hình tượng của con chữ phải được các ông đồ đầu tư rất công phu. Vì vậy, ngoài những câu thơ, danh ngôn, ca dao do khách yêu cầu. Các ông đồ đã chọn lọc sẵn những mẫu câu cho khách lựa chọn. Ông đồ Nguyên Doãn (Họa sĩ đồ họa) cho biết, anh thích viết nhất hai chữ “Tâm” và “Nhẫn”, mỗi chữ anh sáng tạo thành 10 lối viết khác nhau. Có chữ “Tâm” đường nét tạo thành hình tượng vầng trăng, chim đậu cành tre gợi sự thanh bình, nhưng cũng có chữ “Tâm” trong đó ẩn chứa hình con rắn… Doãn đùa: “Do tôi thích viết hai chữ này thế nên bạn bè gọi tôi là đồ "Nhẫn Tâm” Doãn!
Tuỳ thuộc vào từng loại chất liệu mà các bức thư pháp có giá khác nhau. Ông đồ Bùi Hiến bán một liễn giấy Việt Nam có đề thư pháp với giá khoảng 50.000 đồng, liễn giấy dó 100.000 đồng, liễn giấy bố khoảng 200.000 đồng. Trong khi đó, ông đồ Nguyên Doãn bán thấp hơn từ 20.000-30.000 đồng.
Những ngày Tết, hình ảnh ông đồ ngồi viết thư pháp xuất hiện hiếm hoi bên những con đường tấp nập người qua lại, lại nhớ đến những câu thơ của Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”… Lòng cảm thấy xao xuyến.
- Trần Duy