“Đây là loại sả có hương hoa hồng, kia là sả cho hương chanh, cây bạch đàn này có thể lấy tinh dầu...”, ông Nguyễn Quang Lộc chỉ vào từng cây quanh sân nhà và mê say giải thích.
Quả thật, nếu ông không nói thì khó ai có thể hình dung ra được mùi hương của chúng mà thoạt nhìn, cứ nghĩ ông trồng để làm kiểng. Có thể nói, ông Nguyễn Quang Lộc là một người đặc biệt trong lĩnh vực hương liệu, có chiếc mũi cực kỳ nhạy bén và một khả năng phân biệt mùi hương thật tuyệt vời ít ai sánh kịp.
Ông cho biết: “Trong ba cảm nhận quan trọng của con người, thì âm thanh và màu sắc đều đo được, còn hương vị là một cảm nhận không có số đo mà chỉ phụ thuộc vào chiếc mũi của con người, vì vậy việc chọn lựa và ứng dụng hương liệu thường do chuyên gia hương liệu quyết định thông qua sự ngửi và đánh giá của họ”. Ở các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam, người có khả năng này rất hiếm hoi, thậm chí ở nhiều nước, chuyên gia hương liệu được xem là “tài sản quốc gia”.
Bước vào thế giới thương hiệu
Ngay từ khi còn bé, ông Nguyễn Quang Lộc đã có thói quen thích phân biệt thế giới tự nhiên bằng… mũi, gặp bất kì cây cỏ nào ông cũng bứt vò và đưa lên mũi ngửi. Điều đặc biệt là ông có một khứu giác hết sức tinh tế, một sự cảm nhận thật tuyệt vời mà ít ai có được: nhớ và phân biệt được dạng cây và mùi hương.
Sinh vào năm 1938, so với nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, Nguyễn Quang Lộc có số phận kém may mắn, “không có vườn hồng tuổi thơ” như lời ông tâm sự. Chưa được 5 tuổi thì bố mẹ qua đời, một mình ông tự bươn chải kiếm sống trong thời buổi loạn lạc của chiến tranh. “Năm 14 tuổi, tôi buộc phải đi làm công làm công cho một xưởng sản xuất xà phòng ở vùng Núi Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đây cũng chính là thời gian tôi bắt đầu làm quen với thế giới hương liệu”, ông Nguyễn Quang Lộc kể lại.
Ở xưởng xà phòng, ông được giao nhiệm vụ chuyên trách về pha chế hương liệu. Nhờ những lần pha chế hương liệu đó đã tạo cho ông sự thích thú và sự cảm nhận đầu tiên về hương liệu trong ứng dụng, trước đây ông chỉ cảm nhận hương liệu từ thiên nhiên.
“Ngay sau khi mẻ xà phòng đầu tiên ra đời, tôi được chủ tặng cho một bánh xà phòng dùng thử. Mệt lả người sau một ngày làm việc, nhưng được tắm gội bằng xà phòng thơm, tôi vừa thấy thích thú, cảm giác cứ lâng lâng mãi. Thế giới hương liệu như một “ma lực” hấp dẫn lấy tôi”, giọng ông sôi nổi hẳn lên.
Đối với ông, đây mới thật sự là bước khởi đầu. Ông cho rằng, để phát huy được tối đa năng lực trời cho của mình thì cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn. Chính vì vậy, trong điều kiện vừa đi làm kiếm sống, ông cố gắng học xong bậc trung học để nâng cao kiến thức.
Năm 1954, Nguyễn Quang Lộc bôn ba ra Hà Nội với ước vọng học tiếp lên đại học, điều mà chàng thanh niên luôn khát khao vươn tới. Những năm đó, Hà Nội chưa có trường đại học, một lần nữa, ông lại đi làm công nhân cho một xưởng xà phòng tư nhân ở Hà Nội. Bản tính lanh lẹ cộng với tài năng sẵn có, ông nhanh chóng được đề bạt chức xưởng trưởng, trực tiếp gia hương cho xà phòng, đồng thời cơ hội mới lại mở ra cho ông: được tiếp xúc với hương liệu sản xuất kem đánh răng.
Với tư cách là một công nhân xuất sắc, năm 1957, ông được Tổng công đoàn Việt Nam cử đi học hệ trung cấp Hóa phân tích và Đại học Hóa hữu cơ. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về làm trưởng phòng kỹ thuật nghiên cứu cho Nhà máy xà phòng Hà Nội. Tại đây, ngoài phòng nghiên cứu của nhà máy, ông đã lập phòng thí nghiệm điều hương đầu tiên của Việt Nam, có điều kiện sưu tập các mẫu hương liệu và tinh dầu. Bộ sưu tập của ông lúc đó đã có trên 300 mẫu để làm vật đối chứng.
Những ngày đầu làm việc ở Nhà máy xà phòng Hà Nội, ông Nguyễn Quang Lộc may mắn được làm việc với “chiếc mũi” số một của đất nước Trung Hoa - kỹ sư Chu Bá Linh - chuyên gia hương liệu hàng đầu. Chính Chu Bá Linh đã phát hiện ra năng lực đặc biệt của Nguyễn Quang Lộc và mạnh dạn khuyên ông nên đến với lĩnh vực hương liệu. Từ Chu Bá Linh, Nguyễn Quang Lộc đã có những bài học kinh nghiệm đầu tiên về lĩnh vực mà mình sắp sửa dấn thân.
Vận may lại một lần nữa đến với ông, năm 1964-1965, ông được cử đi thực tập và tu nghiệp chuyên ngành hương liệu mỹ phẩm tại Bungari, nước có công nghiệp tinh dầu và hương liệu khá nổi tiếng. Nguyễn Quang Lộc được học thêm thực tế về kỹ thuật tinh dầu và và kỹ thuật sản xuất hương liệu, đồng thời được làm việc một cách có hệ thống trong các nhà máy ở Bungari. Điều quan trọng nhất là ông có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với các chuyên gia hàng đầu của xứ sở hoa hồng như tiến sĩ Nikolov, nhà điều hương số một của hãng Aroma - kỹ sư Hirinski, viện sĩ Staikov - giám đốc Viện Hoa hồng Kazanlik... Ông đã tiếp thu thêm nhiều kiến thức quý giá cùng cách làm việc có khoa học ở họ.
Về nước, ông giữ chức vụ trưởng phòng nghiên cứu cho nhà máy xà phòng và mở rộng thêm những xưởng tinh dầu, mỹ phẩm. Ngoài phụ trách về nghiên cứu, kỹ thuật, ông còn chuyên trách chế tạo hương liệu cho nhiều sản phẩm rất nổi tiếng tại miền Bắc lúc bấy giờ mà hiện nay nhiều người còn nhắc tới (khoảng trên 30 sản phẩm xà phòng thơm, kem đánh răng, mỹ phẩm).
“Năm 1975, tôi được cửa vào Sài Gòn làm giám đốc Nhà máy Viso (1975-1978), sau đó làm Tổng giám đốc Công ty Bột giặt miền Nam. Ngoài nhiệm vụ quản lý sản xuất kinh doanh, tôi đã thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển hương liệu Việt Hương, được cơ quan UNIDO của Liên hiệp quốc viện trợ 1,5 triệu USD” . Song rất tiếc những người kế nhiệm ông đã không thể tiếp tục phát triển trung tâm này.
Sau đó, ông Nguyễn Quang Lộc tự đứng ra thành lập phòng thí nghiệm tư nhân về hương liệu, lấy tên là Meko-Labor. Công ty TNHH thực phẩm và Hương vị Mekong được xây dựng từ năm 1995 chính là nơi để ông tiếp tục thực hiện công việc nghiên cứu hương liệu - niềm đam mê lớn của cuộc đời ông. Phòng nghiên cứu cũng là nơi lưu trữ như một bảo tàng hương vị của Việt Nam với trên 300 mẫu hương liệu.
"Tôi luôn học hỏi ở bất cứ nơi đâu"
“Mùi hương với âm nhạc và hội họa gần giống nhau, bởi vì ngoài kỹ năng, kỹ thuật ra, chuyên gia hương liệu phải có sự cảm nhận và năng lực sáng tác mùi hương. Trên thực tế, tôi phải học thêm kỹ thuật phối màu của hội họa, biết chút ít về âm nhạc phối khí để có sự liên tưởng. Âm nhạc có 7 nốt, nhưng âm giai của nó thế nào, bè này hợp với bè kia ra sao, trong hương liệu cũng phải sắp xếp như vậy, có khi người ta còn biểu hiện cường độ thơm của mùi hương theo từng cung bậc nữa”. Ông Nguyễn Quang Lộc dí dỏm so sánh.
Những điều tưởng chừng đơn giản ấy là cả quá trình học hỏi và phấn đấu không ngừng của ông. Ngoài năng lực khứu giác bẩm sinh, ông Nguyễn Quang Lộc còn có một trí nhớ xuất sắc và tạo ra sự nhớ có hệ thống. Ở ông, đó còn là quá trình tích lũy kiến thức về sinh học, công nghệ học, kể cả thương phẩm học về các nhóm hàng có sử dụng hương liệu… cùng khả năng sáng tác mùi thơm với những ý tưởng sáng tạo, hiểu biết về tâm lý con người và tự hoàn thiện về chuyên ngành hương liệu.
Quan trọng nhất là ông Nguyễn Quang Lộc đã khổ luyện ngửi mùi liên tục trong 40 năm nay, mà theo ông không khác gì luyện võ. Mỗi ngày, từ 5-7 giờ sáng, khi không khí còn trong lành, ông đều dành khoảng nửa tiếng hoặc một giờ để ngửi hương liệu. Theo ông, chỉ nên ngửi từ 2-3 mùi nhưng phải nhớ và phân biệt được chúng, để hôm sau ngửi và nhớ lại xem có như hôm trước hay không, cứ thế ngày nào cũng tập cho đến khi quen mùi thì thôi.
Cách nhớ mùi của ông theo một hệ thống: trước hết là nhận ra mùi thơm bằng cảm giác, sau đó nhớ xem cây đó thuộc họ gì, tinh dầu của nó gồm những chất nào, cuối cùng xâu chuỗi chúng lại với nhau. Chính cách học tập và làm việc một cách khoa học đã giúp ông nhớ trên 200 họ thực vật và trên 500 hợp chất tạo mùi hương, xứng đáng là một trong những chuyên gia hàng đầu về hương liệu ở Việt Nam. Đồng thời, sự khổ luyện cũng mang đến cho ông một di hại là chứng nhức đau đầu rất dữ đội mỗi khi phải ngửi nhiều mùi.
Cho đến bây giờ, khi gần đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn không ngừng tìm tòi nghiên cứu sách vở và ngửi mùi hương vào mỗi buổi sáng. Ông cho biết: “Tôi có thể học tập ở bất cứ nơi đâu, vào bất kì tình huống nào, trong lần di chuyển từ Bắc vào Nam tài sản quý nhất mà tôi mang theo bên mình cũng chính là các lọ đựng mẫu hương liệu”. Ông sưu tầm rất nhiều mẫu hương liệu, và tổ chức phương tiện để tự nghiên cứu, lưu mẫu.
Những điều kỳ diệu không ở đâu xa xôi mà ở ngay chung quanh chúng ta. Điều kỳ diệu ở ông Nguyễn Quang Lộc không có gì lạ lùng, nó được kết tinh từ tâm huyết của một người yêu nghề, gắn bó với nghề, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách trong lúc khó khăn nhất, cộng với ý chí học tập để hoàn thiện kiến thức, một sự lao động không mệt mỏi trong nghề nghiệp để tìm hướng đi cho riêng mình.
Vietnam Records Books