Cửa hàng xăng trên phố Yên Phụ trước giờ tăng giá. Ảnh: Kiều Minh. |
Cả người dân và đại lý đều bất ngờ
10h15, tại cửa hàng xăng dầu Thành Công 1A Láng Hạ (Công ty xăng dầu chất đốt Hà Nội) anh Trần Việt Hùng, nhân viên bán hàng cho hay: ''Chúng tôi vẫn bán theo giá đã quy định (và chỉ lên tấm bảng giá treo cao: xăng 92 không chì 7.5000 đồng/lít; xăng 90 không chì 7.300 đồng/lít). Đến thời điểm này, cửa hàng chưa nhận được thông báo sẽ tăng giá xăng dầu''.
Đến 12h trưa, tức là thời điểm quyết định tăng giá xăng, dầu
mỗi loại lên 500 đồng/lít có hiệu lực một số cửa hàng vẫn bán giá cũ bởi chưa nhận được thông báo nào.Chị Bùi Thị Toán, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Thành Công 1A Láng Hạ, cho VietNamNet biết: ''Sáng nay, tôi chưa nghe thấy thông tin này. Nhưng gần trưa, tôi nhận được điện là giá xăng, dầu tăng từ 12h trưa. Tuy nhiên, đến thời điểm này (12h10) vẫn chưa nhận được quyết định nên cũng không biết thế nào. Cửa hàng vẫn bán theo giá quy định (xăng 92 không chì 7.5000 đồng/lít; xăng 90 không chì 7.300 đồng/lít).
Mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 10.000 lít, với giá mới thì sẽ thu thêm 5 triệu đồng. Tuy nhiên, cửa hàng chỉ bán ăn theo số lượng còn giá cả là giá chung theo quy định và phải nộp trả lại. Hiện các doanh nghiệp xăng dầu vẫn lỗ khoảng 580 đồng/lít xăng; diezel lỗ 2.580 đồng/lít, mazút lỗ 747 đồng/lít''.
Lúc này, nhân viên của cửa hàng xăng dầu Thành Công 1A Láng Hạ và đại diện của Quản lý thị trường đã có mặt đầy đủ đợi quyết định. Đến 12h25, đại diện của Công ty xăng dầu chất đốt Hà Nội mới mang quyết định đến và tiến hành các thủ tục: kiểm kê hàng, thay đổi bảng giá.
Tại thời điểm xăng, dầu đã bán theo giá mới, nhiều người dân vẫn chưa biết thông tin này. Chị Nguyễn Thu Hằng ở Ba Đình cho biết, sáng sớm tôi mua đầy bình xăng nhưng không thấy nhân viên thông báo xăng tăng giá.
Đến 13h, đi với người bạn, cô ấy rẽ vào mua đã thấy tăng lên 8.000 đồng/lít. Thời gian gần đây, giá xăng tăng lên tiên tục. Mặc dù giá xăng dầu trên thế giới tăng nhưng tăng lên thế này nhanh quá. Không biết giá xăng còn tăng lên bao nhiêu nữa?''.
Ở Cửa hàng Xăng dầu số 11 (280 Đội Cấn, Hà Nội) cách thời điểm tăng giá 2 giờ, hầu hết khách hàng không biết. Chỉ có vài người nhìn bảng giá và lẩm bẩm: ''Xăng lại tăng lên 8.000 rồi!''.
Ông Nguyễn Đình Phận, cửa hàng trưởng cho biết: "Chính chúng tôi cũng vừa mới biết xăng tăng giá. Trưa nay nhận được lệnh, chúng tôi dừng bán để kiểm kê rồi áp dụng giá mới ngay sau đó. Sau 12h, công việc diễn ra bình thường; bảng giá được thay mới, ở mức 8.000 đồng/lít. Không khí mua bán xăng ở các cửa hàng bán xăng vẫn diễn ra bình thường.Theo ông Phận, sở dĩ có chủ trương tăng giá xăng ''bất ngờ'' như vậy là nhằm tránh tình trạng ''dừng bán'', gây xáo trộn tâm lý người mua như (từng xảy ra). Tuy nhiên, những người trực tiếp bán xăng cũng đã chuẩn bị sẵn nội dung để giải thích thắc mắc của khách hàng rằng: "Xăng tăng giá, cả Nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng cùng gánh trách nhiệm chứ không chỉ dồn cả vào người tiêu dùng".
Đau đầu nghĩ cách tiết kiệm
''Lương tăng không được bao mà hết mặt hàng này đến mặt hàng khác đua nhau lên giá. Nhà tôi có 3 xe máy, trước đây mỗi tháng mất tới trên 300.000 tiền xăng. Tháng này, chắc chắn số tiền mua xăng của cả nhà lại tăng. Mất một tháng lương rồi còn gì...'', bác Nguyễn Đức Thắng ở Nghĩa Tân, nói.
12h25 bảng giá mới được thay đổi tại cửa hàng xăng dầu Thành Công 1A Láng Hạ, Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Bác Đỗ Văn Cát, lái xe ôm, cho biết: ''Lần trước tăng giá xăng, giá xe ôm cũng phải điều chỉnh khiến khách hàng đã lên tiếng. Lần này lại tăng chúng tôi lại mệt mới khách hàng để giải thích.''
Một số người mua xăng khi biết mặt hàng này tăng giá thì chép miệng tiếc rẻ: ''Biết thế này thì mua xăng từ sáng''.
Anh Nghĩa (Cổ Nhuế) lại khẳng định: “Giá xăng tăng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống viên chức chúng tôi! Vì kéo theo xăng sẽ là một loạt dịch vụ khác lên giá!”. Chị Mai (Khu Đô thị Trung Hoà - Nhân Chính) mỗi tuần đổ xăng 1 lần, mỗi lần đổ 6 lít. Chị nói vui: “Xe mình “ăn” xăng kinh khủng lắm. Kiểu này phải… “moi” thêm tiền ông xã đổ xăng thôi!”.
Oanh (Hà Nam, ĐH KHXH & NV) nói: “Quen với câu “tăng giá” nhiều lắm rồi! Ra Tết bát phở tăng 1000đ, cơm canh cũng ồ ạt tăng theo… Bây giờ đến lượt xăng thì cũng dễ hiểu”. Hoa (SV Báo chí) phải đi lại suốt ngày, đổ xăng nhiều đến nỗi cây xăng đã nhẵn mặt. Cô than thở: “Chết mất! Xe mình đổ 10.000đ chỉ đi được 50 cây. Thế này thì nhuận bút chỉ để trả tiền xăng mất!”.
Duy (ĐH Thuỷ Lợi) chiều nào cũng đi xe máy đến trường. Trưa nay biết xăng lên 8000đ/lít, cậu tặc lưỡi: “Lại lên rồi à? Nhưng biết làm sao được, bây giờ cái gì cũng tăng mà! Chắc em không dám đi lại nhiều như mọi lần nữa!”
“Thị trường nó thế!”
“Bây giờ cái gì không tăng mới là lạ! Giá cả thị trường lên lên xuống xuống ào ào, chả biết đâu mà lần. Nhưng tăng 500đ thì cũng vừa phải” – chị Mai (P.Thanh Xuân Bắc) cho biết.
Đa số khách hàng đến Cửa hàng Xăng dầu số 11 đều không bất ngờ trước việc xăngtăng giá. Chị Đỗ Thị Tư (cán bộ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng quốc tế Liên Anh Thanh) cho biết: "Tăng giá xăng là hợp lý khi gần đây mặt hàng gì cũng tăng. Nhà nước cũng đã tính toán cả rồi; mình cũng phải chịu thôi. Đành bớt chi tiêu đi chút ít để bù tiền xăng xe vậy".
Ngay một số chủ phương tiện "ăn"xăng khoẻ như các loại xe ga, hay ôtô cũng có câu trả lời tương tự. Chị Hà (123 Kim Mã) sau khi đổ 1 bình xăng 60.000 đồng đã trả lời bình thản: ''Nhà nước tăng mình chịu. Mình làm kinh doanh, có ngày đi lòng vòng cũng hàng trăm km, mất 3-4 lít xăng, tiêu tốn vài chục nghìn đồng, nhưng mình lại làm ra để bù vào chi phí đó''.
Xăng tăng 500 đồng/lít, anh Hậu (Tổ chức Phát triển Hà Lan) phải trả thêm 27.000 đồng/lần đổ xăng (55 lít) cho chiếc ôtô của mình. Nhưng anh Hậu vẫn cho việc tăng giá này là hợp lý, khi mà Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ khá lớn cho giao thông như hiện nay. Theo anh, trong hoàn cảnh mặt hàng xăng đắt đỏ, người sử dụng xe nên hạn chế những việc đi lại không cần thiết.
Ngay cả giới SV vốn lúc nào cũng ca bài ca “tiền khô cháy túi” cũng cảm thấy không có gì bất ngờ, mặc dù nhiều người cũng cảm thấy… méo mặt. Nhất là với dân SV tỉnh lẻ đi xe máy thì tiền xăng hàng tháng cũng là vấn đề không nhỏ. Nhiều SV đã phải đi dạy thêm để hàng tháng nuôi “con xế” của mình.
Móc túi trả 10.000đ, dắt xe khỏi cây xăng, Thanh (ĐH KHTN) nói: “Cách một ngày mình phải đổ xăng một lần. Xăng tăng sẽ khiến túi tiền của mình “viêm” hơn. Nhưng nói chung là chấp nhận được.
Một người dân ở Kim Liên: “Xăng trên thế giới tăng thì xăng nhà mình cũng phải tăng thôi! Cứ xem trên TV thì biết đấy! Nhưng chỉ mong nhất một điều khi người ta giảm thì mình cũng phải giảm, chứ tăng là tăng mãi thì… chỉ chết chúng tôi thôi!”
-
Lệ Hà - Kiều Minh - Thu Trang