221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
631756
Nuôi lợn để cứu mình thoát nạn buôn người
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Nuôi lợn để cứu mình thoát nạn buôn người
,

(VietNamNet) - Theo một dự án được triển khai ở một số tỉnh sát các nước láng giềng, nhiều nạn nhân và chị em thuộc nhóm nguy cơ cao được hỗ trợ vốn vay, giống cây, vật nuôi để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, thoát cảnh bị lừa bán qua biên giới.

Một phụ nữ ở Quảng Ninh khẳng định: Nơi chị ở không còn hiện tượng buôn bán phụ nữ.

Muôn nẻo đường dẫn đến cảnh... bị bán

Chị Lương Thị Thoại (Yên Trạch, Cao Lộc, Lạng Sơn) làm nghề đốt củi lấy than bán đã bị người quen ở Lộc Bình rủ sang Trung Quốc trông hàng giúp và hứa trả lương cao. Sang đó chị mới biết mình bị lừa và tìm cách trốn thoát. Chị Thoại chỉ là một trong những ví dụ về tình trạng thiếu việc làm và trình độ thấp, nhận thức còn yếu dẫn đến bị lừa gạt.

Lạng Sơn: Theo thống kê chưa đầy đủ của các huyện, thành phố số phụ nữ bị lừa gạt và tự nguyện lấy chồng nước ngoài  (TQ) là trên 2.100 người, trong đó 405 phụ nữ và 68 trẻ em là nạn nhân của buôn bán người.

Bắc Giang: Có 1.758 phụ nữ và trẻ em  đi khỏi địa bàn nghi bị buôn bán sang Trung Quốc (số liệu của Hội Phụ nữ). Còn số liệu của Công an Bắc Giang thì từ năm 1998 đến nay, khoảng 3.000 phụ nữ và 12 trẻ em dưới 18 tuổi sang Trung Quốc, trong đó bao gồm cả số người bị lừa gạt.

Một số phụ nữ xa rời thực tế, ham thích cuộc sống sang giàu, an nhàn, nghe nói ''Trung Quốc thiếu phụ nữ, lấy chồng Trung Quốc thì sung sướng'' nên nhẹ dạ tin theo. Ở Lạng Sơn, có nhà 3-4 chị em gái lứa tuổi 37-38 đều sang Trung Quốc lấy chồng. Đó là chưa kể đến những trường hợp gia đình họ tộc tha hóa về đạo đức đã  lừa bán người thân như con dâu lừa bán mẹ chồng và 2 em cô (Thôn Tiền Phong, Hoàng Văn Thụ, Văn Lãng) hay anh gả em gái làm vợ người Trung Quốc (Quan Bản, Lộc Bình)...

Ở những tỉnh khác có biên giới hoặc có đường giao thông liền kề các nước láng giềng (Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan...) tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích thương mại hoành hành khá mạnh.Thêm vào đó, nhiều chị em phụ nữ Việt Nam di cư bất hợp pháp sang bên kia biên giới làm ăn hoặc ở lại kết hôn bất hợp pháp đã tạo nên nhiều bức xúc về mặt xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của một bộ phận phụ nữ cùng trẻ em.

Cứu mình bằng... nuôi lợn

Đây là giải pháp hữu hiệu đã được triển khai tại những tỉnh có biên giới sát với các nước láng giềng, có nhiều phụ nữ trở về và đông chị em thuộc nhóm nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Ở Lạng Sơn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn vay, giống cây, vật nuôi để phát triển sản xuất hoặc dạy nghề giúp nâng cao đời sống phụ nữ nghèo, hạn chế sự bị lừa gạt dụ dỗ buôn bán ra nước ngoài. 8 năm qua, Lạng Sơn đã tái hòa nhập cộng đồng gần 300 phụ nữ, thậm chí còn giúp một số chị tìm đối tượng lập gia đình, gây dựng cuộc sống hạnh phúc. 

Cụ thể, hàng chục nghìn phụ nữ nghèo đã được vay vốn tín chấp; khoảng 100 phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người trở về đã được dạy nghề may hoặc dệt thổ cẩm. Có trường hợp cả 3 mẹ con khi trở về đã được giới thiệu việc làm tại Hà Nội, hai đứa con lai hiện đang được các tổ chức phi chính phủ tài trợ ăn học. Những phụ nữ thiếu vốn kinh doanh cũng được tạo điều kiện vay vốn của dự án Tổ chức Di cư Quốc tế  IOM; quỹ cứu trợ trẻ em Anh; Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các chị sản xuất kinh doanh, ổn định dần đời sống.

Hay Bắc Giang đã tranh thủ được nguồn hỗ trợ cho 82 chị được vay gần 100 triệu đồng để phát triển sản xuất (trong đó có 15 chị là nạn nhân và 67 chị có nguy cơ cao); 130 chị được dạy nghề tạo việc làm (10 chị là nạn nhân và 120 chị có nguy cơ cao); thành lập 22 nhóm phụ nữ với 411 chị tham gia sinh hoạt (77 chị là nạn nhân  bị buôn bán trở về và 334 chị có nguy cơ, có người thân bị buôn bán).

Việc tạo điều kiện cho chị em phụ nữ là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao với nạn buôn người cũng là tiêu chí và mục đích của dự án ''Ngăn ngừa và chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của phụ nữ trong giải quyết vấn đề này'', do Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao  năng lực cho phụ nữ và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện, Quỹ Châu Á tài trợ. Dự án này triển khai từ năm 2003 ở Quảng Ninh, An Giang và đang mở rộng ra Cần Thơ. Có 6 xã thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Quảng Ninh và An Giang được dự án đầu tư. Các chị được vay vốn với mục đích trồng lúa và nuôi lợn, trong đó mức vay chủ yếu là 1-2 triệu đồng chiếm đến 56,6%. Theo nhiều chị, mức vay này là vừa phải, phù hợp với gia đình nghèo vì vốn nhỏ nhưng chắc, ổn định, độ rủi ro thấp, và lại theo các chị cũng chưa đủ kinh nghiệm để đầu tư quy mô lớn.

Ngoài mô hình tăng cường năng lực kinh tế thông qua vay vốn, dự án này còn chú trọng mô hình tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống buôn bán Phụ nữ và trẻ em. Kết quả, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, An Giang trước đó có 6 vụ BBPN&TE sang Campuchia, nhưng 2 năm gần đây không có vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em nào xảy ra. Còn ở Đầm Hà (Quảng Ninh) đến nay không có hiện tượng chị em nào bị buôn bán, kể cả những trường hợp khả nghi là buôn bán.

Bà Trương Thị Khuê, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ VN cho biết, từ hiệu quả của dự án này sẽ mở rộng sang các tỉnh khác, góp phần ngăn chặn việc phụ nữ trẻ em trở thành nạn nhân của việc buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. .

  • Kiều Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,