221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
639766
Sẽ thành lập cơ quan đón nạn nhân nạn buôn người
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Sẽ thành lập cơ quan đón nạn nhân nạn buôn người
,

(VietNamNet) - Bộ LĐTB&XH và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa hoàn tất Dự thảo đề án ''Tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về'' giai đoạn 2005 - 2010. Theo đó, sẽ giúp 15.000 nạn nhân tiếp cận các dịch vụ pháp lý, y tế, tài chính và việc làm để ổn định cuộc sống với kinh phí dự kiến 77,3 tỷ đồng.

Soạn: AM 398195 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Từ nước ngoài trở về, nạn nhân sẽ được cộng đồng giang rộng vòng tay

Tiếp nhận chu đáo

Dự thảo Đề án ''Tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về'' đề xuất: UBND các tỉnh, thành có cửa khẩu biên giới sẽ thành lập bộ phận tiếp nhận người bị buôn bán từ nước ngoài trở về do Bộ đội Biên phòng bàn giao.

Các nạn nhân sẽ được lo ăn, ở, cấp quần áo và chi phí thuốc men trong thời gian tối đa 15 ngày. Bộ đội Biên phòng sẽ tiến hành các thủ tục như: Lập biên bản tiếp nhận; tiến hành phỏng vấn để làm rõ nhân thân của các nạn nhân; Phối hợp với chính quyền địa phương để lập hồ sơ từng nạn nhân; Tổ chức khám chữa bệnh ban đầu cho các nạn nhân; Tổ chức xác minh, tiến hành gặp gỡ, làm việc với gia đình, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi nạn nhân cư trú...

Dự thảo đề ra mục tiêu cụ thể: Song song với việc xây dựng thoả thuận song phương với các nước láng giềng để đưa các nạn nhân bị buôn bán trở về, ở trong nước, các ngành liên quan, chính quyền địa phương, đoàn thể, gia đình sẽ có những bước chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận nạn nhân. Các nạn nhân sẽ được hỗ trợ những dịch vụ cần thiết ngay tại các cửa khẩu rồi tiếp tục được giúp đỡ để phục hồi quyền công dân, tiếp cận được các chính sách xã hội tại địa phương để sớm ổn định cuộc sống.

Bảo lãnh để người bị hại tố giác tội phạm và ổn định cuộc sống

Sau khi được phân loại đối tượng, nạn nhân của tội phạm buôn bán người sẽ được các cơ quan hành pháp bảo lãnh để tố giác những kẻ đã lừa gạt, bán họ qua biên giới. Tuỳ theo thẩm quyền, Bộ đội Biên phòng hoặc cơ quan Công an sẽ tiếp tục điều tra tội phạm để chuyển giao cho Viện Kiểm sát truy tố và đưa ra toà án xét xử.

Khi dự toà xử các vụ buôn người, nạn nhân có quyền được yêu cầu bồi thường. Riêng những người trở về bị nghiện ma tuý hoặc mắc bệnh xã hội sẽ được đưa đến các trung tâm giáo dục và lao động xã hội. Nạn nhân thuộc diện lang thang, không nơi nương tựa sẽ được chuyển vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Với nạn nhân có địa chỉ cụ thể, sẽ được trợ cấp tiền xe về nơi cư trú.

Theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Trưởng phòng Chính sách Phòng chống tệ nạn mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn XH (Bộ LĐ-TB&XH) - đơn vị xây dựng đề án, đa phần số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài đều ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn thấp, có hoàn cảnh gia đình éo le (chồng nghiện hút, đánh đập vợ con...), kinh tế gia đình khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế.

Khi quay trở về VN, các nạn nhân này rất khó hoà nhập vì không còn địa vị pháp lý của một công dân: bị xoá tên trong sổ hộ khẩu, chồng đi lấy vợ khác, đất đai nhà cửa không còn. Nặng nề hơn, họ phải chịu sự kỳ thị của chính gia đình và người thân. Họ thường không có chỗ ở, mang  con lai về không thể xin học, không tìm được việc làm mới, không dám đứng tên vay vốn... Họ thực sự trở thành người nghèo, là một đối tượng chính sách xã hội được nhà nước bảo trợ.

Soạn: AM 398197 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Trẻ em cũng là nạn nhân của bọn buôn người

Để các nạn nhân được hưởng các chính sách dành cho người nghèo, Đề án xây dựng một hệ thống các dịch vụ do chính quyền địa phương, ngành LĐ-TB&XH, đoàn thể đảm nhiệm để giúp họ tiếp cận được với các chính sách này.

Cụ thể, khi về địa phương, các nạn nhân sẽ được phục hồi các giấy tờ tuỳ thân, nhập lại hộ khẩu; được đảm bảo các quyền hợp pháp trong quan hệ hôn nhân: chia tài sản, nuôi con cái; được Hội Phụ nữ đứng ra bảo lãnh vay vốn làm ăn hoặc học nghề, giới thiệu việc làm; Chính quyền địa phương đảm bảo cho họ quyền có nơi ở; được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế theo diện người nghèo...

77,3 tỷ đồng cho một hoạt động nhân đạo

Bà Xuân cho biết, Đề án đặt ra mục tiêu: Từ năm 2005 - 2010 sẽ có 15.000 nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, y tế, tài chính, lao động việc làm để ổn định cuộc sống. Dự kiến, kinh phí để triển khai Đề án là 77,3 tỷ đồng được huy động từ ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ khác. Đề án đang được trình Chính phủ phê duyệt.

Ban soạn thảo đánh giá, đây là một hoạt động chính quy đầu tiên của Nhà nước nhằm hỗ trợ trực tiếp số nạn nhân của tội phạm buôn bán người tái hoà nhập cộng đồng. Hoạt động này cũng nằm trong Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, từ năm 2000 - 2004, tại tuyến biên giới Việt-Trung, các cơ quan chức năng đã phát hiện 127vụ/210 đối tượng phạm tội buôn người với hàng nghìn phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị bán qua biên giới. Với tuyến biên giới giáp Campuchia, đã xảy ra 217 vụ/1.395 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán hoặc xuất cảnh trái phép để hành nghề mại dâm. Cũng trong thời gian này, đã có 2.910 trường hợp bị phía Trung Quốc đẩy về (trong đó có 940 đối tượng bị lừa bán, còn lại là xuất cảnh trái phép với nhiều lý do).

Tại tuyến biên giới Tây Nam, đã có hàng nghìn trường hợp về nước. Uớc tính, đến năm 2005, số phụ nữ, trẻ em VN là nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về lên đến 10.000 người. Đáng lưu ý, những trường hợp trở về chủ yếu thông qua các con đường không chính thức (bị đẩy về, tự về và về được là do đường dây tội phạm bị phát hiện); các cơ quan nhà nước vì vậy rất khó đưa ra một chính sách hỗ trợ tập trung.

  • Thế Lê Vinh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,