Đơn giá một nhà vệ sinh ở xã Nam Phong, Nam Định diện tích 42 mét vuông, xây gạch cao trên 2m, đổ mái bằng, quét vôi tới gần 200 triệu đồng...
Nhà vệ sinh “sang hơn biệt thự”, sửa chữa đắt như xây mới
Nhà vệ sinh thế này được định giá tới gần 200 triệu đồng |
Thời gian gần đây, nhân dân xã Nam Phong (TP Nam Định) xôn xao về chuyện cựu chủ tịch UBND xã này là Phạm Văn Tuấn khi chuyển sang làm Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (TP Nam Định), đã để lại một khoản nợ 4 tỷ 162 triệu đồng cho xã (trong đó có những khoản nợ mà dư luận nhân dân hết sức “nghi ngờ”).
Nguyên nhân là do trước khi chuyển công tác, ông Tuấn đã gấp rút xây dựng một số công trình.
Trước hết xin nói về khoản nợ 190 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh tại trường trung học cơ sở Nam Phong.
Theo khảo sát của chúng tôi, nhà vệ sinh có diện tích 42m2, xây gạch cao trên 2m, đổ mái bằng, quét vôi. Một số chuyên gia xây dựng khẳng định nếu đầu tư tốt, công trình cũng chỉ hết 60 triệu đồng.
Vậy mà đơn giá xây dựng nhà vệ sinh này lên đến gần 4 triệu đồng/m2, tương đương giá xây dựng biệt thự loại sang. Không biết, những ai đã được “ăn theo” nhà vệ sinh này?
Tương tự, việc sửa chữa 12 phòng học (35-37m2/phòng) gồm: trát lại tường, lát lại nền bằng gạch hoa, làm lan can cầu thang, hiên và quét vôi cũng hết 352 triệu đồng.
Như vậy, đơn giá sửa chữa phòng học lên đến 0,8 triệu đồng/m2 (gần bằng giá xây dựng mới). Ngoài ra việc xây dựng sân khấu 50 triệu, sửa nghĩa trang: 117 triệu đồng...cũng chứa đựng nhiều ẩn số?
Có dấu hiệu “biển thủ” hàng chục triệu đồng của dân đóng góp
Trong năm 2002, để xây dựng nhà máy nước, xã Nam Phong có chủ trương huy động nhân dân đóng góp theo nhiều mức từ 600.000 - 1.200.000 đ/hộ. Đến cuối năm 2002, số tiền thu được là trên 900 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong sổ sách kế toán của xã lại chỉ thể hiện có hơn 600 triệu đồng. Khi nhân dân và một số cán bộ xã phát hiện, thì ông Đỗ Hữu Lâm, Phó Ban Tài chính xã biện bạch rằng đã cho nhà thầu “vay”?
Trong báo cáo kết sổ vào ngày 31/12/2004, số tiền trên cũng không được “nhắc đến”, vậy làm sao có thể nói là cho vay được!
Mặt khác, trong biên bản bàn giao của ông Tuấn với vị tân chủ tịch xã trước khi ông Tuấn đi làm chủ tịch phường Cửa Nam, số tiền được nói là “cho vay” trên cũng bị ông Tuấn “quên”.
Và một điều thật vô lý là bản thân UBND xã còn nợ ông Định (nhà thầu) rất nhiều tiền thì tại sao số tiền đó không được trả nợ luôn mà lại cho vay (?).
Sau khi bị phát hiện, những người có liên quan đã phải mang 300 triệu đồng bị bỏ ngoài sổ sách nộp vào Kho bạc thành phố Nam Định.
Trong bản tường trình, cả ông Vĩnh (thủ quỹ) và ông Lâm đều thú nhận: Việc bỏ ngoài sổ sách số tiền của dân đóng góp lớn như vậy là làm theo sự chỉ đạo của ông Phạm Văn Tuấn.
Không chỉ có vậy, trong cuộc kiểm tra sơ bộ của xã Nam Phong vừa qua cho thấy có tổng số 1833 hộ đã được mắc vòi nước.
Thế nhưng số tiền xã thực thu thể hiện trên sổ sách chỉ có 1.733 hộ (tổng thu khoảng 1 tỷ 250 triệu đồng), còn 100 hộ chưa nộp tiền cho xã. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu thì trong số 100 hộ mà xã cho rằng chưa nộp tiền thì đã có 30 hộ chứng minh được rằng họ đã đóng tiền cho ông Lâm, ông Vĩnh.
Điều đó chứng tỏ người dân đã nộp tiền nhưng không được nhập vào quỹ. Vậy ai đã biển thủ số tiền của dân?
Không chỉ “biển thủ” tiền của dân. Nhóm người này còn “nhập nhèm” khoản tiền trên 11,6 triệu đồng- tiền ủng hộ cho địa phương trong dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng (năm 2002).
Được biết, trước đó Bí thư Đảng uỷ xã đã chỉ đạo số tiền này phải đóng vào ngân sách. Vậy nhưng chúng đã “không cánh mà bay”.
Khi được hỏi, ông Lâm giải thích là đã chi hết. Nghịch lý thay, hàng loạt chứng từ chi mà ông Lâm đưa ra, được ghi từ năm 2001 (trước khi xã đón danh hiệu Anh hùng).
Ngày 6/6/2005, một lãnh đạo xã cho biết, xã đã họp và yêu cầu ông Lâm phải nộp số tiền trên vào ngân sách hạn cuối là ngày 10/6 nếu không xã đề nghị cơ quan công an vào cuộc.
(Theo Tiền Phong)