(VietNamNet) - Sau "sự cố" Rusalka, một trong 3 dự án resort lớn nhất của Khánh Hoà trong thời điểm này, VietNamNet đặt vấn đề về việc Khánh Hoà chuẩn bị đối phó với nạn đầu cơ đất ra sao khi dự án khu du lịch Bãi Dài (Bắc bán đảo Cam Ranh) đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, và thậm chí giới đầu cơ.
Không chỉ Nha Trang đang là "miếng mồi ngon", Khu du lịch Bãi Dài (Bắc bán đảo Cam Ranh) đang thu hút sự chú ý của giới kinh doanh du lịch trong và ngoài nước. Thậm chí cả giới đầu cơ cũng có mặt.
Nguồn tin riêng của VietNamNet cho biết: Nguyễn Đức Chi đã cho 2 người em đứng tên thành lập thêm các công ty để "liên doanh" xin đầu tư vào 27ha đất ở khu vực được đánh giá là "tuyệt đối hấp dẫn" này.
Bãi Dài (Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hoà) được xem là nơi có thể phát triển khu du lịch biển tầm cỡ quốc tế. Tỉnh Khánh Hoà yêu cầu mỗi doanh nghiệp đầu tư vào đây không dưới 1 triệu USD/ 1ha đất và phải đầu tư trên 10ha/ suất thì mới xem xét cấp phép. Ảnh: Hà Trường. |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh Hoà Võ Lâm Phi về việc Khánh Hoà đã chuẩn bị đối phó với hiện tượng đầu cơ đất vào Khu du lịch Bãi Dài như thế nào:
- Thưa ông, Khánh Hòa đã tuyên bố rằng đầu tư vào Cam Ranh không "chơi" với các DN có vốn dưới 10 triệu USD. Như vậy hiện tại với thực tế là vấn đề kiểm tra minh bạch tài chính DN ở VN vẫn chưa được rõ ràng thì Khánh Hòa làm cách nào kiểm tra được năng lực tài chính của DN?
- Vấn đề này có hai cách là tiền kiểm và hậu kiểm. Thông thường, nếu việc quản lý tài chính của Nhà nước được thực hiện một cách rõ ràng thì việc tiền kiểm rất dễ dàng. Chúng tôi chỉ yêu cầu anh cấp cho chúng tôi các văn bản để chúng tôi chứng minh năng lực tài chính của anh.
Thế nhưng ở đây phải thừa nhận rằng, công tác quản lý này chưa chắc chắn. Thí dụ hôm nay tôi đăng ký kinh doanh, tôi nộp vào kho bạc 10 tỷ để có giấy phép kinh doanh. Ngày mai tôi rút 10 tỷ này ra thì kho bạc phải cho tôi rút. Vì vậy, việc tiền kiểm trở nên không chắc chắn.
Cho nên chúng tôi chủ trương hậu kiểm. Nghĩa là trong việc thỏa thuận cho nhà đầu tư vào, chúng tôi có quy định về thời gian, tiến độ thi công. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng thời điểm thi công thì chúng tôi phải xem xét lại thỏa thuận. Đó là hậu kiểm.
- Theo cách giải thích của ông thì Khánh Hòa đang làm tất cả mọi việc để thu hút đầu tư vào đây. Như vậy tỉnh có đưa ra quy định riêng nào cho nhà đầu tư nếu muốn vào Bắc Cam Ranh? Thời hạn bao lâu sau khi được phê duyệt mà không đầu tư thì bị cắt dự án để tránh hiện tượng ngâm đất như đã từng xảy ra ở các địa phương khác?
- Trong phần thỏa thuận cho các nhà đầu tư lập dự án có quy định về thời gian. Trong thông báo đó, ở phần cuối chúng tôi có nói nếu không thực hiện đúng về mặt thời gian mà không có lý do chính đáng, UBND tỉnh sẽ thu hồi lại thỏa thuận này.
Tất nhiên, điều đó cũng không có nghĩa rằng cứ đúng đến ngày đó anh không làm thì tôi thu. Phải xem xét người ta có khó khăn nào không. Ví dụ như có anh làm xong lại muốn công ty tư vấn nước ngoài thẩm định lại hoặc sau đó, anh muốn điều chỉnh lại quy mô khác. Xét trong những điều kiện đó thì tỉnh phải thông cảm với nhà đầu tư.
Nhưng chúng tôi cũng thông báo rõ ngay từ đầu: khi chúng tôi thỏa thuận với anh về lập dự án thì trong thời gian anh chưa đầu tư, anh không được quyền chuyển cho một chủ khác.
Tôi giao cho anh, anh làm. Nếu trong thời gian anh làm, anh chuyển cho người khác thì chúng tôi thu hồi đất. Điều này để tránh tình trạng canh thổ để nhận đất rồi chuyển nhượng cho nhau trong khi bản thân không có gì để chuyển nhượng. Chúng tôi đã có quy định rất cụ thể về vấn đề này.
Giống như một số tỉnh bạn, hiện có tình trạng các nhà đầu tư năng lực yếu hoặc không thực sự có năng lực nhưng muốn đi chiếm đất để đầu cơ. Nhưng về phía Khánh Hoà, có thể khẳng định chúng tôi đã có quy định kiên quyết.
Đến thời gian nộp dự án mà chủ đầu tư chưa nộp, chúng tôi yêu cầu giải trình. Nếu không có lý do chính đáng thì chúng tôi thu hồi.
Ông Phi kể: Tại TP Nha Trang, UBND Tỉnh đang thu hồi hai dự án "với những vị trí thuộc loại đẹp nhất của Nha Trang".
Ông cho biết, hai công ty này cũng là hai công ty của Nhà nước, không phải của địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn, xin kéo dài nhưng sau một thời gian vẫn không làm được nên Tỉnh thu hồi lại.
"Lúc đầu các ảnh cũng có nêu vấn đề này nọ nhưng chúng tôi kiên quyết là những phần nào các anh chi phí hợp lý thì chúng tôi sẽ có vận động các nhà đầu tư sau hỗ trợ cho các anh chứ không phải là bồi thường, nhưng những khoản chi phí không hợp lý thì chúng tôi không chấp nhận.
Còn nếu các anh mà ỷ vào thế không giao lại đất cho tôi thì tôi ra quy định cưỡng chế, và khi đã ra quyết định này thì không hỗ trợ cho anh bất kỳ khoản nào và cũng không cho phép nhà đầu tư sau trả cho anh bất kỳ khoản nào kể cả khoản hợp lý của anh".
- Nghĩa là với biện pháp mạnh tay của Khánh Hòa thì ông có thể khẳng định với Khánh Hòa và nhất là Bắc Cam Ranh sẽ không có chỗ cho đầu cơ đất đứng chân?
- Cũng có thể là trong danh sách các nhà đầu tư này có thể có nhà đầu tư không đủ năng lực.
Nhưng nếu bây giờ nói thì hơi sớm. Chỉ khi nào người ta làm lên mà mình thấy là không kịp hoặc khi người ta lộ rõ ý đồ đó thì mình mới dám khẳng định.
Về phía tỉnh thì chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư nhưng kiên quyết với hiện tượng đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng.
-
Hà Trường - Việt Lâm
Việc VietNamNet đặt vấn đề với Tỉnh Khánh Hoà trong việc chống nạn đầu cơ vào khu vực Bãi Dài (Bắc Bản đảo Cam Ranh) có lý do của nó. Sau "câu chuyện Nha Trang", Cam Ranh, Vân Phong là hai vịnh biển nổi tiếng của tỉnh Nam Trung Bộ này mà VietNamNet đã khảo sát.
Ba vịnh biển là một hệ thống liên hoàn đang được gửi gắm nhiều hy vọng đưa nền kinh tế Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung phát triển.
VietNamNet sẽ lật lại hồ sơ Cam Ranh trong những kỳ tới.