221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
680348
Mất hai tay một chân, vẫn thi ĐH báo chí
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Mất hai tay một chân, vẫn thi ĐH báo chí
,

(VietNamNet) - Một mình lên Thủ đô ứng thí, Nguyễn Văn Bảy khiến phụ huynh khắp điểm thi ĐH Thuỷ Lợi ngạc nhiên, dù em tự lo liệu được sinh hoạt cá nhân, dùng hai cổ tay kẹp bút viết thoăn thoắt và tự tin còn hơn cả các bạn lành lặn.

Soạn: AM 478116 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Kẹp bút bằng hai cổ tay, Bảy có thể viết thoăn thoắt như người thường.

Bước qua nỗi đau da cam

Chính vì khuyết tật di chứng chất độc da cam mà Bảy sớm phải sống cảnh thiếu cha. “Khi thấy em như thế, ba em đã bỏ mẹ con em ra đi” - Bảy tâm sự. Không chỉ sống trong cảnh côi cút, nghèo nàn, Bảy còn sớm bắt đầu kiếp ăn xin.

Những năm cuối thập kỉ tám mươi của thế kỉ trước, người dân vùng Hoằng Phụ và nhiều xã khác trong huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) thường thấy một đứa bé gầy gò găm đôi tay xuống mặt đường làm điểm tựa, bò lê khắp trong làng ngoài xã để xin củ khoai, nắm gạo...

“Những lúc đi ăn xin qua trường học, thấy các bạn vui vẻ đến lớp, em thèm lắm và về xin mẹ cho đi học. Nhưng mẹ không cho vì nhà nghèo quá. Với lại mẹ em bảo, em đến lớp thì học như thế nào... Khi cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, em đã đến Trường Tiểu học Hoằng Phụ để xin học” - Bảy kể lại ngày đầu ước mơ đến trường với chúng tôi.

Khi Bảy đến Trường Tiểu học Hoằng Phụ, thầy hiệu trưởng Phạm Thiện đã rất ngạc nhiên về khả năng của em. Dù chưa qua trường lớp nào nhưng khi thầy đọc chữ gì, Bảy đều viết lại được ngay, bằng chính đôi tay không ngón của em. Nhờ tác động của thầy Thiện mà Bảy đã được gia đình và nhà trường nhận vào học, lúc em 11 tuổi.

Từ đó, trên con đường nhỏ đến Trường Tiểu học Hoằng Phụ lại xuất hiện một học sinh lúc bò, lúc nhảy lò cò hoà mình vào chúng bạn. Bảy hồn nhiên kể về cách đến trường chẳng giống ai của mình: "Vì em bị cụt một chân nên khi đi phải chống hai tay xuống để bò, lúc nào mỏi lại nhảy lò cò một chân”.

Nhưng nỗi khổ lớn nhất của Bảy trên đường tới trường  là những khi trời mưa gió, em phải vắt quần, áo lên cổ, chỉ mặc độc một chiếc quần cộc để khi lết dưới đường không bị bẩn hết quần áo. Đến lớp, Bảo lại mặc quần áo dài vào. Vậy mà các thầy cô ở trường Tiểu học và THCS Hoằng Phụ cho biết, trong suốt 9 năm học em không bỏ buổi nào.

Đến trường đã vậy, ở lớp Bảy cũng phải vượt qua vô số khó khăn. Việc khó nhất với em là làm sao giữ được bút cho thẳng, cho ngay ngắn chỉ với hai cổ tay. Nhiều khi vì cố gắng đánh vật với chiếc bút nhỏ bé mà đôi tay tật nguyền của Bảy tê dại, đau nhức, hằn lên những vết thâm tím. Mỗi lần ấy, hình ảnh căn nhà tranh dột nát lại hiện lên như thôi thúc em quyết tâm phấn đấu.

Sau hơn một năm học, Bảy cũng đã làm chủ được nét chữ của mình. Mười hai năm học, qua bao nhiêu kì thi, Bảy chưa một lần phải nhờ thầy cô  chiếu cố nâng kết quả học tập; và điều này đã thôi thúc em vững tin bước vào kì thi đại học.

Ước mơ làm nhà báo

“Khi thấy em làm hồ sơ đăng kí thi khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều người đã ngần ngại và lo cho em. Nhưng em đã quyết tâm, vì khi làm nhà báo em sẽ viết bài và có điều kiện để tìm cha; từ lúc ra đời em chưa được thấy mặt cha”.

Một mình lên Thủ đô ứng thí, thí sinh đặc biệt Nguyễn Văn Bảy khiến tất cả phụ huynh khắp điểm thi ĐH Thuỷ Lợi tò mò, thương xót và lo lắng. Dù em tự lo liệu được mọi sinh hoạt cá nhân, nhiều người vẫn tự nguyện tới đùm bọc cậu thí sinh tàn tật. Người cho Bảy ăn cơm, người giúp trả tiền trọ.

Trả lời câu hỏi "Em có biết là thi đại học rất khó không?“, Bảy cười hồn nhiên: " Em đã chuẩn bị kĩ, và sẽ cố gắng hết sức". Vừa nói Bảy vừa móc ra từ túi quần một viên đá và  giải thích: “Thi môn địa lý sẽ phải vẽ biểu đồ, em sẽ dùng viên đá này để giữ thước kẻ”.

Như để nhấn mạnh ý chí của mình, Bảy quả quyết: "Nếu năm nay không đậu, sang năm em lại thi tiếp vì đây là ước mơ của em. Em cũng đã liên hệ với Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật Hà Nội để tìm việc làm, và sẽ không phải xin tiền mẹ nữa”.

Khi chúng tôi tạm biệt Bảy, em lại cắm cúi với những quyển sách giáo khoa Văn - Sử - Địa để chuẩn bị bước vào cuộc đọ bút với các bạn đồng thi lành lặn.

Xem video clip tại đây

  • Thái Bình

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,