Nhiều người cho rằng, những nam bác sĩ sản phụ khoa bị "trơ" trước vẻ đẹp của phái nữ. Quan niệm như thế, bởi nhiều người thấy nam bác sĩ sản phụ khoa biết quá nhiều, thấy hết trơn mọi "ngóc ngách" của phụ nữ... đâm ra ngán! Có phải như vậy không?
Chúng tôi không bị "trơ"!
BS Lê Đức (bìa trái) với một sản phụ sinh khó |
Bác sĩ Lê Đức - Trưởng khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP.HCM) bộc bạch: "Nhiều người bạn hỏi tôi, ông khám nữ bệnh nhân mỗi ngày như vậy, "biết" nhiều quá ở phụ nữ, vậy có còn "cảm giác" nữa không, có bị "trơ" với phụ nữ không? Tại họ ngoài ngành nên nghĩ vậy, chứ với chúng tôi thì "cảm giác" ở bệnh nhân và "cảm giác" của những vẻ đẹp ở người phụ nữ bắt gặp ngoài đường, ngoài xã hội có khác nhau. Chúng tôi cũng là con người mà, cũng rung động trước những vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của nữ giới chứ"!
Còn nam bác sĩ Lý Thái Lộc (khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM - nơi chỉ có hai nam bác sĩ, còn lại 15 bác sĩ, hộ sinh đều là nữ) thì khẳng định: "Tôi vẫn thích nhìn vẻ đẹp của phụ nữ đó chứ"!
Éo le chuyện nghề
Có nhiều tình huống "đặc biệt", éo le mà nam bác sĩ sản phụ khoa gặp phải, như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn (khoa Sản A, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM). Bác sĩ Hoàng Tuấn có điều trị cho những cặp vợ chồng sinh con trai, gái theo ý muốn. Nhiều trường hợp nửa đêm bác sĩ Tuấn nhận những cú điện thoại, đầu dây bên kia là nữ bệnh nhân của anh hỏi: "Bác sĩ ơi, bác sĩ dặn em 11 giờ đêm "gần" chồng, nhưng đến giờ rồi mà ông xã em vẫn chưa về, làm sao đây bác sĩ"?
Hay như: "Bác sĩ ơi, ảnh về mà bị xỉn, lăn ra ngủ mất rồi, làm sao đây bác sĩ"?! Bác sĩ Tuấn nói: "Gặp những trường hợp như thế, bó tay luôn"! "Vậy anh trả lời như thế nào với nữ bệnh nhân của mình"? "Tôi bảo họ hãy đợi đến chu kỳ sau, chứ làm sao tôi "lấp chỗ" thay cho ông xã của họ được" - bác sĩ Tuấn trả lời!
Có trường hợp nữ bệnh nhân gọi bác sĩ Tuấn vào lúc đêm khuya để hỏi: "Bác sĩ ơi, bác sĩ dặn em 10 giờ "gần" ông xã, nhưng ảnh về bị trễ một tí, vậy có còn tác dụng không bác sĩ"? Khi nghe bác sĩ Tuấn trả lời "được", bên kia người vợ chưa kịp cúp điện thoại, mà vội quay sang nói với chồng: "Anh ơi, bác sĩ bảo được, được!"; đầu dây bên này bác sĩ Tuấn nghe rõ mồn một!
Ngoài ra, có những trường hợp nữ bệnh nhân "ái mộ" nam bác sĩ quá, nên cứ nhắn tin qua điện thoại di động suốt! Còn một số phu nhân của các nam bác sĩ thì tỏ ra "sốt ruột" khi có nữ bệnh nhân trẻ đẹp đến khám thường xuyên ở phòng mạch chồng mình. Bác sĩ Lê Đức nói vui: "Nhiều lúc bà xã thắc mắc: sao cô này ăn mặc quá đẹp, nước hoa thơm phức đến khám hoài vậy anh? Bà xã nói đùa, nhưng cũng để ngăn ngừa mình đấy".
"Bệnh nhân nữ tin tưởng chúng tôi..."
Bác sĩ Lê Đức nói: "Theo tôi, khi nam bác sĩ khám cho nữ bệnh nhân thì dễ đồng cảm với họ hơn là nữ bác sĩ, vấn đề là mình phải lịch sự và nghiêm túc (không phải cứng nhắc). Bệnh nhân nữ thường rất thích và tin tưởng, cũng như dễ "tâm tình", bộc bạch về bệnh tật của mình khi được nam bác sĩ chúng tôi khám...".
Phần lớn các nam bác sĩ sản phụ khoa đều cho rằng, các anh có một số lợi thế khi khám cho phụ nữ. Chẳng hạn, theo bác sĩ Bùi Đỗ Hiếu (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) thì: Nam bác sĩ dễ cảm nhận được những bất trắc ở bệnh nhân nữ, bên cạnh đó, nam bác sĩ dễ tâm sự, tư vấn cho các ông chồng của các chị em hơn về một số chuyện tế nhị... Chính vì thế, những phòng mạch của các nam bác sĩ sản phụ khoa chẳng những không bị "ế" mà còn rất đông khách!
Theo các nam bác sĩ, tác phong, thái độ của nam bác sĩ khi khám cho nữ giới là rất quan trọng (nhất là lần đầu họ đến khám). Bác sĩ Bùi Đỗ Hiếu thì cho rằng: "Cần tạo tác phong để bệnh nhân nữ tin tưởng và tôn trọng, không sỗ sàng, nhưng cũng không quá nghiêm, tạo sự căng thẳng cho nữ bệnh nhân...".
(Theo Thanh Niên)