(VietNamNet) - Chuyến "vi hành" về thị trấn này, Bộ trưởng TN&MT nghe dân kêu: Không sổ đỏ, không thể thế chấp đất vay vốn ngân hàng kiếm sống! Lý do: lãnh đạo địa phương tưởng phải chờ quy hoạch, "xếp xó" việc cấp sổ này bấy lâu nay.
Nhiều người dân Xuân Mai bày tỏ mong muốn được cấp ''sổ đỏ" sớm để có điều kiện phát triển kinh tế. |
Vỡ lẽ: Cấp sổ đỏ không cần chờ quy hoạch!
Buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường với thị trấn Xuân Mai (Hà Tây) trong chương trình kiểm tra đất đai chiều 10/8, ông Nguyễn Trọng Thường ( ở Tân Mai, Xuân Mai) ''kêu'': ''Chúng tôi chẳng biết lấy gì kiếm sống. Muốn vay tiền ngân hàng phát triển kinh tế, cũng không có nổi cái ''sổ đỏ'' mà thế chấp. Tôi được biết mục tiêu hết năm 2005 là cơ bản cấp xong ''sổ đỏ'' nhưng tôi không tin tưởng vào mục tiêu này. Rồi lại mỏi mòn chờ cấp ''sổ đỏ'' thôi...''
Ông Thường phân tích, Xuân Mai nằm trên địa hình không phì nhiêu lắm, đất ít người đông chưa có gì để đáp ứng phát triển kinh tế được. Ví dụ muốn chăn nuôi bò sữa thì phải có tiền để mua giống, 1 con bò giống khoảng 30 triệu đồng thì dân lấy đâu ra tiền nếu không có ''sổ đỏ'' mà thế chấp? Theo ông Thường, nếu không có sổ đỏ trong tay thì việc phát triển kinh tế đối với dân chỉ là trong mộng!
Một trong nhiều mảnh đất giá trị bị để hoang hóa ở Xuân Mai. |
Một thực tế đáng buồn là hiện Xuân Mai mới thực hiện cấp được 16% Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đối với đất ở; đều là giấy cũ. Giấy mới thì chưa cấp được cho trường hợp nào vì chính quyền... ''vướng'' chuyện quy hoạch.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, chủ tịch thị trấn Xuân Mai cho biết, Xuân Mai được Chính phủ quy hoạch nằm trong chuỗi đô thị Hòa Lạc- Xuân Mai- Miếu Môn và dự án đường Hồ Chí Minh nên việc quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện được. Theo ông Ngọc thì đây là nguyên nhân dẫn đến việc cấp ''sổ đỏ'' cho dân bị ngưng trệ dù nhu cầu của dân rất bức thiết.
Cán bộ địa chính của thị trấn - anh Nguyễn Như Vân cũng phân tích, do địa giới hành chính Xuân Mai quá rộng, các cơ quan hành chính chưa có ranh giới rõ ràng, ranh giới giữa các chủ sử dụng đất cũng khó phân biệt... nên chậm cấp ''sổ đỏ'' cho dân.
Nhận định này bị ông Lê Xuân Thưởng, một người dân ở thị trấn Xuân Mai ''bác'' lại: ''Theo tôi, việc cấp ''sổ đỏ'' ở Xuân Mai chậm là do nhận thức và hướng dẫn của tỉnh, huyện chưa cụ thể. Nếu nắm chắc Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì sẽ thấy việc cấp ''sổ đỏ'' không liên quan gì đến quy hoạch. Mong Bộ trưởng chỉ đạo đất chúng tôi ở ổn định, không có tranh chấp thì cấp ''sổ đỏ'' để chúng tôi ổn định cuộc sống, không việc gì phải bắt chúng tôi chờ quy hoạch''.
Bộ trưởng Mai Ái Trực ''xử lý'' ngay tại chỗ: nếu không có quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch thì cứ cấp GCN, Luật Đất đai không quy định những nơi không có quy hoạch thì phải chờ có quy hoạch mới cấp GCN cho dân.
Ngay trong buổi trao đổi, Bộ trưởng Trực cũng đề nghị những người có mặt đã được cấp GCN thì giơ tay, chỉ có 1 cánh tay duy nhất giơ lên (cả phòng có khoảng 40 người) . Bộ trưởng Trực nói: ''Địa phương hiểu Luật Đất đai như vậy là có vấn đề rồi, dân (ông Thưởng-PV) hiểu thế là đúng, các đồng chí hiểu vậy là thiệt cho dân và cho chính các đồng chí!''.
''Lừng khừng'' quản lý đất công
Ông Nguyễn Thanh Bình (khu Tân Bình, thị trấn Xuân Mai) nêu, Xuân Mai hiện có nhiều đất công chưa sử dụng vào mục đích gì; nhiều nơi để hoang hóa. ''Mong Bộ trưởng đề nghị với Chính phủ cho thuê hoặc đấu thầu vì đó là những mảnh đất có địa thế rất giá trị, đỡ lãng phí trong việc để không, lại còn mất nhân lực trông coi'' - ông Bình đề nghị.
Chủ tịch UBND Thị xã Xuân Mai Nguyễn Minh Ngọc: ''Đất ở Xuân Mai mới cấp được 16% do ''mắc'' quy hoạch''. |
Chung ý này, ông Nguyễn Văn Thắng (thị trấn Xuân Mai) cũng phản ánh, Xuân Mai còn một số đơn vị cơ quan quản lý đất không hiệu quả, theo Luật đất đai phải chuyển giao lại cho địa phương nhưng lại chưa bàn giao.
Người dân cũng nêu những hiện tượng các đơn vị tự phân đất để sử dụng sai mục đích, hay trường hợp lấn chiếm đất hoang hóa... Ý kiến của đại diện dân Xuân Mai cho rằng, nếu thu hồi những khu đất sử dụng không hiệu quả, cho thuê các khu đất để hoang sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nguồn nhân lực thiếu việc làm ở Xuân Mai đang ngày càng đông.
Số liệu của UBND thị trấn Xuân Mai, cấp GCN đối với đất cho các cơ quan đơn vị cũng mới chỉ đạt 32%. Theo như giải thích của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Tây, hiện Xuân Mai có hơn 30 đơn vị ''đóng đô'' với diện tích đất rất lớn. Tuy nhiên, tỉnh Hà Tây mới làm chỉ giới và thực hiện cấp GCN được hơn 10 cơ quan, còn những vấn đề người dân nêu sẽ được báo cáo với lãnh đạo tỉnh để xử lý kịp thời.
Bộ trưởng Mai Ái Trực: "Cấp ngay sổ đỏ cho mọi loại đất đủ điều kiện ở Xuân Mai!" |
Thưa ông, ông đánh giá thế nào trước việc lãnh đạo địa phương còn ''lúng túng'' trong thi hành pháp luật đất đai dẫn đến việc cấp ''sổ đỏ'' cho người dân bị ngưng trệ?
- Cấp GCN của Xuân Mai, bên cạnh mặt tốt là cấp 100% GCN cho đất nông nghiệp, cấp GCN cho đất ở mới chỉ đạt 16%, cho tổ chức đạt 32% là thấp,. Đáng tiếc nhất là thời gian gần đây không thực hiện cấp ''sổ đỏ''.
Nguyên nhân chính là do địa phương còn lúng túng trong hai việc: thứ nhất, cho rằng Xuân Mai nằm trong chuỗi đô thị nên đợi có quy hoạch mới cấp giấy - tư tưởng như vậy là chưa rõ. Thứ hai, chưa nhận thức đúng về Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Luật Đất đai đã quy định rất rõ: đất chưa có quyết định thu hồi mà có giấy tờ hợp lệ thì có phù hợp hay không phù hợp với quy hoạch cũng vẫn phải cấp ''sổ đỏ''. Theo ông, cần giải quyết sự ngưng trệ trên như thế nào? Đề nghị khắc phục ngay việc cấp GCN theo đúng điều Điều 50, điều 87 của Luật Đất đai và điều 48 trong Nghị định 181. Không thể nói Xuân Mai chưa có quy họach thì không thể cấp GCN được! GCN rất quan trọng đối với cả người sử dụng và đối với cả cơ quan quản lý, vì nếu cấp GCN sẽ không dẫn đến tranh chấp hoặc nếu có thì chỉ việc đưa ra tòa xử lý. Về tình trạng giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả và để hoang hóa đất ở Xuân Mai, theo Bộ trưởng cần phải xử lý như thế nào? Nhà nước giao đất thì phải quản lý, để lấn chiếm là có vi phạm của người lấn chiếm và cả của người quản lý. Cần làm ngay việc cấp GCN để nếu xảy ra vi phạm thì cứ việc quy ra tiền mà xử lý, không có chuyện để mất vài ngàn m2 đất mà không bị đi tù! Đối với việc quản lý đất công chưa có chủ thì rõ ràng người quản lý là xã chứ ai. Luật đã quy định rõ ràng sao còn chờ cho phép, đất công ích thìxã không được giao nhưng cứ việc đem cho đấu thầu trong vòng 5 năm. Xin cảm ơn Bộ trưởng! |
-
Kiều Minh (thực hiện)