(VietNamNet) - Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TW (PCLB) vừa có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh trọng điểm nằm trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 7 hoãn ngay các hội nghị để tập trung chỉ đạo đối phó, đặc biệt là sẵn sàng di dời dân và cứu hộ đê biển.
Bão số 7 sẽ có phạm vi ảnh hưởng rộng và nguy hiểm. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13h chiều nay (23/9), vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 117,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật trên cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực đông bắc Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh.
Để đối phó với cơn bão số 7, chiều nay, Ban chỉ đạo PCLB TW đã tiến hành họp khẩn cấp để tìm các biện pháp đối phó với cơn bão nguy hiểm này. Ban chỉ đạo đã yêu cầu các Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tây, Hải Dương, mỗi nơi xuất 10.000m² vải bạt chống sóng trong kho dự trữ chống lụt bão để ứng cứu cho hai TP là Nam Định và Hải Phòng. Đồng thời, Ban chỉ huy các tỉnh cũng bố trí phương tiện vận chuyển đến UBND thành phố Nam Định, Hải Phòng trước 17h ngày 23/09/2005.
Ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW nhắc nhở, cơn bão số 6 vừa qua đã làm 24 người chết, gây thiệt hại vật chất tới 340 tỷ đồng. Song, số người chết do trong khi bão xảy ra không lớn, nhưng số tử vong sau đó lại tăng lên do lũ quét hoặc lỡ đất. Do vậy, ông Ngọ đặc biệt lưu ý các ban chỉ huy, các địa phương lưu ý điều này và phòng tránh trước cơn bão số 7, có thể đổ bộ trong hai ngày nghỉ tới.
Hồi 11h trưa nay, Ban Chỉ huy PCLB TW cũng đã có Công điện khẩn số 68 và 69 gửi Ban chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; Ban chỉ huy PCLB các Bộ Thủy sản, GTVT.
Công điện khẩn nêu rõ: Các tỉnh cần thông báo cho ngư dân, các chủ công trình trên biển và chủ các phương tiện có tàu, thuyền còn hoạt động trên biển chủ động di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; Khẩn trương sửa chữa, gia cố những vị trí sạt lở, hư hỏng của đê biển do cơn bão số 6 gây ra.
Đối với khu vực cửa sông, ven biển, cần rà soát để chủ động di dời dân ở những vùng trũng, khu vực nuôi thủy sản, vùng khai thác khoáng sản. Đồng thời, cần lên kế hoạch chuẩn bị các phương án bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, bến cảng, đê biển, các công trình đang thi công.
Đối với khu vực miền núi, theo dõi sát tình hình mưa lũ để thông báo kịp thời cho nhân dân và di dời dân ra khỏi những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cục bộ, sạt lở đất. Có biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa. Các tỉnh cũng cần tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa với phương châm "Xanh nhà còn hơn già đồng", tiêu nước chống úng cho lúa và hoa màu nơi trũng, thấp, vùng có nguy cơ ngập úng.
Ban chỉ huy PCLB TW yêu cầu các cơ quan thường trực Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, Ban chỉ huy PCLB - Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành và các địa phương duy trì các lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, tham gia xử lý, ứng cứu, xử lý các tình huống. Đây là một cơ bão có phạm vi ảnh hưởng rộng và di chuyển nhanh. Vì vậy, ở những vừng trọng điểm cần hoãn các hội nghị để tập trung chỉ đạo, nhất là sẵn sàng di dời dân và cứu hộ đê biển.
Trong hai ngày nghỉ yêu cầu bố trí phân công lãnh đạo trực tiếp kiểm tra, đôn đốc để kịp thời đối phó những tình huống xấu có thể xảy ra.
-
H.Yên