221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
711428
Chuyện các Hiệp sĩ sông Lô cứu nạn
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Chuyện các Hiệp sĩ sông Lô cứu nạn
,

Mùa lũ, sông Lô cướp đi bao sinh mạng con người. Chứng kiến nỗi đau ấy, những người dân nghèo vạn chài ven sông tập hợp thành một nhóm cứu hộ, cứu nạn trên sông.

Soạn: AM 562795 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một số đội viên cấp cứu Chữ thập đỏ sông Lô, Tuyên Quang trên đường đi cứu nạn trở về (ông Tỵ đứng thứ 2 từ trái qua).

Người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Đội cứu hộ Chữ thập đỏ sông Lô là “người hùng sông nước” Nguyễn Văn Tỵ. Đội cứu hộ này đã được quốc tế công nhận vì những thành tích hoạt động nhân đạo. Người dân Tuyên Quang tự hào và ví họ là những “hiệp sĩ” sông Lô.

Có lẽ sải tay ông đã bơi trên khắp con sông tính ra hàng ngàn cây số. Ngoài vinh dự trở thành một tình nguyện viên Chữ thập đỏ quốc tế, ông còn đứng hàng số 13 trong tổng số 105 tình nguyện quốc tế, đại diện tiêu biểu cho 105 triệu tình nguyện viên nhân đạo quốc tế ở 178 quốc gia. Người dân Tuyên Quang quê ông tự hào vì ông, đã có người từng ví ông là “người hùng” sông Lô.

Hình ảnh ông Nguyễn Văn Tỵ cùng các hội viên cấp cứu Chữ thập đỏ của đội cứu hộ sông Lô Tuyên Quang vật lộn trên dòng Lô mỗi mùa nước lũ cứu người gặp nạn đã trở nên quen thuộc với dân xóm vạn đò dọc dòng sông Lô.

Người dân thị xã Tuyên Quang quê ông năm nào cũng phải sống chung với lũ. Ngấn lũ thành vệt ở mỗi ngôi nhà, ngách phố trong thị xã. Dòng nước hung bạo đổ từ rừng đầu nguồn về ngập cả phố phường, cánh đồng cuốn phăng mọi vật cản dòng chảy và cũng là nguyên nhân gây tang tóc cho bao gia đình ở đây. Nhìn thấy đồng loại bị dòng sông Lô cướp đi mạng sống, ông Tỵ âm thầm lao vào dòng nước xoáy, âm thầm làm việc thiện cứu người.

Chúng tôi gặp ông tại nhà riêng nằm cách bờ sông Lô chừng trên 100m. Ông niềm nở, dân dã như dân vạn chài. Gian phòng khách được bài trí giản dị. Trong tủ kính bày đầy những bộ huy chương vàng, bạc, đồng về thành tích thi đấu bơi lội của ông, cùng hai bức ảnh ông chụp kỷ niệm cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ở tuổi 63, trông ông còn rất tráng kiện, khỏe mạnh. Trước đây, ông vốn là một tài xế xe khách.

Mỗi chiều, sau giờ làm việc, bố con ông thường ra dòng sông Lô tắm. Một ngày nọ, nghe tiếng kêu cứu của một nạn nhân đang chới với giữa dòng sông, ông đã nhanh chóng lao ra cứu và đưa họ trở về với cuộc sống. Thế là cái nghiệp cứu nạn bám lấy ông từ đó. Mỗi khi có người gặp nạn trên dòng sông Lô là có ông Tỵ ở đó, không nề hà cũng không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Nhiều lần, dù trời rét thấu xương nhưng thấy người nhà nạn nhân đến khóc lóc báo tin dữ là ông uống vội bát nước mắm rồi ngụp lặn tìm xác nạn nhân. Ông bảo: Lúc đó, tình người đặt lên trên tất cả, trong thâm tâm mình cũng không nghĩ đến trời rét nữa.

Đến nay, ông Tỵ đã vớt hàng trăm con người xấu số bị dòng sông nhấn chìm. Còn số người được ông cứu thoát khỏi lưỡi hái của “thủy thần” trở về với cuộc sống thì ông cũng không nhớ nổi. Hiểu tính cách của dòng sông Lô mỗi mùa nước lũ, từng luồng lạch, từng vực xoáy ông đều biết, chính vì thế số người mất tích do lũ đều được đội cứu hộ sông Lô của ông tìm thấy. Ông thủng thẳng nói: “Việc cứu người luôn đòi hỏi phải có tâm, làm việc một cách vô tư. Nhờ giời mình vẫn còn khỏe mạnh để có thể tiếp tục cứu giúp mọi người. Và tấm Huy chương cao quý nhất không tên là sự tin tưởng của cộng đồng, của người thân và bạn bè vào việc làm của mình".

Ngày đầu đi làm công tác cứu hộ, vớt xác nạn nhân chết đuối, nhiều người cho ông là “hâm”. Còn ông thì nghĩ đơn giản đó là cái tình người ở đời. Âm thầm làm việc rồi ông cũng thay đổi được suy nghĩ không cứu người chết đuối của dân vạn đò. Không những thế, nhiều người trong số họ đã trở thành hội viên cứu hộ tích cực của đội. Và để giúp cho các đội viên của mình yên tâm gắn bó với công việc nhân đạo này, ông Tỵ động viên tinh thần và tìm mọi các để giúp cho họ có cuộc sống khá hơn.

Đội viên Đào Văn Thắng, 53 tuổi, từng đưa không biết bao người gặp nạn trở về với cuộc sống vốn là dân vạn chài từ chỗ chạy ăn từng bữa nay đã mua đất xây được ngôi nhà khang trang, con cái được ăn học đàng hoàng. Ông Thắng bảo: tất cả là nhờ sự năng động của ông Tỵ đấy. Ngoài thời gian tham gia công việc của đội, bác ấy đã tổ chức sắp xếp, liên hệ với các chủ hàng cho anh em nhận bốc vác tại bến sông này để có thêm thu nhập, lại vừa có điều kiện thường trực ứng cứu kịp thời những tai nạn xảy ra trên sông nước.

Ông Tỵ quan niệm cứu hộ, cứu nạn là việc làm cần thiết. Nhưng để giảm thiểu số tai nạn do sông nước không gì bằng phải “xã hội hóa” giáo dục về sông nước. Biện pháp hữu hiệu nhất là dạy bơi cho mọi người, nhất là thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Ngoài những thành tích và kinh nghiệm trong bơi lội, cứu hộ cứu nạn đã được Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam công nhận, là tình nguyện viên Chữ thập đỏ quốc tế, được tặng Huy chương vàng và chứng chỉ cứu đuối cao quý của Australia, ông còn viết sách dạy cứu đuối. Sách đã được in ra nhiều thứ tiếng.

Ông Tỵ không thể nhớ nổi mình đã dạy cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng hầu như đã “phổ cập” về bơi lội cho con em các dân tộc ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Vùng sâu, vùng xa, nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống đã được thầy Tỵ đặc biệt quan tâm và giảng dạy nhiệt tình. Cũng từ ông, tất cả 6 huyện, thị xã của tỉnh Tuyên Quang đều có hội chữ thập đỏ và nhiều đội cứu hộ, cứu nạn với hàng nghìn hội viên.

Từ một tổ chức tự phát làm việc thiện được cộng đồng cổ vũ, rồi được tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, được các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ phương tiện máy móc, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn, đến nay đội đã có tài khoản, có con dấu riêng, 34 hội viên khi làm việc cứu hộ được trả lương 25.000đ/ngày, buổi tối trực được bồi dưỡng. Ông Tỵ còn cho chúng tôi hay, hiện Đội cấp cứu Chữ thập đỏ sông Lô - Tuyên Quang là một trong những đội cứu hộ mạnh nhất khu vực miền núi phía Bắc. Nhiều tỉnh bạn như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ cũng học tập mô hình này của Tuyên Quang.

Cùng ông Tỵ đi dạo trên bờ sông Lô trong mùa nước cuồn cuộn chảy, ông bảo: “Đội cứu hộ sông Lô lại sắp vất vả rồi”. Nhưng trên gương mặt ông tôi không thấy sự lo lắng, ông vẫn cười bình thản. Có lẽ ông tin vào những gì ông và các đồng đội của ông đã làm, đã gầy dựng trong bao năm qua có thể giúp người dân quê ông vượt qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Điều đó theo tôi mới chính là niềm hạnh phúc, là mục đích lớn của ông cũng như của đội cứu hộ chữ thập đỏ sông Lô.

(Theo SGGP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,