(VietNamNet) - Báo cáo mới nhất từ Ban chỉ đạo PCLB TW hôm nay (28/9) cho biết, tính đến 21h đêm qua, bão số 7 đã làm 2 người bị chết: một người tại Cẩm Phả - Quảng Ninh do đi đãi than trong thời gian có bão, một người Thanh Hoá bị ngã khi chằng chống nhà.
Kiên quyết di dời dân tránh bão là biện pháp thành công hạn chế tối đa thiệt hại về người do cơn bão số 7. |
Bên cạnh đó, bão số 7 cũng làm 10 người bị thương, trong đó Quảng Ninh 3 người; Thanh Hoá 5 người (do cột điện đổ) và Nghệ An 2 người. Khi tâm bão đi qua gió tạm lặng, có 3 người dân quay trở lại khu vực ngoài đê Bình Minh 2 của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã bị mất tích. Đến 18h tối qua, bộ đội biên phòng đã triển khai tìm kiếm và đưa được 2 ngươi quay trở lại.
Theo ban chỉ huy PCLB TW, tổng hiệt hại ban đầu về vật chất do cơn bão số 7 gây ra như sau: vỡ 275m đê biển (Hải Phòng 50m, Nam Định 200m, Thanh Hoá 15m); sạt lở 54.055m (Nam Định 1.250m, Thái Bình 3.500m, Ninh Bình 725m, Thanh Hoá 18.580m, Nghệ An 30.000m). 668 cột điện, điện thoại bị đổ; 966 căn nhà bị đổ, sập; 9.468 căn nhà bị tốc mái. Ngoài ra, số phòng của các trường học, bệnh viện, trạm xá bị đổ, tốc mái hư hỏng lên tới gần 260 phòng.
Tại Nghệ An, 40 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, sạt 7.000m kênh mương (7.000m3); Hà Tĩnh sạt lở 450m3 kênh mương. Nghệ An cũng hư hại 100km đường.
Thống kê tổng hợp ban đầu cho biết, thiệt hại về diện tích nuôi trồng thuỷ sản là rất lớn. Đã có 2.245ha đầm nuôi tôm bị ngập, trong đó Thái Bình 2.200ha, Nghệ An 45ha. Riêng các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, toàn bộ vùng ngoài đê bị ngập, đến nay chưa có số thống kê chính thức. Bên cạnh đó, gần 60.400ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập, tập trung nhiều nhất tại Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình.
Bão số 7 là cơn bão mạnh gió cấp 12, giật trên cấp 12, thuỷ triều cường lên từ 1 giờ, đạt đỉnh triều lúc 9 giờ và duy trì dài đến 13 giờ. Khi vào đất liền bão duy trì gió mạnh kéo dài suốt 12 tiếng từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa đã làm nước biển dâng cao và sóng mạnh dữ dội cao trên 10m. bão số 7 diễn ra trong khi hậu quả của cơn bão số 6 và các cơn bão trước chưa kịp khắc phục.
Song, theo ông Đặng Quang Tính, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCLB, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan cộng với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền các cấp và sự chủ động phòng tránh của nhân dân nên đã hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Chưa bao giờ công tác chuẩn bị lại quyết liệt và làm nhiều việc, làm tất cả những gì trước và trong bão.
Đó là việc sơ tán triệt để nhân dân ở vùng nguy hiểm. Đây là chiến dịch sơ tán lớn nhất trong phòng chống thiên tai, nên không có thiệt hại về người; đã đưa và sắp xếp toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh nên không có tàu thuyền bị đắm ngoài khơi và trong khu neo đậu; đã huy động tối đa lực lượng quân đội, công an và lực lượng xung kích địa phương cùng với các loại vật tư, phương tiện đã được huy động như một chiến dịch lớn từ TW và các tỉnh bạn để hỗ trợ cho các tỉnh ven biển để ứng cứu đê biển.
Tuy nhiên, do bão quá mạnh nên thiệt hại về cơ sở vật chất là rất nặng nề, đặc biệt là các tỉnh ven biển.
Ông Tính đánh giá, qua việc đối phó với cơn bão số 7 rút ra bài học thành công trong công tác chỉ đạo và phối hợp lực lượng; đồng thời cũng bộc lộ một số mặt tồn tại cần khắc phục như vấn đề đầu tư cho đê biển, vấn đề vật tư, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cần phải từng bước tăng cường mới có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác PCLB.
Thời gian tới, công việc tiếp tục được Ban Chỉ đạo triển khai là cứu đói cho dân, giúp dân ổn định đời sống, dựng lại nhà cửa, khôi phục trường học, trạm xá, trụ sở, kho tàng, hệ thống lưới điện, điện thoại và giao thông; Xử lý môi trường, sớm ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân đi sơ tán trở về; Khôi phục hệ thống đê biển và khôi phục sản xuất.
-
Hà Yên