221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
712158
Hậu Lộc lúc... đê vỡ
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hậu Lộc lúc... đê vỡ
,

(VietNamNet) - Đê vỡ. Nước biển tràn vào ồng ộc trong mọi ngóc ngách các làng chài Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc (Thanh Hoá). Cả làng rầm rập chạy nước. Nước mắt, nước mưa hoà trong nước biển mặn mòi khi mắt bão đi qua...

Soạn: AM 565588 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trốn bão...
 
Tại ''Đại bản doanh'' phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi nghe Phó Chủ tịch - Trưởng ban PCBL tỉnh Mai Văn Ninh ''hét'' qua điện thoại di động: ''Bão mạnh thế này, không giữ được đê đâu, tất cả các huyện tập trung di dân. Cứu người trước, người mới là quan trọng...!Ai không thực hiện lệnh, để dân chết sẽ bị kỷ luật...!''. Hai tay hai máy điện thoại di động, người chỉ huy đối phó với bão số 7 của tỉnh Thanh đang chỉ đạo chủ tịch các huyện trọng yếu dốc sức di dân trước 6h tối.
 
Đêm bão mịt mùng tối. Những tuyến đường liên xã, liên thôn Hậu Lộc đông nghịt người dân đi tránh bão. Tất cả các phương tiện được huy động tối đa. Sở GTVT Thanh Hoá điều hàng chục xe ca đến chở dân từ các xã trọng yếu ra nơi an toàn. Con đường từ các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hoà Lộc, Ngư Lộc lên phía thị trấn Hậu Lộc chật hơn bởi những chuyến xe chở nỗi lo lắng và tính mạng những ngư dân từ vùng bão tố về phía an toàn...
 
6h tối 26/9, văn phòng PCBL huyện Hậu Lộc nhấc máy điện thoại báo lên tỉnh đã di dân được 95% nhưng dự kiến từ lúc này đến khi bão đổ bộ sẽ tiếp tục chủ động di dân đến những nơi an toàn, an toàn hơn. 
 
Soạn: AM 565590 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khi bão chưa về, chúng tôi có mặt tại xã Minh Lộc và Ngư Lộc, một trong những xã trọng yếu của huyện Hậu Lộc. Minh Lộc, Ngư Lộc quay mặt ra phía biển. Người dân nơi đây không thể sống thiếu biển. Khi biển lặng, trời êm, đại dương là nguồn sống, là niềm vui và hạnh phúc của họ. Nhưng khi bão tố tràn vào, biển là nỗi sợ hãi chết chóc, vùi dập, đau thương, tan nát. Sống bên sự hiền dịu và hung dữ của biển cả, đã không biết bao lần ngư dân nếm trải hạnh phúc từ vị tanh của biển cũng như đau thương từ vị đắng từ biển. Họ không thể không di dân đến nơi an toàn...
 
Những ''phố biển'' Ngư Lộc, Minh Lộc tấp nập hôm nào bây giờ đang u ám, hiu quạnh khi hầu hết người dân đi tránh bão. Đồ đạc được gói ghém, buộc chặt đưa lên cao. Nhà cửa cột chặt, đóng chắc. Họ nghe theo khuyến cáo của chính quyền xã, mỗi nhà chỉ có một người đàn ông khoẻ mạnh ở nhà. Tất cả người già, trẻ em, phụ nữ trong diện ''bắt buộc'' phải di chuyển trước khi bão về.
 
Có một câu chuyện chúng tôi nghe được ở Minh Lộc. Một gia đình có 3 nam giới và 2 phụ nữ, 3 bố con ai cũng đòi ở lại để giữ tài sản. Hai người con còn trẻ khoẻ nhất quyết bắt bố phải đi di chuyển lên trường học. Ông bố nhất định ở lại và mếu máo nói: ''Bố ở lại giữ của cải nhà mình đã vất vả làm ra trong cả năm, cả đời. Bố đã già rồi, nếu nước có tràn vào, nhà có sập thì bố chết cũng không tiếc, các con đang còn trẻ, đưa mẹ và em đi đi...''.

Càng về đêm, không khí di chuyển dân ở Hậu Lộc càng ''nóng'' lên. Tất cả các trường học, trụ sở được sử dụng để đưa dân từ vùng thấp lên. Một khung cảnh chật chội, nóng bức, xô bồ hiện ra. Tại điểm di dân trường THCS Hoà Lộc, chỉ có vài phòng học nhưng chứa tới hơn 2.000 người, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Điện mất, không có nước để pha mì tôm, người dân đang rệu rạo nhai sống cho qua cơn đói.

Soạn: AM 565592 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phó Hiệu trưởng Hoàng Văn Công cho biết, trường đã huy động tối đa phòng học để hỗ trợ bà con. Tất cả các giáo viên trẻ được huy động đến để giúp người dân. Trong phòng họp rộng chừng 60m nhưng chứa tới 200 người. Những đứa trẻ ngủ vùi trong vòng tay mẹ, tay bà mà không biết đến sự hung dữ của bão tố. Những người già đã chứng kiến quá nhiều cơn bão to, bão nhỏ ngồi ưu tư giữa đêm đen. Họ không cần biết đến ăn đói, ngủ rét, chỉ biết một điều duy nhất là đã đến, đã ở được nơi an toàn trước khi bão về.

Đáng thương nhất là trường hợp chị Lê Thị Hoa đau đẻ trong lúc di tán. Tại trường Hoà Lộc, các y tá trực chiến đã tìm mọi cách khuyên nhủ và giảm cơn đau của chị nhưng không được. Không còn cách nào khác, lãnh đạo xã đã quyết định dùng ô tô đưa chị lên trung tâm y tế huyện để... đẻ. Anh chồng đang về nhà đưa tiếp mấy đứa còn lại đi di tán nghe tin phải vứt con đó, nhờ hàng xóm đón còn mình chạy lên bệnh viện chăm vợ. Lúc 4h sáng, khi cơn bão số 7 đang đổ bộ vào Thanh Hoá, chúng tôi nghe tin chị Hoa đã trở dạ. Đứa bé được sinh ra trong bão tố, trong lúc mẹ nó chạy bão...

11h đêm, chúng tôi vẫn cùng cán bộ huyện đến điểm di sơ tán dân tại trường THPT Hậu Lộc 1. Đây là nơi ở của một bộ phận nhỏ người dân xã Ngư Lộc. Phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Huấn cho biết, từ 3h chiều đến 11h đêm đã có hơn 20 xe ca, chưa kể xe máy đưa người dân đến tạm trú an toàn tại đây. Bà Nguyễn Thị Ái, 64 tuổi, thôn Thanh Phúc, xã Ngư Lộc kể: ''Tôi cùng 2 cháu nội được đưa lên đây từ chiều, ăn bằng mỳ tôm, uống nước tạm bợ. Sợ lắm, không đi không được. Đi thì ngủ vạ vật, muỗi nhiều, không màn, chăn. Nhưng vẫn phải đi cho an toàn''. Trong nỗi nhớ của bà Ái, khoảng 50 năm trở lại đây mới có một trận bão có vẻ to như thế.

Từ những thông tin của chính quyền, qua đài báo, nhân dân các xã trọng yếu Hậu Lộc bắt buộc phải di tán, người dân miền biển này vẫn hoảng hốt khi nhớ lại trận áp thấp nhiệt đới ập vào Hậu Lộc năm 1996 làm chết hơn 100 người. Vì thế, họ không thể không di tán theo lời kêu gọi của chính quyền, dù cực khổ.

Soạn: AM 565594 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cán bộ huyện cho biết, Ngư Lộc là xã phải di tán dân nhiều nhất huyện vì dân số đông. Cũng như các xã ven biển khác, phụ nữ Ngư Lộc chỉ có ăn và... đẻ. Chị Nguyễn Thị Lan, mới hơn 40 tuổi mà đã có tới 7 đứa con. Kể với chúng tôi, chỉ lẳng lặng: ''Tôi mới đưa lên đây được 4 đứa, còn ba đứa nữa ở nhà đang nhờ người đón lên...''. Trong vòng tay của người mẹ đẻ nhiều, 4 đứa nhỏ ngây thơ ngủ, trong tay vẫn cầm gói mì tôm ăn dở. Ngoài sân trường, gió đã bắt đầu giật mạnh...

Trong gió bão...

11h trưa ngày 27/9 có lẽ là một trong những ngày kinh hoàng nhất đối với người dân Minh Lộc. Khi bão đến, mặc dù đã di tan đến trường THCS Minh Lộc nhưng thấy nước lên nhanh, người dân ở phía biển chạy ồ ra, họ cũng không ngồi yên được. Từ nơi di tán ban đầu, hàng ngàn người ồ ạt đội mưa gió chạy tiếp lên nơi cao hơn.

Người dân tranh nhau lên xe ca. Trẻ con lạc mẹ khóc ròng, mẹ chưa tìm được xe đưa con lên cũng khóc. Người già hoảng hốt trước nước mắt người trẻ cũng bật khóc. Đó là lúc bão đang đổ bộ vào Hậu Lộc. Mưa như trút nước. Gió giật ầm ầm. Cây đổ. Xe máy đi xiêu vẹo trong gió. Một tiếng thét giữa bão tố: ''Nước lên gần đây rồi...''.

Gia đình bà Lê Thị Huyên có 7 người. Mấy đứa trẻ do chị dắt, còn lại 2 ông bà trên 80 mắt mờ, chân chậm được người chồng dìu đi ngược chiều gió. Họ vừa đi vừa chạy. Phía trước là gió, trên đầu là mưa, sau lưng là nước và trong tâm hồn là nỗi sợ hãi tột cùng. Rất may, khi cả gia đình mới đi được mấy trăm mét thì có xe ca đến, cả gia đình được đưa lên xe mà chưa hết hoảng hốt.

Soạn: AM 565596 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chúng tôi ngược bão vào vùng vỡ đê. Khung cảnh xáo xác hiện ra. Từng đoàn xe máy chạy từ phía biển ra thị trấn xiêu vẹo trong gió. Những đoàn người chưa tìm được ô tô thì đi bộ. Họ bám, vào nhau, vững chãi trước sức giật của gió mưa vùng tâm bão. Lúc này, thông tin từ Đa Lộc báo về, đê đã bị vỡ, nước tràn vào...

Tại xã Minh Lộc, khi nước đê vỡ, nước tràn vào khắp làng, lực lượng cứu hộ đã phát hiện một tình cảnh đáng thương. Gia đình anh Lê Văn Thắng chỉ có 2 bố con ở nhà. Bố bị tật nguyền, con còn nhỏ, vợ đã mất. Căn nhà cấp 4 xập xệ bị cô lập bởi nước. Khi lực lượng cứu hộ vào thấy 2 bố con đang ôm nhau nằm trong góc nhà, nước đã vào đến mép giường. Họ được cõng ra khỏi nhà, đưa về trụ sở xã. Nếu chậm một chút, hai sinh mạng đã trở về với biển...

Khi cơn bão số 7 đi qua, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc vui mừng: ''Điều lo lắng nhất là tính mạng của nhân dân đã được an toàn. Tất cả đều do chúng tôi có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đối phó khi bão đến. Trong đó, công tác di dân khỏi vùng nguy hiểm được quan tâm nhất...''.

  • Thế Lê Vinh (Từ Hậu Lộc - Thanh Hoá)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,