(VietNamNet) - Hôm nay (29/9), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã gửi thư chia buồn tới gia đình có người bị nạn khi lũ quét xảy ra đêm 27 rạng sáng 28/9, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ...
Lũ quét làm sạt lở nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 32. |
VietNamNet xin trích đăng nguyên văn bức thư:
Thư chia buồn
Thân ái gửi: Đồng bào, chiến sỹ các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ.
Đợt lũ quét xảy ra vào đêm 27, rạng sáng ngày 28 tháng 9 năm 2005 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái; huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai; các huyện: Thanh Sơn, Cẩm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ.
Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, Đảng bộ, Chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân và đồng bào vùng bị thiên tai đã tập trung sức người, sức của để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ đồng bào bị hoạn nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
Theo báo cáo sơ bộ, tính đến 9h sáng này 29 tháng 9 năm 2005, lũ quét đã làm chết và mất tích 54 người, làm bị thương nhiều người, cuốn trôi nhiều nhà cửa, phá hủy nhiều công trình cơ sở hạ tầng và tài sản, hoa màu của nhân dân.
Thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và người thân của những người bị nạn do lũ quét.
Tôii biểu dương và khen ngợi những nỗ lực của đồng bào, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các Đoàn thể nhân dân tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân đã tích cực tham gia công tác cứu hộ, tìm kiếm chăm sóc đồng bào bị nạn, giải quyết hậu quả của trận lũ quét, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước đã và đang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 7 và lũ quét. Tôi yêu cầu:
1. Chính quyền các cấp thuộc các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục thực hiện tốt các việc sau đây:
- Huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu trợ người bị nạn, tổ chức nơi ăn ở cho người bị mất nhà cửa và tập trung thu hoạch nhanh diện tích hoa màu, cây lương thực còn có thể thu hoạch được, chăm sóc bảo vệ cây công nghiệp, cây lấy quả, phục hồi sản xuất để kịp thời giải quyết nạn đói có thể xảy ra sau thiên tai.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/2004/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ quét ở các tỉnh miền núi, chú trọng bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước; tổ chức di dời dân sống ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.
- Hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách và các gia đình khó khăn, triển khai các phương án phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
- Biểu dương, khen ngợi kịp thời các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, giải quyết hậu quả lũ quét.
2. Các Bộ: Lao động - Thương binh Xã hội, Tài chính, KH-ĐT, NN-PTNT nhanh chóng tập hợp các yêu cầu của các địa phương trong vùng bị nạn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp hỗ trợ kịp thời để khắc phục hậu quả thiên tai.
3. Tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể mở đợt vận động toàn dân quyên góp hỗ trợ các gia đình bị nạn trong cơn bão số 7 và lũ quét vừa qua.
Chào Thân ái,
Thủ tướng Chính phủ
Phan Văn Khải
54 người chết và mất tích, 8 người bị thương vì mưa, lũ
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo PCLB TW hôm nay (29/9), do ảnh hưởng của bão số 7, trên lưu vực sông Thao và sông Hoàng Long, sông Bưởi, sông Cả đã có mưa vừa, có nơi mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được trong 2 ngày 27 và 28/9 tại một số trạm: Km46 (Sơn La) 408mm; Cửa Ông (Quảng Ninh) 209mm; Chi Nê (Hoà Bình) 345mm; Văn Chấn (Yên Bái) 171mm; Minh Đài (Phú Thọ) 243mm; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 300mm; Ình Lập (Lạng Sơn) 378mm...
Mưa lớn khiến lũ trên sông Thao, sông Hoàng Long, sông Lục Nam, sông Bưởi và thượng nguồn sông La lên nhanh. Sông Thao tại Yên Bái đạt đỉnh lúc 10h ngày 28/9 là 32,13m, trên báo động III là 0,13m; sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt đỉnh lúc 13h ngày 28/9 là 4,19m, trên báo động III là 0,19m; 6h sáng 29/9 là 4,00m; sông Lục Lam tại Lục Nam đạt đỉnh lúc 13h ngày 28/9 là 5,66m...
Do vậy, đã xảy ra lũ quét cục bộ tại một số sông, suối thuộc khu vực huyện Văn Chấn và Trạm Tấu (Yên Bái), lũ tại ngòi Lao thuộc huyện Hạ Hoà - Phú Thọ, Hoà Bình, thượng nguồn sông Cả thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An), sạt lở đất tại huyện Văn Bàn (Lào Cai).
Ban chỉ đạo PCLB cho biết, đã xảy ra lũ quét cục bộ tại huyện Văn Chấn và huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, làm 50 người chết và mất tích (Văn Chấn 43 người, Trạm Tấu 7 người); 8 người bị thương ở thị xã Nghĩa Lộ; 238 181 nhà ở Văn Chấn bị đổ trôi hoặc bị hư hỏng do sạt lở đất, lốc; 1.500ha lúa, hoa màu bị ngập, lũ quét.
Đoạn Quốc lộ 32 từ Ba Khe đi thị xã Nghĩa Lộ - Mù Căng Chải bị sụt taluy dương tại 15 vị trí (16.000 m3) gây ách tắc giao thông từ 23h ngày 27/9/2005, đầu cầu Thia phía Nghĩa Lộ bị xói vỡ toàn bộ phần nón mố và đứt đường đoạn đầu cầu dài 30m, cầu Lung cũng bị xói nón mố. Hiện tại giao thông trên tuyến Quốc lộ 37, 32 từ thành phố Yên Bái đi Nghĩa Lộ - Mù Căng Chải bị ách tắc. Tỉnh lộ tuyến Văn Chấn - Trạm Tấu bị sụt nhiều điểm. Dự kiến, từ nay đến 1/10 mới có thể thông xe.
Hệ thống điện chiếu sáng bị hư hỏng, thông tin liên lạc bị cắt đứt không liên lạc được.
Tại Phú Thọ, lũ Ngòi Lao đã gây tràn, vỡ đê bối Đồng Bầu lúc 5h ngày 28/9 gây ngập các xã Văn Lang, Minh Côi, Bằng Giã thuộc huyện Hạ Hoà; Bối ngòi Lao bị tràn làm 80 hộ gia đình (200 người) bị mắc kẹt phải tạm trú tạm trên mái nhà chờ cứu hộ. Đê bao hữu sông Bứa thuộc huyện Tam Nông bị tràn ảnh hưởng đến các xã Tế Lễ, Hùng Đô, Xuân Quang.
Tỉnh Hoà Bình có 2 người bị chết (Kim Bôi 1 do sập nhà, Tân Lạc 1 do lũ cuốn trôi); 76 nhà đổ sập, ngập, tốc mái; lúa và hoa màu bị đổ ngập 2.255ha.
Sau bão số 7, tại Nghệ An, lũ trên các sông, suối thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương lên nhanh (theo báo cáo của lãnh đạo UBND huyện mức lũ tương đương với mức lũ đã xảy ra sau bão số 3) gây ngập lụt, sạt lở ách tắc tuyến quốc lộ 7A và các đường liên huyện, mất điện trên diện rộng.
Mưa lớn đã gây sạt lở đất tại xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn (Lào Cai) làm chết 1 người; Lũ đã cuốn trôi 1 người (đang vớt củi) tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.
Dồn sức cứu hộ, cứu nạn
Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB TW vừa có các công điện số 101 và 103 CĐ/PCLBTW gửi Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Nghệ An chỉ đạo công tác sơ tán dân cư, cứu hộ cứu nạn và đối phó với mưa lũ. Đã liên hệ với Cục Cứu hộ cứu nạn, Ban CHPCLB Bộ Giao thông vận tải để phối hợp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, đã cử 2 đoàn công tác đi kiểm tra nắm tình hình và phối hợp với Ban chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.
Bên cạnh đó, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) đã kịp thời điều động 320 cán bộ chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ tư lệnh Quân khu II (do Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa - Phó Tư lệnh quân khu chỉ huy) phối hợp với địa phương thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn tại các khu vực bị thiên tai thuộc Yên Bái.
Công tác khắc phục sạt lở và khôi phục tạm các cầu đã được Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) điều lực lượng lên phối hợp với địa phương thực hiện, đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 32.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã cử 34 cán bộ chiến sỹ biên phòng phối hợp với Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và các lực lượng cứu hộ kịp thời sơ tán, cứu hộ dân vùng bị ngập lũ huyện Kỳ Sơn.
Tại tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã đi kiểm tra chỉ đạo, đôn đốc công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị tràn, vỡ đê. Lực lượng cứu hộ cứu nạn huyện Hạ Hoà, Bộ chỉ huy quân sự và lực lượng công an tỉnh Phú Thọ đã kịp thời cứu hộ 200 người bị kẹt trên các mái nhà đảm bảo an toàn tính mạng. Tỉnh đã huy động 6.500 bao tải, 800 m2 bạt chống sóng để chống tràn đê.
Đối với Yên Bái, tỉnh chịu thiệt hại nặng nền nhất do lũ quét, lãnh đạo UBND tỉnh đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét ở xã Cát Thịnh, điều động toàn bộ lực lượng công an, quân đội của huyện Văn Chấn thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại và phát lương thực cứu đói. Đến 19h tối qua đã tìm thấy xác 33/50 nạn nhân.
Theo thống kê sơ bộ của một số địa phương, thiệt hại tính đến 19h ngày 28/9, bão số 7 đã làm 3 người chết (Quảng Ninh 1, Ninh Bình 1, Thanh Hoá 1); 4 người bị thương (Quảng Ninh 3, Ninh Bình 1); đổ trôi 1.126 ngôi nhà; ngập, hư hại 9.095 ngôi nhà; hư hại 262 trường học; 121.955 ha lúa, hoa màu bị hư hại; 8.464 ha.ao hồ nuôi tôm, cá bị vỡ, ngập;1.286 cột thông tin bị đổ; 80.100 m3 đất, đá bị sạt trôi; 3.120m đê biển bị vỡ và 116.615 m đê biển và các đê bối bị sạt. Đây chỉ là số liệu thiệt hại ban đầu, các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, thống kê thiệt hại. Thực hiện chỉ đạo của TTCP, Ban Chỉ đạo PCLB TW và Bộ NN-PTNT đã cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra nắm bắt tình hình thiệt hại và bàn với các địa phương biện pháp khắc phục hậu quả bão. Đã xuất 50.000 bao tải thuộc kho dự trữ PCLB cho tỉnh Nam Định để hàn khẩu các đoạn đê bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng do bão. Các Bộ Thuỷ sản, GTVT cũng đang tổ chức đánh giá thiệt hại các công trình thuộc ngành. Các lực lượng Quân đội, Công an tiếp tục giúp nhân dân khắc phục hậu quả, giúp đưa những người đã đi sơ tán trở về. |
-
Hà Yên