Họ sống chung với nhau như vợ chồng trong một căn phòng đủ vật dụng xoong nồi, bát đĩa…; ăn chung, ngủ chung, đến trường chung, không con cái và cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều đến tương lai.
Các phòng trọ - "mái ấm" của nhiều "đôi vợ chồng" sinh viên. |
Nỗi buồn phòng trọ
Sống chung trong một môi trường nên "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Hương và Tùng từ miền Trung vào TP.HCM để học. Ban đầu họ có một tình bạn thật trong sáng và vô tư, rồi tình yêu giữa họ chớm nở. Dần dần, Hương cảm thấy ngày càng yêu và không thể sống thiếu Tùng dù chỉ một ngày.
Là một chàng trai xứ Nghệ, tuy Tùng không điển trai nhưng lại rất hào hoa và nhiều hiểu biết, anh ngày càng thương Hương nhiều hơn bởi "cái nết đánh chết con tim".
Những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, Hương trổ tài với những món ăn đặc biệt nhưng rất hợp với túi tiền SV và mời Tùng sang ăn chung cho "vui", lâu dần thành quen. Từ "ăn chung" đến "ngủ chung" và cuối cùng họ đã không ngần ngại gì và "ở chung" với nhau.
Cặp "vợ chồng" D. và H. về "góp gạo thổi cơm chung" cũng không có gì lạ. D. ở Cần Thơ, còn H. ở Đồng Nai lên TP.HCM. Có lẽ do "nhất cự ly" nên họ sớm yêu nhau qua đôi lần trêu ghẹo. Những ngày cuối tuần mọi người đều vắng nhà tạo ra không gian yên tĩnh để họ bên nhau.
Hôm thì H. đến, bữa thì D. sang, nhiều lần như thế họ ở lại ăn chung rồi ngủ chung. Việc gì đến phải đến, khi họ cảm thấy không thể xa nhau được, hai người tự thuê một một căn nhà khác để tránh sự dị nghị của bạn bè, hàng xóm rồi sống chung với nhau như một đôi uyên ương trẻ.
Đó chỉ là một vài trường hợp tiêu biểu của những cặp vợ chồng SV ở chung với nhau khi tuổi đời còn quá trẻ.
Tình học đường về đâu?
Dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi đến làng ĐH Thủ Đức thăm cô "vợ" có tên là T. M, thì thấy cô đang rửa từng cọng rau muống, trong khi chồng cô đang loay hoay với cái bếp dầu chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Tôi hỏi: "Trưa nay hai bạn ăn món gì?" Đôi "vợ chồng" trẻ nhìn tôi với vẻ mặt ái ngại, cô vợ đáp: "Bài ca rau muống luộc".
T.M không giống như một cô SV hồn nhiên, không giống một người vợ hiền mà cũng chẳng hề giống một bà mẹ trẻ. Khi tôi hỏi, có bao giờ bạn nghĩ đến tương lai chưa? Cô trả lời với giọng buồn trĩu: "Em cũng không biết như thế nào nữa. Phải chi hồi xưa tụi em không sống chung như thế này thì sung sướng biết mấy".
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 300.000 - 400.000 trường hợp học sinh, sinh viên nạo phá thai. |
Qua câu nói của T. M, tôi thấy được sự hối hận của họ và đang ở trong tình thế tiếp tục sống cũng không được mà chia tay cũng không đành. Một nốt lặng tuổi thanh xuân!
Tuy nhiên có những cặp vợ chồng sinh viên tỏ ra khá... tự tin như cặp vợ chồng Ng. và N: "Tới ngày đó hãy tính, lấy được nhau thì tốt mà không được thì thôi!".
Gặp một số "vợ chồng" SV của các trường ĐHDL, mấy cô "vợ" trẻ này còn có tư tưởng "thoáng" hơn. Quỳnh Tr. lập luận: "Đó không phải là quan hệ tình dục bừa bãi mà chỉ là một phần tất yếu của tình yêu, nhu cầu được chăm sóc và chia sẻ cho nhau".
Nhưng cũng có bạn lại đắn đo hơn trước khi sống chung với anh "chồng" SV nào, cần phải biết "chọn mặt gởi vàng" để sau này không hối hận. Nữ SV L. lại có tư tưởng "cứng" hơn: "Sau này lấy nhau cũng được, không thì lấy người khác. Thời buổi này ngay cả đàn ông cũng biết khi yêu chẳng có cô nào giữ được "của quý", nếu có chăng thì đó là mấy cô nhút nhát, "lạnh cảm". SV bây giờ là thế".
Nhớ lại cách đây vài năm, tôi đi dự đám cưới của một cặp vợ chồng sinh viên. Cả nhóm bạn thân chỉ biết thông cảm với cô dâu vừa đi học vừa phải mang cái bầu hai tháng.
Những người thân của gia đình cô dâu thì lắc đầu im lặng. Rồi 2 năm sau họ cũng ra trường, cũng tìm được một chỗ làm, vất vả nuôi con dưới sự giúp đỡ của gia đình vợ.
Vượt qua gần 6 năm cực nhọc, nhìn lại quãng đường đó, anh chồng, nay là kỹ sư nông lâm của một công ty nói rằng: "Mình chẳng ân hận gì cả, chỉ hơi tiếc cuộc sống tình yêu thi vị qua nhanh quá để phải đối phó với bao lo toan cuộc sống. Giá như hồi đó biết tính toán kỹ lưỡng thì giờ đỡ vất vả hơn".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)