221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
737028
Hành bạn đời kiểu... Chí Phèo
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hành bạn đời kiểu... Chí Phèo
,

(VietNamNet) - Hồi chưa ly hôn, ngày nào gã cũng rao bán vợ từ đầu làng đến cuối thôn. 7 năm sau khi xong xuôi mọi thủ tục, trừ những ngày đi hoang, gã vẫn thản nhiên chung mâm, chung giường vì: "Mày còn sống, ông còn dùng được!".
>>Bạo hành "câm" - Nỗi kinh hoàng trong phòng ngủ

Soạn: AM 631528 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chửi, đánh - hai trong nhiều biểu hiện bạo hành bạn đời.


Người đàn ông rao bán vợ lấy 100.000 đồng (sau hạ giá thành 50.000 đồng) ấy là một cán bộ Thương nghiệp mất việc sau khi ngành giải thể. Anh ta không làm được việc gì đến đầu đến đũa để nuôi thân (chứ đừng nói chuyện nuôi con). Mở quán bán hàng, anh ta kêu thua lỗ, cùng làm ruộng với vợ, anh ta hãi vất vả; còn nuôi lợn, gà, anh ta lại chê... thối.

Còn người vợ bị chồng rao bán, chị Nguyễn Thị Đào, ngày ấy, làng trên xóm dưới đều biết là Chủ tịch Hội Phụ nữ một xã ở Phú Thọ, từng là một sĩ quan phục vụ nhiều năm trong Quân đội.

Để đỡ bị chồng rao bán (và đánh, chê bai, chửi rủa...), chị thôi chức Chủ tịch Hội Phụ nữ, chuyển sang làm hành chính Uỷ ban xã, rồi "vĩnh biệt" việc nhà nước, về nhà làm ruộng và bỏ mối thức ăn chăn nuôi.

Nhưng anh ta vẫn không thôi căm hận chị "đua đòi" hoạt động xã hội: "Tao đi với cave, giá còn cao gấp hai mày, rồi về đổ bệnh cho mày xem còn cao quý với xã hội mãi được không!!!".

Và anh ta đi thật, đi triền miên, 4 - 5 ngày mới về 1, 2 ngày. Những 1, 2 ngày ấy, vẫn thản nhiên ăn, thản nhiên cạy tủ lấy tiền của chị, thản nhiên chui vào giường, vật chị ra, ngay cạnh hai đứa con đang ngủ. Lần chị phản kháng mãnh liệt nhất, bị anh ta phang thẳng 1 hòn gạch lớn vào trán; chiếc sẹo 7 mũi khâu 8 năm nay còn hằn trên trán.

Ai là nạn nhân của bạo hành gia đình?

- Bị chồng (vợ) hay người khác trong gia đình chửi bới, hành hạ.
- Bị người trong gia đình đe doạ, hành hung hoặc đánh đập.
- Bị cưỡng ép quan hệ tình dục.
- Bị lạm dụng tình dục.
Những đêm khủng khiếp ấy vẫn tái diễn 7 năm nay, sau khi chị đưa được người chồng "Chí Phèo" ấy ra toà, đấu tranh ly dị thành công. Sau khi được chị nhường cho ngôi nhà và chiếc xe máy toà tuyên thuộc về mẹ con chị, anh ta bán phắt, theo về nhà mới ở cùng (trừ những hôm đi hoang); dĩ nhiên, vẫn cùng ăn, cùng ngủ.

Đội thi hành án, Công an, đại diện uỷ ban xã có đến cũng không "hê" được anh ta đi. "Tôi về thăm các con tôi, can cớ gì mà cấm?". Chính quyền vừa đi khỏi, anh ta lại trừng mắt nhìn chị: "Chết cha mày rồi, Đào ơi?!".

Run rẩy kể chuyện đời mình với PV VietNamNet, người phụ nữ gầy khẳng khiu, ánh mắt lúc nào cũng sẫm tối ấy giàn giụa nước mắt: "Xin đừng tiết lộ tên tuổi của tôi! Anh ta mà biết, lại làm các con tôi hoảng loạn đến phát điên mất!".

Chị bảo, mỗi lần chị "mắc lỗi", người chồng không còn trong giá thú ấy lại nắm tóc đánh chị một trận tơi bời, rồi lấy dao mài trước mặt các con và hét lên như bị chọc tiết: "Nào! Tao đi giết con Đào đây!". Các con chị, một cháu là sinh viên Trường CĐ Sư phạm tỉnh, 1 cháu là học sinh giỏi cấp xã; chị không muốn vì một chút kém nhẫn nhịn của mình mà ảnh hưởng đến tinh thần các cháu.

Chị sẵn sàng nhẫn nhịn đến chết, bởi: "Việc riêng của nhà mình, chính quyền khó mà giúp. Mình phải chịu đựng và tự giải quyết thôi!".
Soạn: AM 631520 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ngoại tình - một trong nhiều nguyên nhân gây bạo hành gia đình.

Quản ngục

Khác với chị Đào, chị Phạm Ngọc Lan (P.Ngọc Lâm, Q.Gia Lâm, Hà Nội), một nạn nhân bạo hành gia đình điển hình khác lại cho rằng: "Hãy tự cứu mình, tìm cách báo ngay chính quyền, công an địa phương trước khi quá muộn!".

Thông điệp này được chị đúc kết từ chính kinh nghiệm bản thân, sau 19 năm, ngày nào cũng nghe chồng (một kỹ sư xây dựng) đanh giọng dặn: "Cô nhớ lấy cái hàng gạch ấy; trừ lúc phải đi chợ (rất ít, vì đây là việc của mẹ chồng), đừng có dại mà bước chân qua".

Chị cũng đã nhiều lần thử "bước chân qua" để đi kiếm việc, đều phải chịu sau đó cả tháng không được chồng đếm xỉa: không nhìn, không hỏi, không ăn, ngủ cùng, và kinh nhất là không cho tiền tiêu.

Chị Lan cũng sợ nhất những bận bị ốm, phải xin tiền chồng mua thuốc. Từ ngày bỏ nhà máy (ngay sau khi lấy chồng, theo yêu cầu của anh, được thể hiện bằng một trận tuyệt thực dài ngày), chị thành "vô sản". Chị không dám xin mẹ và em gái (cũng ở ngay Hà Nội), vì ai cũng nghèo. 19 cái Tết, chị ở lỳ trong nhà nấu nướng phục vụ gia đình, phần vì chồng không thích chị ra ngoài, phần vì không có 1 cắc trong tay.

Nước mắt chứa chan, chị bảo: "Đôi lúc cũng muốn bứt ra, về nhà mẹ đẻ ở hẳn, nhưng lại sợ chưa làm ra tiền, thêm gánh nặng cho mẹ. Mới lại, đi là mất con...".

Chị chỉ dám "bứt phá", về ở với mẹ theo lời khuyên của bà, sau một lần ra ngoài quá thời gian quy định, bị chồng lấy giá giày
phang vỡ đầu, rách đuôi mắt, gãy 1 đốt cột sống, mất hoàn toàn sức lao động và đang chờ mổ với tiên lượng xấu: có thể liệt sau phẫu thuật.

Điều đáng nói là chị Lan không biết chuyện vợ chồng mình có nghiêm trọng đến mức kêu cứu không, và kêu cứu ở đâu. Hàng xóm, gia đình, chính quyền địa phương cũng không hề biết cuộc sống thực của chị, cho đến khi chị đơn phương nộp đơn xin ly hôn lên TAND quận; Hội phụ nữ phường nhận nhiệm vụ hoà giải theo đề nghị của toà.

Việc hoà giải đang được toà đủng đỉnh thực hiện gần 2 năm nay. Trong hoàn cảnh bệnh tật, không việc làm và tiền bạc, sống nhờ mẹ trong một căn nhà rộng 15m2, chị Lan không hy vọng giành được quyền nuôi con. "Mới lại, tôi không muốn nuôi cháu nào nữa, vì bản thân tôi cũng chưa biết sẽ mổ và sống chết ra sao..." - nước mắt lại giàn giụa khắp khuôn mặt héo hon của chị.

Soạn: AM 631524 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ly dị - kết cục hiển nhiên của bạo hành gia đình

Lại bàn cách cứu

Theo nhận định của PGS.TS Lê Thị Quý - GĐ Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển (ĐHKHXH&NV), bạo lực gia đình là một hiện tượng xã hội không mới, đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, đa số nhằm vào phụ nữ và rất khó kiểm soát.

Lý giải điều này, bà cho biết, do tâm lý giới và tư tưởng "xuất giá tòng phu", hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng chồng (thậm chí còn chấp nhận bị bạo hành nếu cảm thấy mình có lỗi), tìm mọi cách che giấu bộ mặt thực của hôn nhân. Vì vậy, cộng đồng thường chỉ phát hiện được những vụ bạo hành nghiêm trọng.

Một nghiên cứu vừa công bố của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng, vai trò của thể chế, pháp luật, chính quyền còn khá mờ nhạt, là cản trở lớn trong việc phát giác, tố cáo bạo hành gia đình. Khảo sát của Hội cho thấy, lực lượng hoà giải các vụ bạo hành chủ yếu là bà con lối xóm với 62,6% số vụ do các hội phụ nữ, người cao tuổi... thực hiện, 21% nhờ gia đình chồng. Chỉ có 4% số vụ có can thiệp của công an địa phương, 2,4% của chính quyền, đều "ra tay" khi "sự đã rồi".

Đáng buồn là, phần lớn các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình chỉ dừng ở mức hoà giải hoặc cảnh cáo, phạt nhẹ; những vụ bạo lực gây thương tích trầm trọng, làm mất sức lao động 11% trở lên mới bị pháp luật xét xử.

Với hy vọng đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan chức năng trong công tác cứu các nạn nhân của bạo hành gia đình, ngày 25/11, lần đầu tiên một hội thảo quy mô có tên "Bạo lực gia đình - kinh ngiệm và giải pháp" được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của 100 đại biểu đại diện cho nhiều tỉnh thành, cộng đồng, các cơ quan nghiên cứu và nhiều tổ chức phi chính phủ.

Đáng tiếc, theo một nhà hoạt động xã hội học (không tiện nêu tên - NV), hội thảo không tìm ra thông điệp và kiến nghị nào mới. Vẫn chỉ là những tiếng chuông báo động một hiện thực đang ngày càng nhức nhối, khó mà giải quyết ngày một ngày hai nhờ những nghiên cứu của giới hoạt động xã hội học cùng vài dự án lẻ tẻ về với địa phương.

Nạn bạo hành gia đình chỉ đỡ "loạn" nếu đặt trong "bàn tay sắt" của pháp luật, như ở nhiều nước trên thế giới.

Một số đường dây "nóng" nghe kêu cứu ở HN:

- Tư vấn Linh Tâm và tư vấn tình yêu 1088 Hà Nội. Địa chỉ: P.41A8, Bắc Nghĩa Tân, Hà Nội). ĐT: 1088 Hà Nội8011084
- Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (SAGA). Địa chỉ: P.801, B3, Làng quốc tế Thăng Long, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 04-7540421
- Trung tâm Y tế Gia Lâm. Địa chỉ: Phố Trường Lâm, thị trấn Đức Giang, Gia Lâm, HN. ĐT: 04-8272075
- Ngoài ra, bạn có thể kêu cứu với chính quyền, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên ở địa phương nơi sinh sống.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

  • Quảng Hạnh

Mời các bạn đóng góp giải pháp khống chế, trừng trị những gã chồng "Chí Phèo thời hiện đại":

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,