Mỗi ngày mỗi làng nghề đó mổ 80-100 trâu bò, 250-300 lợn. Đợt dịch cúm gia cầm này, có hôm chỉ một làng nghề giết thịt cả ngàn con, “dậy mùi” tứ bề.
Những lò mổ như thế này liệu có đảm bảo vệ sinh? |
Mấy hôm nay rét đã khổ, khô hạn miền Bắc khốc liệt nhất trong vòng 40 năm qua còn làm bà con một số khu vực thị xã Tam Điệp, Ninh Bình (nơi có 40 cơ sở giết mổ thảy đều cách khu dân cư chưa đầy 50m) khổ hơn vì bệnh tật lại sầm sập về.
TS Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về cung cấp nước sạch & vệ sinh môi trường, cho biết:
Cũng giống như các làng nghề chăn nuôi và giết mổ gia súc ở châu thổ sông Hồng, sau đợt mưa lũ, lại xuất hiện những đợt sốt xuất huyết. Có nơi, xuất hiện một loại sốt lạ chưa rõ nguyên nhân. Các loại bệnh dịch như đau mắt hột, mắt đỏ, viêm đường ruột, phụ hoa, tiêu chảy, nhất là viêm đường hô hấp trẻ em..., xảy ra như cơm bữa.
Các khu dân cư đặc thù ấy có điểm giống nhau là đều nuôi và giết mổ lắm gia súc. Theo thống kê chỗ TS Nguyên, mỗi ngày mỗi làng nghề đó mổ 80 - 100 trâu bò, 250 - 300 lợn. Đợt dịch cúm gia cầm hiện nay, có hôm chỉ một làng nghề giết thịt cả ngàn con.
Tất cả đều của tư nhân, mỗi gia đình chăn nuôi và giết mổ mỗi ngày thải 3 - 4 m3 nước, 80 - 100 kg phân, và 15 - 20kg xương. Lượng chất thải lỏng 5.000m3/ngày của mỗi làng đều đổ trực tiếp ra sông, ao, hồ, cánh đồng quanh làng.
Theo một quan chức ở Cục Thú y Trung ương, gần như 100% cơ sở giết mổ tư nhân có quy mô nhỏ lẻ, lắt nhắt, gần khu dân cư, gần chợ, phố xá, gần đường giao thông, trường học, bệnh viện, và gần bãi rác thải, công trình vệ sinh.
Tại Quảng Ninh, thực trạng trên dẫn đến hậu quả, hơn 66% số hộ dân bị ảnh hưởng mùi hôi thối, trên 73% số hộ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn la hét của mục súc, dao kéo, đồ tể. Các địa phương khác cũng thế.
Lấy ví dụ tỉnh Ninh Bình, có tới 90% cơ sở quy mô giết mổ dưới 5 con lợn mỗi ngày và từng ấy phần trăm cơ sở nằm cách khu dân cư dưới 50m. Hàng nghìn tấn chất thải từ các lò giết mổ không có cách nào thu gom xử lý là môi trường tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Lo chống cúm, quên kiểm soát chất lượng gia súc?
Guồng máy phòng chống dịch cúm gia cầm đang thu hút gần như toàn bộ lực lượng thú y. Một quan chức thú y buồn rầu về việc có phần buông lơi mặt trận “đóng dấu kiểm dịch” lợn, bò, dê, chó, vì không đủ người, vật lực.
Số liệu của Chi cục Thú y Hà Nội qua một cuộc điều tra trong vòng bốn năm gần đây cho thấy, xem 2.767.035 con lợn ở các cơ sở giết mổ, thú y phải xử 2.250 con vì bệnh tật như tụ huyết trùng, bệnh đóng dấu, bệnh nghệ, bệnh gạo. Đáng chú ý, trong số đó, có 1.443 con chết không rõ lý do.
Vẫn quan chức trên than phiền, lực lượng thú y quá mỏng, đầu tư cho thú y quá hẻo so với đầu tư khẩn cấp gần 5.000 tỷ đồng cho ngành y tế mới đây để phòng chống dịch bệnh. Ông cho rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu chủ động phòng dịch bệnh từ gốc, chủ động phòng chống lây lan dịch bệnh từ các cơ sở chăn nuôi và giết mổ.
GS.TS Nguyễn Thiện, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, cảnh báo: “Nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật trong chất thải chăn nuôi và giết mổ và trong thịt gia súc là có thật”. Buông lơi mặt trận này, chỉ hô hào bằng nghị quyết và mệnh lệnh mà quên đầu tư nguồn vật chất đủ lớn, tốn phí sẽ khổng lồ một khi dịch bệnh xảy ra xuất phát từ ở khâu này.
QD (Tiền Phong)