Bà Lê Thị Dán |
Ra ngõ gặp... người bướu cổ
Xóm Bến một chiều mùa đông, bà Nguyễn Thị Huy đang vớt bèo ở con mương nước đen sì. Mới 53 tuổi mà bà trông đã như một cụ già ở tuổi xưa nay hiếm. Nghe hỏi: “Có phải xóm mình có nhiều người mắc bệnh bướu cổ phải không ạ?”, bà trả lời: “Đúng rồi. Chả hiểu tại sao lại thế, tôi cũng bị đây này”.
Vừa nói, bà Huy vừa đặt cái rổ bèo xuống, vén chiếc khăn len quàng cổ màu nâu đất ra, để lộ cái cổ với một khối u to bằng nửa quả trứng gà nơi yết hầu.
Bà Huy sống cùng cô con gái trong ngôi nhà chừng 10m2, chật chội và tối tăm. Nhà chỉ có một chiếc giường, đêm thì hai mẹ con ngủ, ngày tiếp khách và đặt cái bàn để thêu thùa kiếm sống.
Không chỉ bị bướu cổ, hai mẹ con bà Huy còn mắc chứng bệnh đau chân chưa rõ lý do nên hơn 3 sào ruộng hầu như cho thuê hết. Cái ăn, cái mặc đều phụ thuộc vào số thóc thu được từ việc cho thuê ruộng và khoảng 70.000 đồng tiền công thêu thuê cho một số cửa hàng chuyên buôn bán các bức trướng mừng thọ hoặc dùng trong đám hiếu.
Phải chăng cuộc sống quá kham khổ là nguyên nhân gây ra bệnh bướu cổ? Chưa có cơ sở khoa học để chứng minh điều này song có một thực tế, nhiều người bị bướu cổ ở đây vì quá nghèo nên không có điều kiện chữa trị một cách dứt điểm.
Đơn cử, năm 2003 bà Huy phát hiện thấy cổ đau, sưng, đi khám ở Bệnh viện Nội tiết Hà Nội được chẩn đoán là bệnh bướu cổ. Bác sĩ kê đơn, uống thuốc thấy đỡ, giảm sưng nhưng rồi vì tốn kém quá nên bà không thể có tiền đi chữa tiếp được. Bà chấp nhận sống chung với cái bướu ở cổ đến hết đời! Bà nói bà cũng có thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, nhưng hình như nó chỉ có tác dụng để đi chữa các bệnh nhức đầu, sổ mũi. Còn các bệnh cần phải nhiều tiền thì dường như không có tác dụng.
Gặp một bệnh nhân bướu cổ khác tên là Lê Thị Dán, sinh năm 1942. Bà Dán kể, hồi năm 1975 đi gánh su hào ra chợ làng bán tự nhiên thấy tưng tức ở cổ, đến Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ bảo mắc bệnh bướu cổ thế là mổ và chữa khỏi luôn. Nhưng bây giờ trên cổ của bà lại hiện rõ một khối u nằm nơi yết hầu nhưng không có tiền chữa vì nhà quá nghèo. Trầm ngâm nghĩ ngợi một lát, bà Dán chép miệng: “Bị bướu cổ thì cũng chẳng hề gì, chỉ xấu tí thôi nhưng già rồi còn gì, xuống lỗ là hết”.
Đi tìm nguyên nhân
Theo các cụ trong xóm Bến kể lại, cách đây vài chục năm, cả xóm Bến đều ăn nước giếng khơi, giếng đất chung của thôn. Xóm Bến hiện vẫn tồn tại một cái giếng đất chung như thế, nằm ở bìa làng, thuộc cánh đồng Thanh Lan. Giếng có bán kính rộng chừng 15m, sâu 3m, hiện không còn ai gánh nước về ăn và là chỗ chăn, nhốt vịt của người dân.
Nhưng cả xóm đều dùng chung một nguồn nước, hà cớ gì hầu như chỉ thấy phụ nữ bị bệnh?
Một điều cần khẳng định, cách đây 4 năm về trước, người dân xóm Bến gần như chưa quan tâm tới việc sử dụng muối iốt.
Trưởng thôn, ông Lê Văn Thường cho biết, xóm Bến có 157 hộ với 550 nhân khẩu; và con số hơn chục người bị bệnh bướu cổ là đúng. Nếu kể cả người đã chữa khỏi thì có lẽ xấp xỉ gần 20 người.
Cách đây 4 năm, chị Nguyễn Thị Dũng đem cả 3 người con đi khám ở trạm xá xã, các bác sĩ phát hiện cả 4 mẹ con đều bị bệnh này. Con của chị mới bị, phát hiện sớm nên được chữa khỏi ngay. Còn chị thì cái cổ cứ to dần vì không có tiền mua thuốc chữa trị thường xuyên nên chị chịu khó ăn muối iốt hy vọng ngăn chặn bệnh phát triển?
Ông Thường nói, tất cả những người bị bệnh bướu cổ như chị Dũng đều mong muốn được hỗ trợ kinh phí để chữa bệnh vì ai cũng nghèo!
Trước đây cũng đã có đoàn y tế huyện Thường Tín về xóm Bến khảo sát bệnh bướu cổ, nhưng theo ông Dương Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi thì chưa tìm ra được nguyên nhân gì, vì các yếu tố đất, nước, không khí... đều bình thường! Để phòng chống bệnh bướu cổ, từ 3 năm trở lại đây, năm nào UBND xã cũng nhập hàng tấn muối iốt cấp phát và bán cho người dân, kết hợp làm công tác tuyên truyền người dân nên sử dụng muối iốt.
Thêm nữa, chính quyền xã Nguyễn Trãi rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ông Lý kể: "Quãng chục năm về trước người dân còn dùng giếng đất, nhà nào xây giếng khơi xã đề ra chủ trương khuyến khích bằng cách hỗ trợ 300 viên gạch, giảm giá tới 50%. Cho đến nay toàn xã gần như 100% hộ dân dùng giếng khoan lấy nước, đời sống khấm khá".
Vậy, tại sao ở xóm Bến lại xuất hiện nhiều người bị bệnh bướu cổ như thế? Câu hỏi chưa có lời giải đáp
Đoàn Việt Cường (Công an nhân dân)