(VietNamNet) - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, Cục Thú y vừa có văn bản yêu cầu các địa phương không nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị và kiên quyết ngừng ấp mới thủy cầm đến 28/2/2007.
Yêu cầu chấm dứt nuôi thủy cầm đề ra từ năm 2004, song đến năm nay số lượng đàn vịt vẫn tăng đáng kể. |
Đây là một trong những biện pháp lâu dài nhằm hạn chế sự lây lan và bùng phát dịch cúm gia cầm, do Cục Thú y đề xuất để triển khai trong thời gian tới.
Do không có vắc-xin cho đàn ngan nên Cục Thú y không khuyến khích nuôi ngan ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Thay vào đó, ngành chăn nuôi sẽ quy hoạch khu nuôi ngan với quy mô đàn trên 100 con, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.
Bên cạnh đó, lực lượng thú y cũng sẽ kiên quyết tiêu hủy đàn vịt mới ấp nở. Đối với đàn vịt trên 45 ngày tuổi, đã được tiêm phòng vắc-xin và có xuất xứ từ những vùng an toàn dịch bệnh, các địa phương sẽ được phép giết mổ để tiêu thụ. Riêng đàn vịt con chưa được tiêm phòng vắc-xin thì tổ chức xét nghiệm, nếu dương tính với virus H5 thì tiêu hủy, nếu âm tính thì cho phép giết mổ để tiêu thụ.
Trước mắt, Cục Thú y vẫn khuyến khích giảm đàn và giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Bên cạnh đó, chuyển đổi ngành nghề cho những người chăn nuôi gia cầm và tổ chức tiêm phòng cho đàn gà từ 1 ngày tuổi ngay từ khi mới ấp nở.
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, ngành nông nghiệp đã đặt mua 150 triệu liều vắc-xin của Trung Quốc để phục vụ cho công tác tiêm phòng đàn gia cầm năm 2006. Số vắc-xin này sẽ được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 1. Hiện phía bạn cũng đã sản xuất được vắc-xin mới. Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu Cục Thú y và các cơ quan chức năng cử đoàn chuyên gia sang Trung Quốc tìm hiểu và xin vắc-xin về tiêm thử nghiệm cho đàn gia cầm.
Đàn thuỷ cầm còn lớn, còn nguy cơ lây lan dịch bệnh
Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 10 đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát và gia tăng trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Cao điểm của dịch là vào đầu tuần tháng 11/2005, đến nay đã có chiều hướng giảm.
Trong vòng 10 ngày qua, toàn quốc đã không có nhiều điểm tái phát dịch cúm. Một số địa phương có dịch ở diện rộng, như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng... hiện đã khống chế được dịch; một số địa phương dịch mới tái phát những do phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp bao vây dập dịch nên dịch không lây lan rộng.
Dịch xuất hiện chủ yếu ở đàn thủy cầm và một số đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình.
Bộ NN-PTNT nhận định, tuy dịch đã tạm thời được khống chế, nhưng diễn biến dịch vẫn rất phức tạp và nguy cơ bùng phát dịch vẫn cao. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng đàn thủy cầm quá lớn, một số con nhiễm virus nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Cùng với chim di trú, đây là nguồn lây nhiễm chính. Ngoài ra, thời tiết cũng là yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, đặc biệt cao điểm vào tháng 1-2 trong năm.
-
Hà Yên