(VietNamNet) - Ông Nguyễn Đăng Vang - Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định như vậy tại Hội nghị bàn kế hoạch giết mổ và tiêu thụ gia cầm (do Bộ NN&PTNT chủ trì) được tổ chức vào hôm nay (4/1) tại TP.HCM.
Theo ông Vang, cả nước hiện còn trên 200 triệu con gia cầm, đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ vào tết cổ truyền dân tộc.
Bữa tiệc thịt gà diễn ra tại Đồng Nai (có sự tham dự của Bộ trưởng Cao Đức Phát) là "động lực" tinh thần rất lớn cho người chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm trong thời điểm hiện nay. |
Tiếp lời ông Vang, ông Bùi Quang Anh (Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT) thông báo “tin vui”: cả nước chỉ còn 6 tỉnh có dịch và nếu không có gì biến động thì ngày 5/1 khi bước qua ngưỡng 21 ngày khống chế được dịch tại các tỉnh này, coi như cả nước đã cơ bản không còn ổ dịch.
Không bất ngờ trước thông tin này, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đó là kết quả của nỗ lực phòng chống dịch suốt thời gian qua. Ông lưu ý “dịp Tết là cao điểm của vận chuyển lưu thông, tiêu thụ gia cầm, có thể là cao điểm nguy cơ dịch bệnh phát triển !”.
Bộ trưởng yêu cầu: “Tôi đề nghị thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ cấp bách là đảm bảo cung cấp gia cầm sạch bệnh đủ tiêu chuẩn đến tay người tiêu dùng; mặt khác quyết liệt phòng chống dịch để hướng tới chiến lược lâu dài là quy hoạch chăn nuôi tập trung, hàng hóa” .
Theo Bộ trưởng, thời gian qua một số địa phương có dấu hiệu lơ là chống dịch, điển hình là chưa thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định phòng chống dịch mà Chính phủ đang triển khai. Ông đề nghị ngay sau cuộc họp này, các địa phương phải mở ngay đợt tổng tiêu độc khử trùng để đảm bảo tối đa an toàn VSTP và chống dịch. Với đàn thủy cầm, tinh thần vẫn xác định là “cái kho” virút, kiên quyết không ấp nở mới.
Gia cầm đã trở lại chợ. |
“Địa phương nào lơ là để tái đàn, thì lãnh đạo từng cấp liên quan phải chịu trách nhiệm, kỷ luật trước chính phủ, nhân dân !” - Bộ trưởng cương quyết.
Về hướng ra cho việc tiêu thụ gia cầm sạch, ông Nguyễn Phước Thảo (GĐ Sở NN&PTNT TP.HCM) cho rằng, trong dịp Tết Bính Tuất để thu mua giết mổ gia cầm đảm bảo tiêu chuẩn, các doanh nghiệp (DN) phải cần 80 tỷ vốn đầu tư.
Ông Thảo cho biết, nhiều DN sau cơn “bão cúm” đã cạn vốn, đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ, kiến nghị ngân hàng có cơ chế cho vay thoáng chứ không cứng nhắc theo cơ chế vay thế chấp như hiện nay.
Ý kiến của ông Thảo được đưa ra sau khi có nhiều DN than phiền ngân hàng không mạnh dạn cho vay vào lĩnh vực chăn nuôi- nơi chứa đựng quá nhiều rủi ro!.
- Thái Thiện