221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
791056
Phát hiện hàng loạt vụ lừa đảo xuất khẩu lao động lớn
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Phát hiện hàng loạt vụ lừa đảo xuất khẩu lao động lớn
,

(VietNamNet) - XKLĐ là lĩnh vực kinh doanh ''béo bở'' nhưng không phải DN nào cũng được trao giấy phép hoạt động. Trong thời gian gần đây, cơ quan công an liên tục khám phá những vụ lừa đảo trong XKLĐ. Lừa đảo XKLĐ đang bùng phát trở lại.

Trụ sở của Cty cổ phần Đầu tư phát triển ADB mà Phí Công Dũng lừa đảo người lao động- Ảnh: GiangVT

Trong hai ngày 17 và 18/4, Phòng CS Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC16)- Công an Hà Nội đã khám phá hai đường dây chuyên lừa đảo hàng chục người đi xuất khẩu lao động với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, tối 17/4, cơ quan công an đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và làm việc của Bùi Thị Lan Anh (sinh năm 1977, trú tại phòng 109 nhà 19 Thanh Xuân Bắc), Giám đốc Công ty TNHH Toàn Cầu JAK thu giữ 15.500 USD, 100 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ, tài liệu có liên quan.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 10/2005, mặc dù không có giấy phép nhưng Bùi Thị Lan Anh đứng ra thành lập Công ty TNHH Toàn Cầu JAK, sau đó tự thành lập Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Việt- Hàn, đặt trụ sở tại nhà N6E khu Trung Hòa- Nhân Chính để mở các lớp ngoại ngữ, tạo lòng tin và thu hút sự quan tâm của những người có nhu cầu đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Lấy danh nghĩa Cty, Bùi Thị Lan Anh thông báo công khai mức chi phí cho mỗi suất lao động là 9.000-10.000 USD; NLĐ phải nộp ngay số tiền đặt cọc là 2.000 USD khi được vào học lớp ngoại ngữ do Trung tâm tổ chức, số tiền còn lại sẽ thu nốt trước khi xuất cảnh.

Những trường hợp thông qua các đối tượng trung gian còn phải nộp thêm từ 1.000-2.000 USD tiền chi phí “môi giới”. Bước đầu, cơ quan công an làm rõ đường dây của Lan Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của trên 30 người lao động nhẹ dạ cả tin ở các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội.

Ngay sau đó, ngày 18/4, PC16 đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Phạm Thị Ngọc (sinh năm 1972, hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc, tạm trú tại số 6 ngõ 72 đường Phạm Văn Đồng- Từ Liêm) là Giám đốc Cty cổ phần Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ cao về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Qua đấu tranh khai thác, Ngọc khai nhận đã thu của 15 người thuộc các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang… có nhu cầu đi XKLĐ ở Hàn Quốc với số tiền là 57.000 USD và 54 triệu đồng Việt Nam. Khám nhà Ngọc, cơ quan công an đã thu giữ nhiều giấy tờ, sổ sách có liên quan và phát hiện Ngọc đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 54 người với tổng số tiền là 92.000 USD và gần 240 triệu đồng.

Với mỗi người có nhu cầu đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Ngọc thu từ 2.000 đến 2.500 USD tiền ứng trước có giấy biên nhận đóng dấu của công ty. Hiện PC16 đang điều tra mở rộng, làm rõ các đối tượng liên quan.

Chỉ vài ngày sau, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đưa ra ánh sáng một đường dây chuyên lừa đảo đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Cầm đầu đường dây là Cao Thế Phiệt (sinh năm 1952, trú tại Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định). Bằng thủ đoạn giả danh cán bộ Phòng LĐTB&XH Nam Định, Phiệt đã thông tin cho nhiều người là đang có các chỉ tiêu tuyển lao động đi XKLĐ với mức lương hấp dẫn. Do tin tưởng Phiệt, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin tìm cách vay mượn để nộp tiền đặt cọc cho Phiệt. Tại cơ quan công an, bước đầu Phiệt đã khai nhận hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của 10 người bị hại tại các tỉnh Hải Dương, Hà Tây, Hưng Yên. Vụ án đang tiếp tục được làm rõ.

Mới đây nhất, ngày 28/4, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Phí Công Dũng, TGĐ Cty cổ phần Đầu tư phát triển ADB và nhân viên công ty này là Đoàn Bảo về tội ''lừa đảo chiếm đoạt tài sản''. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Phí Công Dũng, đã dùng tư cách TGĐ cấp giấy tờ cho bị can Nguyễn Xuân Thọ (đã bị bắt trước đó) dưới danh nghĩa phó TGĐ để tìm quan hệ trong lĩnh vực XKLĐ.

Nguyễn Xuân Thọ đã lừa bịp đưa người lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc du học, XKLĐ và nâng cao tay nghề. Nguyễn Xuân Thọ đã thu tiền của gần 60 người đi XKLĐ, hơn 30 người đi du học Nhật Bản và gần 30 người đi tu nghiệp sinh. Tổng số tiền Thọ thu được lên đến hơn 200.000 USD. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ, mở rộng vụ án.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, sau một thời gian tạm lắng, gần đây các vụ lừa đảo XKLĐ lại xuất hiện với hình thức tinh vi và phức tạp hơn. Thủ đoạn của bọn chúng là tìm mọi cách đánh vào tâm lý được đi XKLĐ sang Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường có thu nhập cao, ổn định một cách nhanh chóng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi XKLĐ nên đến các DN lớn, có giấy phép, thi tuyển theo đúng trình tự quy định, thu đúng số tiền quy định để tránh trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo.

  • Thụy Du
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,