(VietNamNet) - Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay (4/5) vừa ký Chỉ thị số 16/2006/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch lở mồm long móng ở gia súc. Theo đó, các địa phương khi có dịch xảy ra trên địa bàn phải công bố ngay theo Pháp lệnh Thú y.
Dịch lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Ảnh PV. |
Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, không để bệnh dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành trực thuộc TW chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y, các cấp, các ngành, người chăn nuôi gia súc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ.
Các địa phương phải tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc xung quanh vùng dịch và vùng có nguy cơ cao; vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường; kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng ổ dịch.
Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, các địa phương phải công bố dịch theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y và tập trung chỉ đạo kiên quyết, huy động mọi nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các tỉnh cần xác định công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.
UBND các tỉnh phải chỉ đạo cơ quan thú y và các cơ quan; hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, công an kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc; sản phẩm gia súc dễ cảm nhiễm với bệnh lở mồm long móng, nhất là ở các vùng có dịch, các tỉnh có biên giới đường bộ với các nước láng giềng. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và các trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Đồng thời, chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương về phòng chống thiên tai, dịch bệnh để phòng, chống dịch lở mồm long móng và hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc bị giết hủy hoặc giết mổ bắt buộc.
Chính phủ cũng nhắc nhở Bộ NN-PTNT hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y triển khai cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, có hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng; chỉ đạo UBND các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2006-2010 đã được phê duyệt.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2005, dịch lở mồm long móng đã xảy ra ở 408 xã, phường của 160 quận huyện thuộc 37 tỉnh, thành trong cả nước, với khoảng 28.000 trâu bò, 4.000 con lợn mắc bệnh. Dịch lở mồm long móng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Đáng lưu ý là từ 4/2005, dịch lở mồm long móng tuýp A có nguồn gốc từ Cămpuchia đã xuất hiện và lây lan nhiều tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên. Từ 10/10/2005, dịch lở mồm long móng tuýp Asia1 đã xuất hiện tại Khánh Hòa và Lào Cai - đây là tuýp mới xuất hiện ở Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng bệnh.
Cục Thú y nhận định, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến năng suất của đàn gia súc gây thiệt hại cho người chăn nuôi và nên kinh tế. Bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây khó khăn, tốn kém cho công tác phòng, chống dịch.
Nguyên nhân của tình trạng này là di ổ dịch cũ chưa được dập tắt và xử lý triệt để, nhiều địa phương không tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định. Việc giám sát, phát hiện bệnh không chặt chẽ, kịp thời. Khi bệnh dịch xảy ra, các địa phương chưa thực hiện các biện pháp kiên quyết để bao vây khống chế, dập tắt các ổ dịch.
-
Hà Yên