(VietNamNet) - Hội nghị Bộ trưởng APEC về cúm gia cầm vừa kết thúc bằng việc công bố "Chương trình hành động về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm".
Họp báo công bố "Chương trình hành động APEC về phòng chốngdịch cúm gia cầm và đại dịch cúm" (Ảnh: H.Châu) |
Sau khi kết thúc phiên họp chính thức hôm 5/5, vào buổi tối cùng ngày đã diễn ra cuộc họp báo công bố "Chương trình hành động APEC về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm". Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến cùng Chủ tịch nhóm Đặc trách về Y tế của APEC Lan Shugart chủ trì cuộc họp báo với sự tham dự của đại diện Ban Thư ký APEC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Chương trình hành động gồm 15 điểm này nêu rõ: Nhóm Đặc trách về Y tế của APEC (HTF) xác định việc tăng cường hoạt động phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm là một trong ba vấn đề ưu tiên trong kế hoạch công tác giai đoạn 2006 - 2007, đáp ứng một số lĩnh vực cần có hành động chung thể theo "Sáng kiến APEC về sẵn sàng đối phó và giảm thiểu tác động của đại dịch cúm" được các nhà lãnh đạo APEC thông qua vào tháng 11/2005 (gọi tắt là Sáng kiến Cấp cao năm 2005).
Các hoạt động trong năm 2006 của HTF bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn) ở các lĩnh vực: tăng cường trao đổi thông tin về nguy cơ dịch bệnh; đánh giá tác động kinh tế; tăng cường công tác xây dựng năng lực phòng chống dịch cúm gia cầm; xúc tiến công tác đánh giá các kế hoạch hành động khẩn cấp ở cấp quốc gia; tăng cường công tác chuẩn bị đối phó với dịch bệnh trong khu vực thông qua việc thử nghiệm khả năng ứng phó và các mạng lưới thông tin liên lạc; lập danh sách các chuyên gia trong lĩnh vực này ở khu vực...
Trên cơ sở những nguyên tắc và cam kết nêu trong Sáng kiến Cấp cao 2005, "Chương trình hành động APEC về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm" cam kết tăng cường hợp tác trên 5 lĩnh vực chính:
1/ Hợp tác và phối hợp liên ngành trong phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm. 2/ Xây dựng các thông lệ tốt và các biện pháp tiếp cận chung trong công tác thông tin phòng dịch. 3/ Giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch cúm gia cầm đối với nông nghiệp và thương mại. 4/ Hợp tác với khu vực tư nhân để góp phần đảm bảo tính liên tục của các hoạt động kinh doanh, thương mại và các dịch vụ cơ bản. 5/ Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.
Siết chặt kiểm soát, tăng cường trao đổi thông tin
Tại cuộc họp báo, các Bộ trưởng Y tế và Nông nghiệp 21 nền kinh tế thành viên khối APEC ghi nhận, việc kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm sang người.
TS Shigeru Omi (Giám đốc WHO khu vực phương Tây và Thái Bình Dương) nhận định, dịch cúm gia cầm vẫn đang lây lan với số người mắc bệnh ngày càng tăng. Vì vậy, phải có ngay các biện pháp phòng chống và phải tính đến tình huống xấu nhất.
Ông Vũ Ngọc Tiến (Trợ lý chương trình FAO tại VN) cảnh báo thêm: "Ở một số khu vực tại châu Á đã xảy ra "dịch địa phương". Vì vậy, phải làm nhiều hơn, cấp bách hơn. Một ngày lơi lỏng là một ngày phải trả giá!".
Chủ tịch nhóm Đặc trách về Y tế của APEC Lan Shugart cho rằng: "Việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời là yếu tố then chốt để kiểm soát thành công sự bùng phát của dịch. Việc trao đổi thông tin có mục đích và minh bạch với người dân và các bên liên quan chủ chốt sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc định hướng nhân dân về các biện pháp thích hợp, sẵn sàng đối phó với đại dịch. Việc trao đổi thông tin này không nên chỉ là giữa các Chính phủ và người dân trong nước mà còn nên trao đổi giữa các nền kinh tế thành viên, các tổ chức đa phương và cộng đồng quốc tế!".
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về mối lo ngại trước việc cấm nhập khẩu gia cầm mang tính phủ đầu khi cúm gia cầm xảy ra, và nhất là về việc cấm nhập khẩu gia cầm mà không phân biệt giữa các nền kinh tế thành viên có và không có dịch, đại diện OIE nhấn mạnh: "Điều quan trọng là các nền kinh tế thành viên APEC cần cam kết áp dụng các tiêu chuẩn khoa học trong thương mại quốc tế nhằm tránh những hạn chế không cần thiết đối với thương mại về hàng hoá và dịch vụ nông nghiệp".
Trợ lý FAO tại VN Vũ Ngọc Tiến bổ sung: "Cần có chiến lược toàn cầu về việc vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới. Cần tăng cường đối thoại, điều phối, xây dựng sự hiểu biết trong cộng đồng về những nguy cơ, rủi ro từ việc vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới".
Về vấn đề thay đổi tập quán chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: "Đây là biện pháp rất quan trọng, có tính chất quyết định trong phòng chống dịch cúm gia cầm và tại hội nghị này cũng đã được các đại biểu bàn rất nhiều. Ở VN, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi tập quán chăn nuôi. Tuy nhiên, đây là một công việc phức tạp, cần nhiều nỗ lực trong thời gian dài!".
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho hay, đến nay, VN đã nhận được khoản cam kết viện trợ quốc tế 46 triệu USD cho việc phòng chống dịch cúm gia cầm và hy vọng sự tài trợ này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian đến.
Ngày 6/5, các đại biểu tham dự hội nghị Bộ trưởng APEC sẽ có chương trình khảo sát thực tế tại một trại chăn nuôi gia cầm của tư nhân ở Đà Nẵng..
-
Hải Châu