(VietNamNet) - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Đậu Ngọc Hào cho rằng, việc tiêu huỷ toàn bộ gia súc bị bệnh lở mồm long móng (LMLM) rất khó khả thi, nhất là khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh trên toàn quốc.
Dưới đây là trao đổi của ông với VietNamNet về các giải pháp tình thế và lâu dài cho dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc, đang lan rộng hiện nay.
Miền Trung: Hàng ngàn gia súc chết vì lở mồm long móng
Hà Nội: 7 xã có gia súc bị lở mồm long móng
Ông Đậu Ngọc Hào: "Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là nghiêm cấm vận chuyển gia súc bị bệnh". |
Năm nay, dịch nghiêm trọng hơn
- Thưa ông, rõ ràng là hiện nay tốc độ lây lan dịch bệnh LMLM đang rất nhanh ở trâu, bò, lợn cả 3 miền trên cả nước?
- Ông Đậu Ngọc Hào: Đúng là hiện nay tốc độ lây lan dịch bệnh này rất nhanh, được thế giới xếp vào dạng đại dịch. Do vậy nên việc áp dụnng các biện pháp cũng cần phải mạnh mẽ. Ví dụ như các nước khi phát hiện dịch LMLM đều áp dụng biện pháp tiêu diệt toàn bộ đàn gia súc.
Tuy nhiên, do Việt Nam có những khó khăn về tài chính nên không phải địa phương nào cũng thực hiện được biện pháp này. Hoặc khi dịch bệnh ít, xảy ra nhỏ lẻ chúng ta không tiêu diệt được, để đến khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng thì biện pháp tiêu diệt hoàn toàn là rất khó khả thi. Chúng tôi đang gấp rút soạn thảo những quy định mới về phòng chống bệnh LMLM cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Tôi vừa được biết UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chi khẩn cấp 6 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch LMLM đang diễn ra trên địa bàn. Theo đó, những gia súc mới phát bệnh LMLM đầu tiên trong ổ dịch buộc phải tiêu hủy sẽ được hỗ trợ 200 nghìn - 1,5 triệu đồng/con; hỗ trợ chi phí tiêu hủy theo mức 50 nghìn đồng/con gia súc nhỏ và 200 nghìn đồng/con gia súc lớn. Trước mắt, tỉnh cũng hỗ trợ 100% tiền thuốc và công tiêm phòng cho đàn gia súc thuộc các hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Nhưng tại sao năm nay dịch bệnh lại bùng phát mạnh như vậy?
- Ông Đậu Ngọc Hào: Dịch bệnh LMLM năm nay thực sự nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân do mầm bệnh tồn tại trong đàn gia súc.
Từ trước đến nay ta cũng đã thực hiện các biện pháp như tiêu diệt, tập trung khoanh vùng, nghiêm cấm vận chuyển và tiêm phòng. Tuy nhiên, do các biện pháp thực hiện chưa đồng bộ, có nơi làm được, có nơi không làm được, thành ra những con gia súc cứ giữ lại để chữa bệnh lại là những con mang chủng gieo rắc dịch bệnh. Khi chúng được vận chuyển đi nơi khác hoặc để làm giống rất dễ gây ra dịch bệnh trên diện rộng, phát sinh những vùng dịch mới.
Ngoài ra, việc buôn lậu qua biên giới vẫn tồn tại, mang theo những mầm bệnh không kiểm soát được. Chính việc vận chuyển gia súc giữa vùng này với vùng khác trong nước, đặc biệt là gia súc chưa được tiêm phòng, cũng là nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Thừa lệnh của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT vừa xuất cấp (không thu tiền) 340.000 liều vắc-xin LMLM 3 tuýp, 300.000 liều vắc-xin LMLM tuýp O và 35.000 lít thuốc sát trùng thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc cho 6 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. |
Mặt khác, LMLM cũng là bệnh có tính chu kỳ. Trong vòng 3 - 5 năm lại có một đợt dịch bùng phát do mầm bệnh tồn tại, đến một thời gian nào đó lại tái phát.
Từ đầu năm đến nay, đã có 154 huyện, 433 xã thuộc 36 tỉnh phát hiện có trâu, bò, lợn bị LMLM. Tổng số trâu bò bị nhiễm bệnh là 26 nghìn con, lợn 10 nghìn 500 con và dê 47 con.
- Như ông nói thì rõ ràng là hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn trong công tác đền bù, nhất là về kinh phí hỗ trợ cho nông dân có gia súc bị bệnh buộc phải tiêu hủy?
- Ông Đậu Ngọc Hào: Thực ra việc đền bù đã có trong quy định về chính sách hỗ trợ, nhưng trên thực tế lại tuỳ thuộc nhiều vào địa phương. Không phải địa phương nào cũng có sẵn kinh phí để có thể hỗ trợ được ngay. Bên cạnh đó, việc đánh giá giá trị con vật và kinh phí hỗ trợ đôi khi chưa kịp thời hoặc hỗ trợ thấp cũng là nguyên nhân khiến người dân không đồng tình, bởi họ cảm thấy bị thiệt thòi.
Tránh ăn thịt gia súc có bệnh
- Vậy biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh hiện nay là gì, thưa ông? Cục Thú y đưa ra khuyến cáo gì đối với người dân có gia súc bị bệnh?
- Ông Đậu Ngọc Hào: Biện pháp cấp bách hiện nay vẫn là bao vây ổ dịch. Đối với những địa phương có thể tiêu hủy được thì khuyến khích làm, đặc biệt là đối với đàn lợn. Đối với đàn trâu bò thì khoanh vùng lại, thực hiện tiêm phòng và điều trị. Nếu số lượng trâu bò bị dịch ít thì cũng nên tiêu diệt. Quan trọng nhất là không được vận chuyển gia súc từ nơi này sang nơi khác. Đây phải là biện pháp bắt buộc, không thể chần chừ.
- Theo lý thuyết thì dịch bệnh này không lây sang người, nhưng khi chúng ta ăn phải thịt gia súc bệnh có bị ảnh hưởng gì không?
- Ông Đậu Ngọc Hào: Tác hại lớn nhất của dịch này, nếu trong trường hợp nặng, là làm chết động vật. Thứ hai, làm cho sức sản xuất của con vật giảm sút và quan trọng hơn là nó bài tiết siêu vi trùng ra ngoài, gây lây lan dịch.
Trên thế giới, các nước đều muốn thanh toán bệnh này. Việt Nam là một trong những thành viên của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nên cũng phải tuân theo. OIE liệt bệnh này vào loại đại dịch đặc biệt quan trọng, do đó họ đưa ra những quy định ngặt nghèo. Những nước nào có dịch này thì việc buôn bán sản phẩm gia súc rất khó khăn, thậm chí những sản phẩm khác cũng bị ảnh hưởng.
Đối với người, nói chung khi ăn tất cả các loại gia súc, gia cầm có bệnh đều là không tốt. Tuy LMLM không giống bệnh cúm gia cầm là có thể gây chết người, nhưng nếu chúng ta ăn những sản phẩm có bệnh thì rõ ràng không nên. Biện pháp tốt nhất vẫn là tiêu huỷ, không giết mổ, buôn bán, vận chuyển.
- Xin cảm ơn ông.
-
Hà Yên (thực hiện)