(VietNamNet) - Lần đầu tiên, những khúc mắc về quan điểm trong việc sửa chữa cầu Văn Thánh 2 nói riêng và tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nói chung được "tiết lộ" trong bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong phương an xử lý sự cố cầu Văn Thánh 2, liệu giữa UBND TP.HCM và Bộ GTVT có những mâu thuẫn?. |
Phương án sửa chữa cầu Văn Thánh 2 từng bị Bộ GTVT bác
Về sự cố ở cầu Văn Thánh 2, UBND thành phố cho biết, từ cuối 7/2004, cầu văn Thánh 2 đã bắt đầu có hiện tượng rõ rệt về một số đầu dầm và cánh dầm trên mố M1 (phía bờ Q.1) bị nứt, vỡ, các cạnh đầu dầm chạm vào tường đỉnh mố (theo thiết kế phải có khe hở 5cm), các thớt gối cầu bằng thép (trên và dưới) đều bị lệch với nhau; phía mố M2 (phía bờ gần cầu Sài Gòn) cũng có hiện tượng tương tự, tuy mức độ ít hơn.
Sau khi phát hiện, thành phố đã chỉ đạo xử lý tạm thời để đảm bảo an toàn trong khi khai thác công trình (trong đó có việc chêm thêm các thanh gỗ để gối tạm như hình ảnh mà các báo đã đưa tin). Tuy nhiên, về giải pháp và nội dung sửa chữa khắc phục, cho đến cuối 2004 vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất giữa các cơ quan đầu ngành.
Về phương án kỹ thuật nhằm xử lý triệt để đối với các đoạn đường có nền đắp cao sau mố cầu Văn Thánh 2, trên cơ sở ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội nghị do Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì ngày 15/11/2005, UBND thành phố đã có công văn đề nghị Bộ GTVT xem xét thống nhất sửa chữa cầu theo phướng án “nối dài cầu” thay vì phương án “bù lún” mà Bộ GTVT chọn để xử lý.
Thế nhưng không hiểu lý do vì sao Bộ GTVT đã bác bỏ phương án mà UBND thành phố đã đề nghị. Dư luận hiện vẫn băn khoăn: Phải chăng vì Bộ GTVT sợ công ty “con” của mình là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 phải bỏ ra quá nhiều tiền để khắc phục sự cố nên Bộ không chấp thuận phương án mà UBND TP.HCM đề nghị?.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đua, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: Với ý thức tôn trọng ý kiến của Bộ quản lý ngành, UBND thành phố đã có công văn đề nghị Bộ GTVT giúp đảm nhận thẩm định xét duyệt thiết kế kỹ thuật công tác khắc phục sự cố hư hỏng cầu Văn Thánh 2 và các công việc khắc phục tại công trình. Ngày 16/12/2005, Bộ GTVT đã có quyết định xét duyệt thiết kế kỹ thuật thi công sửa chữa cầu, UBND thành phố đã cho phép chủ đầu tư (Công ty Thanh niên xung phong thành phố) tạm ứng 15 tỷ đồng ( sẽ khấu trừ trong phần giá trị xây lắp công trình mà chủ đầu tư còn giữ lại của đơn vị thi công khoảng 50 tỷ đồng, do công trình chưa được nghiệm thu).
Chưa có cơ sở bảo đảm cầu Văn Thánh 2 thôi lún
Từ khi hoàn thành công tác sửa chữa và đưa vào khai thác trở lại, qua theo dõi quan trắc, công trình vẫn có hiện tượng chuyển vị của các mố cầu, biến dạng của các gối cầu cũng như hiện tượng lún khá nhanh của các đoạn đường sau mố cầu và đường chui ( đã được bù lún cùng với việc sửa chữa cầu Văn Thánh 2).
Qua kiểm tra hiện trường, UBND thành phố nhận thấy vấn đề đã ở mức báo động, cần được khẩn trương xem xét đúng mức để có biện pháp can thiệp kịp thời nên Sở GTCC thành phố đã khảo sát thực địa, tổ chức hội thảo để thu thập ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành và các chuyên gia, tìm kiếm giải pháp sửa chữa công trình một cách căn cơ và triệt để.
Tiếp tục bù lún tại đường dẫn Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh 2. |
Cho đến nay, qua theo dõi, nền đường đắp khá cao của các đoạn sau mố cầu Văn Thánh 2 vẫn tiếp tục lún với tốc độ khá nhanh, tiếp tục tạo nên sự cố chuyển vị của các mố cầu và có nguy cơ tiếp tục gây hư hỏng kết cấu nhip cầu như trước. “Tình hình này cho thấy chưa có cơ sở bảo đảm các đoạn đường đắp cao này đã gần “tắt lún”; đoạn đường đắp cao tại đường dẫn cầu vượt đầu cầu sài Gòn cũng xảy ra hiện tượng tương tự, gây nứt tường bao che do chiều cao đất đắp lớn”- báo cáo của UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Kết quả quan trắc, đo đạc kiểm định công trình vào 8/2005 cho thấy hiện tượng lún nhanh đã diễn ra trên suốt chiều dài tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian đầu và cao trình mặt đường hoàn thành đã thấp hơn cao trình thiết kế khá lớn. Bình quân chêch lệch thấp nhất tại địa bàn Q.1 là 0,1- 0,2m; bình quân chêch lệch cao tại địa bàn Bình Thạnh là 0,5- 0,6m; cá biệt ở hai đoạn đường đầu cầu Văn Thánh 2 là 1,1m.
UBND TP.HCM đề nghị thay đơn vị tư vấn có năng lực
Mới đây, UBND thành đã đề nghị Bộ GTVT lựa chọn một đơn vị tư vấn khác đủ năng lực và kinh nghiệm để thay thế Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, tiến hành khảo sát lại để có giải pháp xử lý kỹ thuật triệt để và phù hợp. UBND thành phố cũng cho biết sẽ giao cho Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố tham gia thẩm tra các giải pháp được đề xuất.
Với hiện trạng tiếp tục lún của nền đường đắp cao sau các mố cầu Văn Thánh 2 và tại đoạn đường dẫn vào cầu vượt đầu cầu Sài Gòn, UBND thành phố vừa đề nghị Thủ tướng chính phủ xem xét cho phép thành phố được tổ chức nghiên cứu phương án xây dựng “nối dài cầu” hai bên đầu cầu Văn Thánh 2 và phương án "sàn giảm tải” tại đầu cầu vượt đến cầu Sài Gòn, giải tỏa các đoạn có nền đường đắp cao trên tuyến (các phương án này, UBND thành phố đã kiến nghị nhiều lân nhưng chưa được Bộ GTVT chấp thuận).
Nói về trách nhiệm trong việc chọn Chủ đầu tư công trình là Công ty Thanh niên xung phong, UBND TP.HCM nhận định: “Đây cũng là bài học kinh nghiệm của UBND thành phố trong việc chọn chủ đầu tư”.
-
Trần Duy